Ai rồi cũng phải chết, hoặc là cái chết nặng nề như núi Thái Sơn, hoặc là cái chết nhẹ nhàng tựa lông hồng. Nếu như sống một cuộc đời bình dị yên bình thì chết chẳng qua cũng chỉ là nhắm mắt ngủ một giấc khiến người ta dễ dàng chấp nhận mà thôi. Nhưng nếu sống ở địa vị đỉnh cao của quyền lực, quen với việc thao túng tất cả thì sao? Chắc chắn sẽ không cam tâm cứ thế mà chết đi.
Tiền tài, dục vọng, quyền lực, người đời đa số ai cũng đều theo đuổi những thứ như vậy mà thôi. Nhưng một khi không còn sức sống nữa, những thứ đó cũng sẽ tan tành theo mây khói. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao, từ xưa tới nay lại có nhiều kẻ điên cuồng theo đuổi cái gọi là trường sinh bất lão đến thế.
Ví dụ như trong “Tây du ký”, cứ hết yêu quái này tới yêu tinh kia vì muốn được trường sinh bất lão nên đã tạo ra chín chín tám mốt kiếp nạn nhắm vào Đường Tăng.
Nhìn lại lịch sử Trung Hoa hàng ngàn năm, trước kia Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước, rồi có hoàng đế Ung Chính thực thi chính sách “Cải thổ quy lưu”, cho dù họ có đạt được những thành tựu to lớn trong chính trị thì đến cuối đời vẫn mê muội trong việc luyện đan nhằm mục đích được trường sinh bất lão. Chỉ đó thôi cũng có thể thấy lòng tham của con người là như thế nào.
Và trong danh sách những người điên cuồng đi tìm kiếm bài thuốc trường sinh bất lão thì không thể không kể đến một nhân vật truyền kỳ, đó chính là Từ Hy Thái hậu.
Trước khi chết, bà uống canh ba ba để giữ hơi thở cuối cùng vì cho rằng ba ba ngàn năm hay rùa vạn năm tuổi được nhiều người biết đến như bài thuốc “thần dược”.
Tiệc mừng thọ của Từ Hy Thái hậu
Trong lịch sử, dù không muốn thừa nhận nhưng Từ Hy cũng là một người vô cùng cô độc. Năm bà 26 tuổi, chồng chết. 40 tuổi, con trai chết. Tuy nói rằng bà quyền uy tột bậc, muốn gì có đó nhưng tận mắt chứng kiến người thân lần lượt qua đời thì làm gì có người phụ nữ nào lại coi như không có chuyện gì được.
Có khác chăng, bà là một người phụ nữ có địa vị, bà nắm trong tay sự thành bại hưng suy của cả nhà Đại Thanh ngày đó, nhưng cũng đánh đổi cả cuộc đời của mình vào đó.
Những ngày đó, trong ngoài Tử Cấm Thành vô cùng náo nhiệt. Ngày nào cũng có những dòng xe từ ngoài cung đem vật phẩm trân quý tươi ngon vào tiến cung, hay những đại thần trong triều thi nhau vào dâng gấm vóc lụa là, châu báu gốm sứ, tranh chữ đồ cổ, còn có cả các sứ giả các nước đem tới các món đồ lạ mắt của người phương Tây để cống nạp, xếp hàng dài ở trước cổng thành khiến người ta phải lác mắt.
Có người tò mò thì tiến lên hỏi han, hóa ra là đại lễ mừng thọ tuổi 73 của Từ Hy Thái hậu sắp đến, ai cũng muốn nhân cơ hội này để làm vui lòng vua chúa.
Nhìn lại trong cung, ai ai cũng bận tối mắt tối mũi. Người thì quét dọn, người thì cắt tỉa hoa lá cây cảnh, người thì chuyển bình hoa, người thì dán hoa giấy lên cửa sổ, người rửa rau, thái rau, giết lợn, giết dê,…
Trên mặt ai cũng có sự phấn khởi, có hào hứng nhưng cũng có một chút gì đó sợ hãi. Phải biết rằng, Từ Hy Thái Hậu là con người vui giận thất thường, nếu như mà phát hiện ai làm việc không tốt thì không biết sẽ có kết cục như thế nào. Thế nên ai cũng cẩn thận làm việc trong phận sự của mình, sợ nhỡ đâu xảy ra sai sót, đồng thời trong lòng cũng thầm cầu mong lần đại tiệc mừng thọ này sẽ tổ chức thuận lợi.
Chớp mắt một cái, tiệc mừng thọ đã đến, khi tất cả mọi người đã vào chỗ ngồi, các món mỹ vị lần lượt được bưng vào điện, đếm tỉ mỉ thì có thể phát hiện ra rằng có 54 món miền nam, 54 món miền bắc, tổng tất cả là 108 món. Đây đều là những món nổi tiếng của cả dân tộc Mãn và Hán.
Nhìn bàn tiệc toàn là những cao lương mỹ vị, ai cũng phải than thầm rằng Từ Hy đúng là xa hoa, tham lam vô độ, nhà Thanh có ngày đi tới lụi tàn diệt vong cũng không phải là không được dự báo trước. Lúc này, Từ Hy lại không hề vội động đũa, gọi đại thái giám Lý Liên Anh rót cho mình một ly rượu trắng, sau đó uống hết.
Đại thọ hôm ấy, Từ Hy cực kỳ vui vẻ, lại uống thêm vài ly nữa mới bắt đầu gắp thức ăn. Những món ăn này nghe nói là Ngự thiện phòng đã mời đầu bếp giỏi nhất trong kinh thành làm, quả thật mùi vị còn ngon hơn những ngày thường.
Từ Hy nghĩ những thứ tốt nhất trong thiên hạ này bà đều sở hữu cả rồi, thế nên càng mừng thầm. Bởi vậy, bà ăn nhiều hơn ngày thường, mà ngày hôm đó cũng không cảm thấy có gì không ổn.
Mắc bệnh kiết lị
Sau ngày đại tiệc thì chuyện không may đã xảy ra. Mới sáng sớm Từ Hy Thái hậu đã cho gọi mang bệ vệ sinh vào mấy lần, nhưng vẫn cảm thấy đau bụng không thôi. Không lâu sau thì mồ hôi chảy không ngừng, bắt đầu nôn mửa, đi ngoài. Hầu nữ vội vàng cho gọi thái y tới. Thái y bắt mạch xong cũng chỉ nói là bị đi ngoài, kê cho một ít thuốc trị đi ngoài nhưng lại không có tác dụng gì.
Sau đó, bệnh tình ngày một nặng thêm. Ngày nào cũng đi vệ sinh mấy chục lần. Thêm vào đó là đi ra máu rất nhiều, cơ thể cũng ngày càng suy nhược, ăn không trôi, chỉ uống vài ngụm canh sâm để cầm cự.
Cứ thế trôi qua một tuần, Từ Hy đã gầy còn da bọc xương, không thể xuống đất để đi lại.
Người ta bắt đầu nghi ngờ, thực sự chỉ là do căn bệnh kiết lị nhỏ nhoi đã khiến Từ Hy tới bước này sao? Rốt cuộc là do y thuật thời xưa không phát triển hay là bên trong còn có nội tình? Từ đó, Từ Hy bắt đầu uống nhiều thuốc bổ mỗi ngày, ép bản thân ăn uống những thứ thuốc quý báu nhưng cũng lại chẳng có tác dụng gì, không hề có chút khởi sắc nào.
Một hôm, Lý Liên Anh mang tới một bài thuốc kỳ lạ. Nghe nói, canh rùa hay ba ba có tác dụng kéo dài tuổi thọ, giúp cơ thể cường tráng khỏe mạnh, bảo Từ Hy Thái hậu thử xem.
Khi ấy Từ Hy đã không còn cách nào, ai bảo gì làm nấy rồi thế nên gọi hầu nữ đi chuẩn bị. Tuy nói rằng không thể trị triệt để bệnh kiết lị nhưng có thể giúp bản thân sống thêm cũng được, dù gì thì nhà Đại Thanh không thể không có chủ được.
Nhưng bệnh kiết lị của Từ Hy Thái hậu quá nặng. Lại qua mấy ngày, Từ Hy Thái hậu lại hôn mê, mỗi ngày chỉ có thể tỉnh táo không đến một canh giờ. Truyền thái y tới khám, nói rằng bệnh kiết lị đã phát tác tới gan phổi, đã không còn thuốc chữa nữa rồi. T
Ngày 14/11/1908, Từ Hy bảo người trong cung đưa mình tới thăm Hoàng đế Quang Tự ốm trọng bệnh bị giam lỏng. Hai mẹ con mặt mũi đều trắng bệch, nhìn nhau không nói nhưng từ trong ánh mắt có thể nhìn thấy sự cố chấp của đối phương.
Ngày kế tiếp, sau khi hoàng đế Quang Tự ra đi mang theo bí ẩn về cái chết của ông, Từ Hy Thái hậu cũng giã từ cuộc đời mãi mãi. Trước khi chết, bà vẫn không quên sứ mệnh của mình, phong Phổ Nghi lúc ấy mới được 3 tuổi làm Tân Hoàng đế.
Đến lúc này, bà cũng chẳng thể nhìn ra được tương lai của triều Thanh sẽ ra sao nữa, ngủ một giấc ngủ ngàn thu.
Dạ Minh Châu Từ Hy
Sau này điều khiến người ta phải sửng sốt là khi Tôn Điện Anh khai quật mộ của Từ Hy, ông giật mình phát hiện thi thể của Từ Hy vẫn còn y nguyên như lúc còn sống, không hề bị thối rữa. Thấy xương quai hàm của bà hơi vênh lên, phát hiện trong miệng còn ngậm một viên Dạ Minh Châu tinh thể trong suốt.
Hóa ra khi còn sống, Từ Hy đã vô cùng trân trọng gìn giữ dung nhan của mình. Thế nên đương nhiên sẽ không thể chịu đựng được việc bản thân mình sau khi chết đi sẽ trở thành một bộ xương khô.
Trước kia khi sứ giả tây vực mang cống nạp viên Dạ Minh Châu và nói rằng, nếu ngậm viên Dạ Minh Châu này vào trong miệng thì sau khi chết thi thể sẽ không bị thối rữa. Vì thế mà bà đã nói với thái giám Lý Liên Anh, nếu như có một ngày bà chết rồi thì sẽ phải cho viên Dạ Minh Châu vào trong miệng của bà, để di thể của bà có thể được bảo tồn cho mãi về sau.
Lý Liên Anh cũng đã giữ lời hứa với Từ Hy, khi bà tắt thở đã nhét ngay viên Dạ Minh Châu vào trong miệng. Sau đó thấy viên Dạ Minh Châu tỏa ra ánh sáng lạnh màu xanh lục, khuôn mặt của Từ Hy cũng được chiếu rọi trong suốt, ngay cả mạch máu cũng có thể nhìn thấy...
Điều thần kỳ là thứ ánh sáng đó ngay lập tức biến mất và trở lại bình thường, thi thể của Từ Hy chẳng khác gì so với những thi thể khác. Sau đó, khi mai táng, viên Dạ Minh Châu cũng vẫn được ngậm trong miệng của Từ Hy. Nếu như không phải do Tôn Điện Anh đào mộ của Từ Hy thì e rằng người đời vẫn chẳng thể biết trên đời lại có chuyện lạ đến vậy.
Được biết sau này, viên Dạ Minh Châu được Tôn Điện Anh dâng cho Meiling. Còn về ngày nay lưu lạc nơi đâu thì không ai biết. Về phần Từ Hy, sau khi bị trộm mất viên Dạ Minh Châu, thi thể bà bắt đầu chuyển sang màu đen. Cuối cùng thì cũng vẫn không thể lưu giữ được mãi mãi.