Vì sao tuyển sinh nhóm ngành hẹp, ngành hiếm vẫn khó?

GD&TĐ - Nhiều nhóm ngành như khoa học tự nhiên, xã hội, nông lâm thủy sản đang rất cần nguồn nhân lực nhưng các trường đại học có đào tạo những nhóm ngành này lại tuyển sinh rất khó khăn.

Thí sinh tìm hiểu thông tin và đăng ký xét tuyển.
Thí sinh tìm hiểu thông tin và đăng ký xét tuyển.

Nhu cầu cao nhưng tên gọi thiếu hấp dẫn

Thống kê của Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy có 5 nhóm ngành rất “khát” nhân lực thì tỉ lệ nhập học năm 2020 lại rất thấp. Nhóm ngành khoa học tự nhiên có tổng chỉ tiêu 4.506 nhưng tổng số sinh viên nhập học chỉ là 1.867; nông lâm nghiệp và thủy sản có tổng chỉ tiêu 9.416, tổng nhập học 4.135; môi trường và bảo vệ môi trường có tổng chỉ tiêu 6.656, tổng nhập học 4.345.

Tình trạng trên ở năm 2019 cũng không khá, khi tỉ lệ nhập học nhiều nhóm ngành chỉ ở mức 50% như: Nhóm ngành Khoa học tự nhiên: 34,58%; nông - lâm nghiệp và thủy sản: 32,60%; dịch vụ xã hội: 45,71%; khoa học sự sống: 50,04%; môi trường và bảo vệ môi trường: 45,28%.

Điển hình như Trường Đại học Tài nguyên Môi trường, mỗi năm có khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kĩ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lý tài nguyên nhưng hiện mỗi ngành đã phải giảm đi 100 chỉ tiêu vì không tuyển đủ. Hay như ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) các ngành Địa chất, Hải dương học, Môi trường rất cần nhân lực vì doanh nghiệp đặt hàng, nhưng số người theo học rất ít.

Thực trạng những nhóm ngành hẹp, ngành đặc thù với cơ hội việc làm rất cao nhưng khó tuyển đã diễn ra trong nhiều năm nay. Nhiều trường thậm chí buộc phải đóng ngành vì không tuyển đủ số sinh viên để đào tạo. Nguyên nhân của tình trạng này là do mức hấp dẫn của tên ngành cùng độ “hot” không cao, không thời thượng theo xu thế.

Khảo sát nhanh về số hồ sơ xét học bạ đợt 1 nộp về các trường cho thấy, phần lớn hồ sơ xét tuyển sớm của học sinh đều nộp và các ngành, nhóm ngành “hot” của trường. Số hồ sơ quan tâm đến các ngành đặc thù, chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, môi trường, khoa học tự nhiên, xã hội khá lác đác, thậm chí chưa có.

Nhận định về thực trạng trên, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông HUTECH cho rằng, bên cạnh việc định hướng nghề nghiệp của học sinh chưa tốt còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các trường ĐH-CĐ. “Vì sao các ngành học mất dần sức hút trong khi xã hội đang rất cần? Đó là vì việc đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn do không được các trường cập nhật kịp thời về máy móc thiết bị, kỹ năng sử dụng thiết bị... nên sinh viên ra trường chưa thể hội nhập được ngay. Bản thân những ngành học này cũng hơi khô khan, bó hẹp, chủ yếu đi vào chuyên môn, nên cần phải có những phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút thì sinh viên mới không chán” - ThS Dung nhận định.

Lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM.

Người học vẫn chọn ngành theo hướng thực tế

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận: Những ngành mà trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong năm 2020 phần nhiều là những ngành có tên gọi khiến cho học sinh có cảm giác công việc nặng nhọc, vất vả. Tuy nhiên, thực chất đó đều là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp rất cao.

“Học sinh không biết, không hiểu nên ít đăng ký theo học. Nhưng nếu hiểu chắc chắn các em sẽ không ngán ngại. Đơn cử, việc xâm nhập mặn, phèn ở miền Tây đang là vấn đề rất nóng bỏng, nhân lực để phục vụ cho việc xử lý này đang quá thiếu. Nếu học Địa chất, Hải dương học, Môi trường ra trường các em sẽ xử lý được vấn đề này. Tuy nhiên, đây là những công việc phải di chuyển, đi nhiều ra ngoài đường nên nhiều bạn sợ khó, sợ khổ” - ThS Quán nói.

5 năm qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu và phát huy được giá trị rất lớn trong công tác định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Công tác xã hội Học viện Phụ nữ Việt Nam, việc chọn lựa ngành học của phụ huynh và học sinh vẫn còn nặng tính thực tế, thậm chí nhiều thí sinh vẫn có khuynh hướng chọn những ngành “sang tiếng, đẹp tên”.

Thực tế, nhóm ngành Công tác xã hội (Công tác xã hội, Giới và Phát triển, chuyên ngành Tham vấn - Trị liệu) hiện đang rất thiếu nhân lực. Sinh viên học xong sẽ dễ dàng có việc làm trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; có thể là chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, hoặc cán bộ hoạch định chính sách xã hội; chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành lao động - thương binh và xã hội… Tuy nhiên, vì đặc thù tên gọi, ngành học thiếu sức hút với thí sinh.

Vì sao tuyển sinh nhóm ngành hẹp, ngành hiếm vẫn khó? ảnh 2
Click vào ảnh để xem nội dung.

Nhận diện được những khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhóm ngành hiếm, chuyên ngành hẹp, thời gian qua nhiều trường ĐH-CĐ đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, truyền thông. Các trường thường xuyên livestream trả lời, tư vấn trực tuyến cũng như xuống tận các trường để tổ chức ngày hướng nghiệp, qua đó giúp học sinh hiểu hơn về nhu cầu nhân lực từng nhóm ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực tương lai…

Để khắc phục những khó khăn trong tuyển sinh của nhóm ngành hiếm, chuyên ngành hẹp, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho biết, các trường đã không ngừng đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn. Việc tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng, xây dựng các chương trình học bổng riêng cũng được triển khai thường xuyên hơn.

 “Thời gian qua, nhiều trường đã mở thêm ngành đào tạo mới, mang tính liên ngành để tạo sức hấp dẫn hơn cho người học. Đơn cử như các ngành Khoa học dữ liệu (toán tin), kỹ thuật điện tử và tin học (vật lý), khoa học và công nghệ thực phẩm (hóa - sinh), quản lý đô thị và bất động sản (địa lý), công nghệ giám sát tài nguyên môi trường… Những ngành này đã tuyển sinh tốt hơn vì đều mang tính ứng dụng, không phải là khoa học cơ bản thuần túy nữa” - ThS Sơn nói.

Cũng là chuyên ngành, ngành hẹp nhưng nếu tên ngành mà “hot”, thời thượng như các ngành thuộc nhóm CNTT thì vẫn hút phụ huynh, thí sinh. An ninh Mạng, Công nghệ Phần mềm, Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng, Công nghệ Dữ liệu Bảo mật và Trí tuệ Kinh doanh (thuộc ngành Khoa học máy tính)… là những chuyên ngành hẹp nhưng vẫn rất hút hồ sơ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.