Vị Tế tửu được học trò tôn làm Thành hoàng làng

GD&TĐ - Tế tửu Quốc Tử Giám - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh là người Kinh Bắc nhưng được các Giám sinh, học sinh Quảng Yên (Quảng Ninh) tôn làm Thành hoàng làng.

Đình làng Yên Đông (Quảng Yên - Quảng Ninh), nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Đăng Minh. Ảnh minh họa.
Đình làng Yên Đông (Quảng Yên - Quảng Ninh), nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Đăng Minh. Ảnh minh họa.

Huynh đệ đồng khoa

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Đăng làng Hoài Thượng, xã Liên Bão (Tiên Du – Bắc Ninh) ghi chép, từ năm 1443 đến năm 1918 (tức là trong khoảng 475 năm), dòng họ có 91 người đỗ đạt. Trong đó, có 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 6 Tiến sĩ, 7 Giám sinh, 25 Hiệu sinh, 2 Tú tài, 5 Thiếu khanh, tổng giáo và huyện thừa…

Gia phả cũng cho biết, thủy tổ của dòng họ là cụ Huyền Chiếu Công, vốn mang họ Nguyễn Duy sinh sống vào thời nhà Trần. Khi nhà Trần suy vi, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, cụ đưa vợ con đến đất Tiên Du. Vốn hay chữ lại biết phong thủy nên đến đây, thấy đất lành bèn lưu lại sinh cơ lập nghiệp.

Từ đời cụ thủy tổ kéo dài đến đời thứ 7 vẫn mang họ Nguyễn Duy, sang đời thứ 8 là cụ Hằng Sơn thì phải đổi sang họ Nguyễn Đăng để tránh tên húy của một người trong họ chúa Trịnh. Ngoài tránh huý, việc thay đổi sang họ Nguyễn Đăng được giải thích rằng, “Đăng” là đèn, ý muốn sau này dòng họ luôn sáng suốt, đời đời có văn học, có người làm quan, sự nghiệp đăng quang sáng tỏ.

Từ đời cụ Hằng Sơn về sau, con cháu dòng họ Nguyễn Đăng bắt đầu phát khoa bảng. Cụ Hằng Sơn có hai người con trai, một người đỗ Thám hoa, một người đỗ Tiến sĩ. Người đỗ Thám hoa chính là Nguyễn Đăng Cảo, đỗ trong khoa thi năm Bính Tuất (1646) thời vua Lê Chân Tông. Người con thứ hai của cụ Hằng Sơn là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh.

Tương truyền, thuở nhỏ Nguyễn Đăng Minh đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, lại được sự giáo dục, uốn nắn kèm cặp từ người cha nên thi trúng sinh đồ khi mới 16 tuổi. Vào năm Bính Tuất (1646), ông cùng anh trai là Nguyễn Đăng Cảo, tới kinh thành tham dự kỳ thi Hội.

Kỳ thi này, triều đình chọn 17 người giỏi nhất, cả hai anh em ông đều trúng cách. Hôm sau vào thi Điện, vua ngự lãm, định thứ tự cao thấp, ban cho Nguyễn Đăng Cảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa), Nguyễn Viết Cử đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và 15 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó có Nguyễn Đăng Minh.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đăng tại Tiên Du – Bắc Ninh.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đăng tại Tiên Du – Bắc Ninh.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này khắc rằng: “Trong khoa này, hào kiệt rủ nhau đến dự thi, các bậc chân Nho nối nhau xuất hiện. Những người đỗ đạt ra làm quan đắc dụng ở thời sáng thịnh, cả văn chương và chính sự đều rất tốt đẹp, công bình liêm chính đáng khen.

Nay đã đăng tên vào tấm đá này, ắt phải nói bàn sắt đá, danh tiết ngọc vàng; chính học phải theo Qui Sơn, tà học phải lánh xa An Thạch; lấy đạo đức phò giúp bậc chân chúa, lấy văn học làm đẹp mưu lược của đế vương, xã tắc nhờ đó được lâu dài, cơ đồ nhờ đó thêm vững chãi; làm bậc nguyên lão như cỏ thi mai rùa của triều đình, làm vị tể tướng như trụ đá của lăng miếu;… người đời sau ắt sẽ chỉ vào tên mà bảo: người nọ có tài tể tướng, người kia là bậc tuấn kiệt, người nọ hiểu việc trị nước giúp dân, người kia giàu lòng trung vua yêu nước”.

Sau khoa thi, hai anh em cùng vinh quy bái tổ. Một gia đình có hai anh em cùng đỗ Tiến sĩ trong một khoa thi, cùng vinh quy bái tổ là điều xưa nay hiếm nên rất được sự chú ý của người đương thời, đặc biệt là giới trí thức Nho học và sĩ tử, trở thành tấm gương học tập cho muôn người noi theo.

Vị Tế tửu bình dị

Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh tại đình làng Yên Đông. Ảnh tư liệu.

Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh tại đình làng Yên Đông. Ảnh tư liệu.

Một số nguồn sử liệu cho biết, sau khi thi đỗ, Nguyễn Đăng Minh được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu thảo với trách nhiệm tu soạn các bộ sử. Trải qua nhiều chức quan, nhiều công việc nhưng với tài năng và đức độ, ông đã có nhiều đóng góp cho đất nước – đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước trong thời gian giữ chức Quốc Tử Giám Tế tửu.

Các ghi chép trong nguồn sử chính thống về cuộc đời làm quan của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh khá ít ỏi. Tuy nhiên, qua những câu chuyện lưu truyền, người nay biết được bóng hình của một vị quan, một người thầy hết lòng vì đất nước.

Tương truyền khi làm Tế tửu Quốc Tử Giám, ông vẫn rất giản dị, tránh mọi sự phiền nhiễu tới dân. Không chỉ có vậy, trên cương vị người được giao việc đào tạo nhân tài cho đất nước, ông đã dành hết tâm sức truyền dạy kiến thức, và tỉnh táo tinh tế trong việc lựa chọn nhân tài cho triều đình.

Sự giản dị và gần gũi với dân chúng của Nguyễn Đăng Minh được miêu tả gần như không còn ranh giới giữa quan chức và người dân thường. Tương truyền, ông thường bị nhầm lẫn với tầng lớp bình dân, thậm chí mấy lần bị bắt trói đòi nhầm nợ.

Là một vị quan lớn, là nhà nho nhung khi bị nhầm lẫn xúc phạm ông vẫn tha thứ vô điều kiện. Ông lấy sự vị tha để giáo hóa, lấy sự gần gũi để an ủi, lấy lòng thành để đối nhân xử thế. Bởi vậy, người đương thời không chỉ kính trọng ông là một nhà khoa bảng, mà còn nể phục ở sự liêm khiết và thành thực.

Đến nay, bút tích mà Nguyễn Đăng Minh để lại cho hậu thế là 3 bài khắc soạn trên văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám: Văn bia khoa Đinh Mùi (1607), khoa Canh Tuất khoa (1610) và khoa Quý Sửu (1613).

Bên cạnh đó, ông cũng tham gia soạn văn tại đình Dưỡng Mông (Tiên Du) vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686). Thông qua những bài văn bia do Nguyễn Đăng Minh soạn, giới nghiên cứu thây được giá trị văn chương cũng như tư tưởng của một nhà khoa bảng lớn.

Theo sử liệu, Nguyễn Đăng Minh có hai người con trai là Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo cùng đỗ Tiến sĩ. Trong đó, Nguyễn Đăng Tuân làm quan tới chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được coi là kết tinh rực rỡ nhất cho truyền thống hiếu học của gia tộc Nguyễn Đăng, cũng là niềm tự hào của một vùng văn hiến Kinh Bắc.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh có 2 người con đỗ đại khoa, là Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo (ảnh phải). Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh có 2 người con đỗ đại khoa, là Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo (ảnh phải). Ảnh minh họa.

Hổ phụ sinh hổ tử

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Đăng Đạo được đặc cách cử làm tiến Kim tử vinh lộc đại phu, sau thăng làm Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, sau đó lại chuyển qua làm Thượng thư bộ Lại, bộ Binh kiêm Bồi tụng và tới chức Tể tướng cho đến khi trí sĩ, phong tước Thọ Quân Công.

Ông là một trong số rất ít những người có tiếng nói để ngăn cản bớt sự lộng quyền của chúa Trịnh. Cuốn “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” có ghi chép như sau: “Lúc bấy giờ trăm quan muốn dùng triều phục bệ kiến vua vào chầu ở phủ chúa Trịnh, ông cho là phi lễ. Chúa Trịnh khen thưởng vì tính cương trực, tặng cho 200 lạng vàng”.

Là nhân tài hiếm có đương thời, Nguyễn Đăng Đạo được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh đòi lại các vùng đất ở Tuyên Quang và Hưng Hóa, đây là việc rất khó vì qua thời gian lâu nhiều đoàn sứ thần đã đi nhưng đều không có kết quả.

Ông đưa ra lập luận vững chắc, vua quan nhà Thanh nhiều lần tìm cách thử tài nhằm bắt bí nhưng ông đều vượt qua được. Cuối cùng ông không chỉ đòi được đất về mà ông còn khiến triều đình nhà Thanh bội phục, vua Thanh phong ông là Đệ nhất khôi nguyên của Bắc triều, ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước, trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Các nhà nghiên cứu đánh giá thành công của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo phần lớn đến từ truyền thống thi thư chữ nghĩa của gia đình, đặc biệt ảnh hưởng từ bác là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và người cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh. Sống trong một gia đình mà bác và cha đều là những danh sĩ, những nhà khoa bảng lớn của dân tộc nên tất cả tinh tuý như tụ lại ở con người Nguyễn Đăng Đạo.

Theo thống kế của Hội đồng gia tộc Nguyễn Đăng, qua các đời dòng họ có đến 91 người đỗ đạt. Nhiều người tuy không vào hàng đại khoa, không được khắc tên ở văn bia nhưng vẫn được bổ nhiệm vào các chức vụ của triều đình. Gặp buổi nhiễu nhương, nhiều người trong dòng họ sẵn sàng treo ấn từ quan để giữ tiết khí của nhà nho chân chính.

Nguyễn Đăng Minh và người anh là Nguyễn Đăng Cảo cùng đỗ Tiến sĩ trong cùng khoa thi.

Nguyễn Đăng Minh và người anh là Nguyễn Đăng Cảo cùng đỗ Tiến sĩ trong cùng khoa thi.

Hổ phụ sinh hổ tử, từ Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh trở về sau đã hình thành những thế hệ tài giỏi, góp sức cho đất nước, mãi mãi ghi danh bảng vàng. Sau khi Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh qua đời, ông được triều đình gia phong chức Hộ bộ Tả thị lang, Thái bảo.

Đồng thời, ông cũng được tôn làm Thành hoàng làng và được thờ tại đình làng Yên Đông thuộc phường Yên Hải (Quảng Yên - Quảng Ninh). Theo sử liệu, làng Yên Đông được hình thành từ thời nhà Lê, do 17 vị tiên công quê Thăng Long vâng mệnh vua đi mở đất.

Khi xây dựng đình làng, người làng Yên Đông nguyên là Giám sinh, hiệu sinh và học trò Quốc Tử Giám đã tôn Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh làm Thành hoàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ