Vì sao tượng nhà thám hiểm Columbus bị phá hủy ở Mỹ?

Vì sao tượng nhà thám hiểm Columbus bị phá hủy ở Mỹ?

Di sản chết chóc

"Năm 1492, Columbus giương buồm ra đại dương xanh" - câu nói trên là cách mà học sinh Mỹ được giới thiệu về Christopher Columbus ở trường tiểu học. Từ nhỏ, người Mỹ đã được dạy rằng, Columbus là người tìm ra châu Mỹ, sau khi vượt Đại Tây Dương trên ba chiếc thuyền: Ninã, Pinta, và Santa Maria. Nhà thám hiểm người Ý thậm chí còn được tưởng nhớ vào tháng 10 hàng năm bằng một ngày lễ liên bang mang tên ông.

Mặc dù vậy, người đàn ông được cho là đã khám phá "Tân Thế giới" từ lâu đã được coi là một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Hoa Kỳ, dựa vào những ghi chép về cách mà Columbus đối xử với các cộng đồng bản địa ông bắt gặp trong các chuyến hải trình của mình. Nhà thám hiểm người Ý cũng bị nhiều học giả lên án bởi vai trò của ông trong công cuộc đô hộ các vùng đất mới bằng bạo lực. "Chúng ta cần phải tự đặt ra các câu hỏi rằng vì sao người Mỹ tiếp tục ăn mừng mà thiếu đi sự hiểu biết về những gì Columbus đã để lại, và tại sao lại tạo một ngày lễ mang tên ông ta" - Tiến sĩ Leo Killsback, một thành viên của bộ lạc Bắc Cheyenne và là phó giáo sư ngành Thổ dân Mỹ học tại đại học bang Arizona, trả lời CNN vào năm 2016.

Vì sao tượng nhà thám hiểm Columbus bị phá hủy ở Mỹ? ảnh 1
Một người phụ nữ tạo dáng trước bức tượng Columbus bị chặt đầu tại Công viên Christopher Columbus ở Boston, Massachusetts vào ngày 10/6. Ảnh: AFP

Theo nhà sử học David M. Perry, người từng viết bài cho CNN vào "Ngày Columbus" 2015, không có nghi ngờ gì về việc những chuyến hải trình của nhà thám hiểm người Ý "mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra thời đại của công cuộc khám phá Đại Tây Dương, thương mại, và cuối cùng là đô hộ của người châu Âu". Mặc dù vậy, Columbus không phải là người đầu tiên phát hiện ra "Tân Thế giới". Nhiều bộ lạc thổ dân đã định cư trên mảnh đất này từ hàng thế kỷ trước. Thậm chí, Leif Eriksson cùng các thủy thủ người Viking của ông cũng được cho là những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới châu Mỹ, trước Columbus 500 năm.

Theo History.com, trong những chuyến hải trình qua các quần đảo Caribbean và vùng duyên hải Trung/Nam Mỹ, Columbus đã bắt giữ rất nhiều thổ dân bản địa phục vụ lợi nhuận kinh doanh. Hàng ngàn thổ dân Taino được Columbus gửi tới Tây Ban Nha bán làm nô lệ, và rất nhiều người trong số họ bỏ mạng trên đường đi do điều kiện vệ sinh tồi tệ cùng những thiếu thốn về lương thực. Những người không được bán sẽ bị ép phải lao động trong các mỏ vàng hoặc các trang trại đồn điền. Cũng theo History.com, Columbus còn đối xử với người dân bản địa bằng các hình thức bạo lực cực đoan. Khi còn là toàn quyền của vùng đất mà nay là Cộng hòa Dominica, Columbus đã ra lệnh giết nhiều người nổi loạn. Các xác chết sau đó được đem đi diễu hành trên khắp các con phố, nhằm đưa ra thông điệp răn đe tới người bản địa.

Vì sao tượng nhà thám hiểm Columbus bị phá hủy ở Mỹ? ảnh 2
Đài tưởng niệm Roy Wilkins trước nhà Quốc hội bang Minnesota. Ảnh: Mapio

Không những thế, những chuyến thám hiểm còn mang tới dịch bệnh. Trong bài viết của mình, nhà sử học Perry đưa ra ý kiến rằng, những cộng thổ dân tại châu Mỹ "đã bị suy giảm do tiếp xúc với các dịch bệnh ở Lục địa già, và sụp đổ dưới sức nặng của các đại dịch". Cộng đồng người Taino không có miễn dịch với những căn bệnh như đậu mùa, sởi, hay cúm, chính là những căn bệnh đã được mang tới hòn đảo Hispaniola của họ bởi Columbus và người của ông. Vào năm 1492, ước tính có khoảng 250.000 thổ dân sinh sống tại đây. Theo Quỹ Nghiên cứu Y học Oklahoma, con số này giảm xuống còn 14.000 chỉ 25 năm sau đó. Một số nhà sử học tin rằng các tác động của những người định cư châu Âu và châu Phi tại "Tân Thế giới" có thể đã giết chết 90% dân số bản địa, chết chóc hơn cả "Cái chết đen" thời Trung cổ tại châu Âu.

Tân Thế giới

Cho đến khi bị tháo dỡ, nhiều người sống tại Minnesota thậm chí còn không biết rằng có một bức tượng của Columbus nằm ngay trong khuôn viên của Tòa nhà Quốc hội. Nhưng vào tháng 10/1931, hàng chục nghìn người đã tham dự lễ ra mắt của bức tượng này.

Theo Kate Beane, học giả người Dakota và là Giám đốc của khoa Sáng kiến Người Mỹ Bản địa tại Hội Lịch sử Minnesota, bức tượng được dựng lên với ý nghĩa tích cực. "Nó được đưa ra như một cách để nói về sự phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Ý đã gặp phải". Trong nhiều năm, những người nhập cư Ý được coi là người ngoại quốc, bị xa lánh bởi những người Bắc Âu đã di cư đến Minnesota trước đó. Do vậy, bức tượng mang ý nghĩa lớn lao đối với họ, khi nó tôn vinh người Ý đáng chú ý nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

Vì sao tượng nhà thám hiểm Columbus bị phá hủy ở Mỹ? ảnh 3
Đài tưởng niệm Roy Wilkins trước nhà Quốc hội bang Minnesota. Ảnh: Mapio

"Nhưng khi chúng ta tiến lên theo thời gian, một số tiếng nói nhất định đã bị loại trừ trước đó phải được thêm vào câu chuyện. Vì vậy, những ký ức và những trải nghiệm đó chuyển hóa và thay đổi - một cách công bằng" - Beane chia sẻ thêm. Ông cho biết, bức tượng có vấn đề vì nó phục vụ để xóa bỏ hàng thế kỷ lịch sử của thổ dân Mỹ bản địa, và tôn vinh một người đã bắt giam họ làm nô lệ.

Phó thống đốc Peggy Flanagan, Chủ tịch Ủy ban Kiến trúc và Quy hoạch Khu vực Tòa nhà Quốc hội, đã tuyên bố công khai sự ủng hộ của bà đối với việc loại bỏ bức tượng. Là một thành viên của bộ lạc Ojibwa, bà cho biết, điều quan trọng là tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón trên sân của Tòa nhà đại diện cho chính phủ.

Nhưng nhiều người đến thăm nơi đây lại không thấy được lịch sử của họ được phản ánh trong các bức tượng, phần lớn để tôn vinh những người đàn ông da trắng. Có một số những bức tượng là phụ nữ, nhưng họ đại diện cho ý tưởng, không phải là nhân vật lịch sử thực tế. Có những tượng đài tôn vinh tầng lớp lao động mô tả các nhóm người khác nhau, nhưng cũng không có một gương mặt cụ thể. Bức tượng duy nhất của một người da màu thực sự là tù trưởng Wabasha, một nhà lãnh đạo liên minh Mdewakanton-Dakota trong cuộc chiến tranh Hoa Kỳ - Dakota năm 1862.

Theo Paul Mandell, Tổng thư ký của Ủy ban, giống như các phong trào dân quyền và nữ quyền đang đạt được đà phát triển ở Hoa Kỳ, công chúng cũng đang quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật biểu đạt công cộng. "Xu hướng vẫn còn cách xa nghĩa đen hoặc nghĩa bóng mà hướng tới đa chiều sâu, vì họ muốn mọi người khi xem một tác phẩm sẽ quay lại và nghiên cứu nó kĩ hơn. Họ không muốn bạn nói "đã thấy, đã xem" - không cần phải nhìn lại lần nữa", Mandell giải thích.

Các vụ đập phá đang gây áp lực lên Mỹ nhằm loại bỏ các di tích liên quan đến phân biệt chủng tộc sau các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát da trắng ở Minneapolis giết người đàn ông da màu George Floyd vào tháng trước. Nhà thám hiểm Columbus lâu nay được sử sách gọi là người phát hiện ra “Tân Thế giới”. Tuy nhiên, nhiều người coi ông là kẻ buôn nô lệ và phạm tội diệt chủng chống lại người da đỏ bản địa ở châu Mỹ. 

Theo CNN, MPRNews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ