Chú trọng chất lượng đầu vào
TS Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho biết: Năm nay, nhà trường tuyển sinh trên cả nước. Cụ thể: Tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT và tương đương (giáo dục thường xuyên); có sức khỏe tốt; chiều cao nam từ 1,62m, nữ từ 1,52m trở lên. Ngoài ra, điều kiện bắt buộc đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là không bị dị tật.
Chia sẻ về phương thức tuyển sinh, TS Nguyễn Duy Quyết cho hay: Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội xét tuyển theo tổng điểm trung bình cả năm học lớp 12 THPT (hoặc tương đương) của hai môn văn hóa, cộng với điểm thi năng khiếu thể dục thể thao. Cụ thể là các tổ hợp: Tổ hợp 1: Toán + Sinh + Năng khiếu thể dục thể thao. Tổ hợp 2: Văn + Sinh + Năng khiếu thể dục thể thao. Tổ hợp 3: Toán + Giáo dục công dân + Năng khiếu thể dục thể thao. Tổ hợp 4: Văn + Giáo dục công dân + Năng khiếu thể dục thể thao. “Nội dung thi năng khiếu thể dục thể thao, thí sinh phải thực hiện hai bài thi, gồm: Bật xa tại chỗ (tính bằng cm) và chạy 100m (hoặc chạy nhanh khéo - tính bằng giây)” - TS Nguyễn Duy Quyết chia sẻ.
Là trường đại học đào tạo một số ngành nghề đặc thù như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trao đổi: “Từ năm 2013 đến nay, nhà trường tuyển sinh theo đề án riêng. Chúng tôi xét tuyển môn văn hóa, cụ thể là Ngữ văn và tổ chức thi hai môn năng khiếu với hai ngành sư phạm nêu trên”; Đồng thời chia sẻ: Đối với môn Ngữ văn, nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển dựa vào học bạ THPT của thí sinh.
Cũng theo PGS.TS Đào Đăng Phượng, về cơ bản nhà trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm trước và chưa gặp vướng mắc gì trong quá trình tổ chức thi các môn năng khiếu. “Nhà trường chủ động xây dựng đề án tuyển sinh, bám sát vào năng lực của mình. Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương của Bộ GD&ĐT về nâng cao chất lượng đầu vào cho ngành Sư phạm, chúng tôi đã nghiên cứu, nâng điểm tuyển sinh đầu vào đối với môn văn hóa (Ngữ văn) cho ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật” - PGS.TS Đào Đăng Phượng chia sẻ và nhấn mạnh, quan điểm của nhà trường là tuyển sinh viên vừa có trình độ văn hóa, vừa có năng khiếu tốt.
PGS.TS Đào Đăng Phượng cho hay: Nhà trường đã có phần mềm tuyển sinh, cộng với sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT nên công tác tuyển sinh ổn định, hạn chế được thí sinh ảo. Vì là ngành đặc thù nên đề án tuyển sinh riêng của nhà trường cũng không thể quy định chi tiết tất cả các đặc trưng, tính chất của lĩnh vực này. Do vậy, Bộ cần có chính sách cụ thể hơn trong việc xác định cơ chế phối hợp giữa các trường có khối ngành đặc thù, đặc biệt là khối ngành nghệ thuật, để có thể hỗ trợ nhau trong tổ chức thi năng khiếu và tuyển sinh. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn tuyển và đầu vào cho khối ngành nghệ thuật.
Phát hiện thí sinh tài năng
Tại Hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Ngoài quy định chung, các ngành nghệ thuật, văn hóa cần tuyển những thí sinh có năng khiếu. Bộ trưởng khuyến khích các trường sư phạm nói chung và sư phạm nghệ thuật nói riêng kiểm tra năng khiếu của thí sinh, chú trọng đến tính chất đặc thù của ngành nghề, quan tâm đến một số hình thức để khuyến khích, thu hút những thí sinh có tài năng. Chẳng hạn, nhiều em có năng khiếu về thể thao, âm nhạc và đạt nhiều giải thưởng cần có chính sách ưu tiên thí sinh này.
“Điểm cao là tốt nhưng chưa hết, có em điểm không cao nhưng năng khiếu giỏi. Đó là những hạt giống mà các trường cần phát hiện” – Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời tán thành với đề nghị: Khối trường nghệ thuật có thể liên kết với nhau để tuyển sinh năng khiếu tốt hơn.
Theo Quy chế tuyển sinh 2020, các trường tổ chức thi, kiểm tra năng khiếu để tuyển sinh, phải tuân thủ yêu cầu bảo đảm chất lượng. Cụ thể: Có bộ phận độc lập thực hiện chức năng tổ chức thi năng khiếu. Bảo đảm về đội ngũ cán bộ quản lý, chấm thi, ra đề thi, đánh giá, thẩm định đề thi, hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng và năng lực để tổ chức thi năng khiếu để tuyển sinh.
Bảo đảm số lượng câu hỏi/bài thực hành trong ngân hàng câu hỏi thi/bài thi thực hành của trường đủ lớn để xây dựng đề thi trong mỗi lần thi. Nội dung các câu hỏi/ bài thực hành nhằm đánh giá năng khiếu, năng lực học tập ở bậc đại học của thí sinh phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam. Đáp ứng các yêu cầu tại Điểm đ, e Khoản 1 Điều 12 Quy chế trên.
Năm nay, tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; áp dụng với các loại hình tuyển sinh. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT hoặc bằng phương thức xét tuyển khác (thi tuyển), thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên. - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)