Sàng lọc bằng nhiều hình thức
Cũng như mọi năm, ngoài phương án xét tuyển chính dựa vào kết quả học bạ, điểm thi THPT của thí sinh, xét tuyển thẳng, dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, nhiều trường ĐH - CĐ có nhóm ngành đặc thù như: Hội họa, Âm nhạc, Kiến trúc, Thiết kế, Mỹ thuật… còn tổ chức thêm kỳ thi (thi các môn năng khiếu theo nhóm ngành) để xét tuyển.
“Trường hiện chưa công bố đề án tuyển sinh, nhưng về cơ bản vẫn giữ như năm 2019 với các tổ hợp xét tuyển không thay đổi nhiều. Với nhóm ngành năng khiếu ngoài điểm Toán, Vật lý hoặc Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, thí sinh phải thi thêm ba môn Vẽ mỹ thuật, Hình họa mỹ thuật và Bố cục trang trí màu do trường tổ chức, điểm các môn năng khiếu sẽ không nhân hệ số. Cụ thể, nếu thí sinh học ngành Kiến trúc thì xét 3 môn gồm Toán - Văn (hoặc Vật lý) và Vẽ mỹ thuật”, ThS Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo & Công tác sinh viên (Trường ĐH Kiến trúc TPHCM) cho biết.
Tại Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, thí sinh phải tham gia bài thi năng khiếu bên cạnh hai môn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho đủ tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, với các ngành năng khiếu, nhà trường chỉ xét tuyển với thí sinh có điểm thi môn năng khiếu trên 5 điểm do trường tổ chức.
Với nhóm ngành thuộc khối N và M (Văn - Năng khiếu, năng khiếu âm nhạc) của Nhạc viện TPHCM (Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc, Âm nhạc học), ĐH Văn Hiến (Thanh nhạc, Piano), ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn (Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học), thí sinh phải thể hiện phần thi năng khiếu bằng các bài hát, giọng đọc truyền cảm, kể chuyện để tính điểm hệ số môn.
Theo NSND Tạ Minh Tâm - Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, để thi tuyển vào các ngành học của trường, thí sinh ngoài chuyên môn (nền tảng âm nhạc) như tốt nghiệp cao đẳng âm nhạc, trung cấp âm nhạc hoặc có trình độ âm nhạc tương đương, còn phải bảo đảm trình độ văn hóa (tốt nghiệp THPT). Sau đó tùy theo ngành học các em lựa chọn, Hội đồng thi tuyển của nhà trường sẽ kiểm tra bài thi năng khiếu.
“Ở bài thi năng khiếu 1 - chuyên môn (gồm viết tiểu luận, sáng tác, chỉ huy, diễn tấu, hát) điểm sẽ nhân hệ số 2. Ở bài thi năng khiếu 2 - kiến thức (gồm viết bài ghi âm đơn điệu, ghi âm hợp điệu, phối hòa âm, vấn đáp kiến thức tổng hợp, xướng âm) điểm sẽ là hệ số 1. Yêu cầu để được xét tuyển sau thi, thí sinh phải có điểm sàn chuyên môn trên 7,5 điểm và điểm sàn kiến thức là 5,0 điểm. Trường cũng xét tuyển bằng điểm học môn Văn (bên cạnh điểm thi năng khiếu) của thí sinh 3 năm học THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT với điều kiện không dưới 5 điểm”, NSND Tạ Minh Tâm cho biết.
Lựa chọn đầu vào để nâng chất lượng đào tạo
Thực tế, những nhóm ngành nghề trên luôn cần thiết trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của xã hội hay một nền kinh tế, thậm chí trong nhiều giai đoạn, đây là khối ngành (khối H, V) trọng điểm. Vì thế, nhu cầu nhân lực cho khối ngành này luôn ổn định.
Theo ThS Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM), vai trò của năng khiếu trong quá trình sinh viên theo học các ngành học đặc thù: Kỹ thuật - Kiến trúc - Thiết kế - Mỹ thuật đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của các em trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp sau này.
“Không có tố chất và năng khiếu, chỉ có đam mê sẽ rất khó thành công với những ngành nghề có tính đặc thù riêng. Vì vậy, việc các trường sàng lọc, sát hạch kỹ đầu vào là để nâng ca chất lượng đào tạo nguồn nhân lực” – ThS Thoa nói.
Bài thi năng khiếu các ngành học đặc thù thường kéo dài từ 3 giờ - 3 giờ 30 phút/bài thi. Hiện, có nhiều trường lên kế hoạch tổ chức ôn luyện môn thi năng khiếu (vẽ, hát, đàn, thanh nhạc) cho các thí sinh quan tâm. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) lịch học và ôn luyện bắt đầu từ 2/7/2020.
Nhà thiết kế Lê Sỹ Hoàng - giảng viên ngành Thiết kế thời trang Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhìn nhận: Khối ngành đặc thù như Thiết kế thời trang, Mỹ thuật Công nghiệp, Kiến trúc, Âm nhạc hay Hội họa có thêm kỳ thi sát hạch riêng là điều hiển nhiên và cần thiết để quá trình đào tạo sinh viên tốt hơn.
“Người học bên cạnh đam mê, kiến thức nền tảng trong lĩnh vực mình yêu thích cần phải có tố chất và năng khiếu bẩm sinh nhất định. Câu nói học tập là một quá trình dài, chỉ cần có ý chí, sự chuyên cần có thể làm tốt điều mình thích. Việc đó đúng nhưng chưa đủ khi nhóm ngành đặc thù luôn yêu cầu tố chất, năng khiếu từ người học.
Chúng ta sẽ không thể có một nhà thiết kế lừng danh khi anh ta không biết vẽ, không có sự sáng tạo trong hội họa. Chúng ta không thể có một ca sĩ khi họ không có khả năng thanh nhạc và hát. Điều quan trọng tôi muốn nhắn gửi đến các em là, hãy chọn ngành, chọn nghề theo đam mê nhưng phải phù hợp với khả năng và năng lực của bản thân mới có thể thành công trong tương lai” – nhà thiết kế Sỹ Hoàng nói.
Nhu cầu xã hội về nhân lực các ngành này rất lớn và tiếp tục phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên, đi kèm với nó là đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và sự đầu tư bài bản. Trường ĐH Văn Lang đã và đang đầu tư rất lớn cho nhóm ngành này với mục tiêu chất lượng nhân lực phải hội nhập được với quốc tế, vì vậy một giảng viên quy đổi chỉ được đào tạo 10 sinh viên thay vì 25 sinh viên như các ngành khác. - ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang TPHCM