Nắm quyền cai trị đất nước trong gần ba thế kỉ từ năm 1644 đến năm 1912 và mang về cho Trung Hoa không ít thành tựu về văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, kiến trúc, sử học,... nên Thanh triều có thể được xem là một trong những triều đại hoàng kim nhất trong dòng lịch sử Trung Hoa phong kiến.
Đáng tiếc, đến khi Từ Hy Thái Hậu buông rèm nhiếp chính trong gần 50 năm thì nhà Thanh gần như đã rơi vào cơn khủng hoảng cùng cực, tạo đà cho sự sụp đổ hoàn toàn của triều đại hoàng kim này không lâu sau đó.
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
"Cái chết" của Thanh triều bắt nguồn từ sự trị vì tai hại của Từ Hy Thái Hậu đến tận ngày nay vẫn là đề tài bàn tán xôn xao của hậu thế. Trong đó, lời đồn đại về sự ứng nghiệm của một lời nguyền cổ xưa liên quan tới mẫu tộc Diệp Hách Na Lạp của vị Thái Hậu này là ly kỳ hơn cả.
Lời nguyền của thị tộc Diệp Hách Na Lạp từ thuở nhà Thanh còn chưa hình thành
Từ Hi Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Diệp Hách Na Lạp là tộc người Nữ Chân, có xuất thân vốn là một trong bốn tộc nhỏ của dòng dõi Na Lạp thị. Theo sử liệu Trung Quốc ghi chép, từ thuở nhà Thanh còn chưa hình thành, thị tộc này rất hùng mạnh, phủ nền thống trị đến khắp bờ sông Diệp Hách và có mối quan hệ rất tốt với triều đình nhà Minh. Đến khi Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Ái Tân Giác La Bố Khố Lí Ung Thuận) bắt đầu đứng lên, từng bước thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, đặt nền móng thành lập nhà Thanh thì tộc Diệp Hách Na Lạp lại phản đối kịch liệt.
Nhưng trước sự hùng mạnh của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, tộc Diệp Hách Na Lạp cũng chủ trương cầu hòa bằng cách dâng nữ tử của tộc mình cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích cưới làm thê thiếp. Và Diệp Hách Na Lạp Mạnh Cổ Triết Triết (Hiếu Từ Cao Hoàng Hậu) chính là người bị cuốn vào cuộc hôn nhân chính trị vì lợi ích gia tộc.
(Tranh vẽ minh họa).
Tuy nhiên, cầu hòa mãi cũng chẳng được, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy cớ tộc Diệp Hách Na Lạp nhận sự trợ giúp của nhà Minh liền dấy binh tấn công cả hai. Hậu quả, Diệp Hách Na Lạp liên tiếp bại trận, từng người trong bộ máy lãnh đạo gia tộc bị giết dần.
Vị bối lặc cuối cùng của tộc là Diệp Hách Na Lạp Kim Đài Cát cũng bị bức tử. Đáng nói, trước khi qua đời, Kim Đài Cát đã kịp thốt lên một lời nguyền: Một khi hậu duệ của tộc Diệp Hách Na Lạp còn sống, dù là nam hay nữ, người đó sẽ luôn nhớ đến huyết thù của tộc và lật đổ họ Ái Tân Giác La.
Lời nguyền của một kẻ sắp chết này không được mấy ai quan tâm, bao đời Thanh triều vẫn trải qua vững bền, Hoàng đế thuộc dòng dõi Ái Tân Giác La vẫn cứ cưới thê thiếp thuộc Diệp Hách Na Lạp thị về Hậu cung. Mãi cho đến khi Từ Hy Thái Hậu - một nữ tử hậu thế của tộc Diệp Hách Na Lạp bước chân vào cung cấm dưới tước vị Quý nhân của Thanh Văn Tông Hàm Phong đế, Hoàng đế thứ 9 của triều đại nhà Thanh, thì lời nguyền năm nào mới thực sự linh ứng.
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Từ Hy Thái Hậu - hậu duệ của tộc Diệp Hách Na Lạp khiến nhà Thanh sụp đổ
Năm Hàm Phong thứ 2 (1852), bằng nhan sắc và xuất thân quan gia thế tập của mình, Từ Hy Thái Hậu vượt qua hơn 60 nữ nhân khác để chính thức bước chân vào Hậu cung Thanh triều dưới phi vị Quý Nhân. Cụ thể là Lan Quý Nhân.
Sau đó, từng bước bà nâng cao phi vị của mình, đến năm Hàm Phong thứ 7 (1857), do sinh được Hoàng tử duy nhất cho Hàm Phong Đế là Tải Thuần (tức Thanh Mục Tông Đồng Trị Hoàng đế sau này), bà được tấn phong trở thành Ý Quý Phi. Lúc này, địa vị của bà cao quý chỉ sau Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị.
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Mãi đến khi Hàm Phong Đế qua đời, Tải Thuần kế vị trở thành Hoàng đế thứ 10 của Thanh Triều, Từ Hy Thái Hậu mới bắt đầu ra tay thâu tóm quyền lực với lý do con trai mình còn nhỏ tuổi. Từ đó, 48 năm đen tối đẩy triều đại nhà Thanh rơi xuống vực thẳm khủng hoảng tối tăm mới thực sự bắt đầu.
Đáng nói, điều này đã được Hàm Phong Đế dự cảm được từ sớm. Trước khi băng hà ông đã ra một mật chỉ, đại ý viết rằng nếu hoàng tử Tải Thuần kế vị ngai vàng thì Lan Nhi (tức Từ Hy), mẹ đẻ của Tái Thuần, nếu không thể an phận thủ thường thì hãy thủ tiêu Lan Nhi: "Trẫm không tin tưởng người này, sau này nếu biết an phận thì thôi, còn nếu không thì theo chiếu chỉ này, lệnh cho quần thần diệt trừ người đó đi".
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Tiếc rằng, di chỉ này mãi mãi không được thực hiện. Từ Hy Thái Hậu ngồi ở vị trí nắm quyền sinh sát, điều khiển cả một vương triều rộng lớn, ai dám ra tay giết bà? Và chính vì quyền lực như vậy, cộng thêm với sự cuồng vọng trên chính trường và ích kỷ của bản thân, bà đã giáng tai ương xuống Thanh triều trong giai đoạn này, góp phần hiện thực hóa "lời nguyền Kim Đài Cát" của mẫu tộc Diệp Hách Na Lạp năm nào.
Những tội lỗi do Từ Hy Thái Hậu gây ra, giúp hiện thực hóa "lời nguyền Kim Đài Cát"
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Tội ác lớn nhất của Từ Hy Thái hậu là đã làm mất chủ quyền dân tộc, làm cho Trung Hoa trở thành xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Trong suốt 48 năm Từ Hy Thái hậu thâu tóm quyền lực trong tay, bà đã ký kết với các nước Đế quốc nhiều hiệp ước ghi nhận sự mất chủ quyền dân tộc của Trung Quốc.
Điển hình là "Hiệp ước Mã Quan" ký với Nhật Bản khiến Trung Quốc mất Đài Loan, Liêu Đông, Bành Hồ, chiến phí bằng thu nhập của triều đình Mãn Thanh trong ba năm.
Đồng thời, Từ Hy Thái Hậu cũng là người đã bóp chết biến pháp của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, trong khi biến pháp này có khả năng đưa Trung Hoa thoát khỏi nguy cơ rơi vào vòng lệ thuộc của các nước Đế quốc phương Tây.
Từ Hy Thái Hậu. (Tranh ảnh tư liệu lịch sử Trung Quốc).
Ngoài ra, bà đã nhiều lần sử dụng quốc khố cho mục đích riêng. Các cung điện, hoa viên, cũng như chi tiêu của bà được đánh giá là quá xa hoa tốn kém trong bối cảnh Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Nổi tiếng nhất là bữa tiệc hoành tráng do bà ra lệnh tổ chức trong 7 ngày 7 đêm, diễn ra vào Tết năm 1874 tại Duy An cung nhân dịp đón tiếp các đại thần phương Tây, làm tiêu tốn quốc khố hết 400.000 lượng vàng.
Đó là chưa kể, Từ Hy Thái Hậu còn được mệnh danh là một trong những nữ cầm quyền bạo chúa đáng ghê sợ nhất trong lịch sử Trung Hoa phong kiến khi giết chóc không gớm tay. Bà được cho là người đã ép Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu của Đồng Trị Đế phải tự sát, đầu độc chết Hoàng đế Quang Tự bằng thạch tín, hay được nghi vấn là có liên quan tới cái chết mờ ám của Trân phi - phi tần của Quang Tự.
(Tranh vẽ mô phỏng chân dung Từ Hy Thái Hậu).
Quả thật, dù nổi tiếng thông minh, nhưng do tầm nhìn hạn hẹp, thiếu nhiều kiến thức về tình hình quốc tế, cũng như là quá bảo thủ, tàn ác, hoang phí mà Từ Hy Thái Hậu đã vô tình hiện thực hóa lời nguyền của lão tổ tông bối lặc Kim Đài Cát thuộc mẫu tộc Diệp Hách Na Lạp của mình từ gần 200 năm trước đó, khiến cho hậu thế ngày nay ai ai cũng không khỏi rùng mình khi biết đến.