Vì sao TPHCM thu hồi khu 'đất vàng' 419 Lê Hồng Phong?

GD&TĐ - UBND TPHCM sẽ thu hồi khu 'đất vàng' gần 11.000m2 tại địa chỉ 419 đường Lê Hồng Phong (phường 2, Quận 10, TPHCM) để đầu tư xây dựng trường học.

Toàn cảnh khu đất 419 Lê Hồng Phong. Ảnh: Google Earth
Toàn cảnh khu đất 419 Lê Hồng Phong. Ảnh: Google Earth

Đã hết hạn cho thuê đất

Tháng 5/2021, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 1968 về việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai đối với khu đất rộng 10.936,3m2 tại số 419 Lê Hồng Phong.

Khu đất này do Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (năm 2020 được đổi tên thành Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn) thuê sử dụng. Theo đó, khu đất này là đất được Nhà nước cho thuê có thời hạn, đã hết hạn thuê đất vào ngày 31/12/2020 và không được gia hạn thuê đất.

Sau đó, Công ty Giáo dục G Sài Gòn đã khiếu nại quyết định này là không đúng quy định với 3 lập luận chính.

Thứ nhất, khi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với thửa đất tại số 419 Lê Hồng Phong, UBND Quận 10 không thực hiện công bố, công khai nên quyết định thu hồi đất là không có cơ sở và trái quy định pháp luật.

Thứ hai, Thông báo số 434 ngày 16/7/2019 của Văn phòng UBND TPHCM ban hành (thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM liên quan đến khu đất. Trong thông báo trên có nội dung thành phố giao UBND Quận 10 làm việc và khẳng định với doanh nghiệp thuê đất biết rõ chủ trương sẽ thu hồi và bàn giao diện tích đất trên để đầu tư xây dựng trường THCS đạt chuẩn - PV) sai thẩm quyền, không đúng nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai.

Thứ ba, việc ban hành Quyết định 1968 của UBND TPHCM là vi phạm Điều 163 và Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản hợp pháp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển của công ty và các cổ đông.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TPHCM, trước ngày 30/4/1975, Công ty Giày Sài Gòn là Hãng Giày Bata (Société Bata S.A.Strasbourg) theo Bằng khoán 509 Chợ Lớn - An Đông lập bộ ngày 15/6/1949. Theo tờ lược giải số 1 ngày 15/6/1949 do Société Bata S.A.Strasbourg đứng bộ đến ngày 30/4/1975.

Ngày 25/10/1975, Tổng cục Công nghiệp nhẹ ban hành quyết định công quản toàn bộ số vốn và tài sản kinh doanh của Xí nghiệp Giày Bata và đặt xí nghiệp trong chế độ công quản của Nhà nước Cách mạng.

Đến ngày 29/4/1993, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định thành lập Nhà máy Giày Sài Gòn, rồi sau đó đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn. Doanh nghiệp này hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ủy ban Kế hoạch thành phố cấp hồi tháng 2/1995.

Đến tháng 2/1998, UBND TPHCM ban hành quyết định cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo Chỉ thị số 245 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Công ty Giày Sài Gòn.

Đến tháng 8/2000, Sở Địa chính - Nhà đất ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty Giày Sài Gòn, cho thuê 13.000 m2 đất tại số 419 đường Lê Hồng Phong vào mục đích sản xuất kinh doanh (diện tích khu đất lúc này là do đơn vị tự kê khai, chưa đo đạc chính xác).

Tháng 11/2003, Công ty Giày Sài Gòn cổ phần hóa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, đổi tên thành Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn. Trong đó, vốn điều lệ của công ty này là 16,5 tỷ đồng; tỷ lệ cổ phần của Nhà nước là 51%.

Tháng 3/2007, UBND TPHCM ban hành quyết định cho Công ty Giày Sài Gòn thuê khu đất (diện tích lúc này được xác định là 10.936,3m2) để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Thời hạn cho thuê đến 31/12/2020.

Tòa nhà tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, góc đường Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn (ảnh chụp chiều 19/10). Ảnh: Lê Nam

Tòa nhà tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, góc đường Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn (ảnh chụp chiều 19/10). Ảnh: Lê Nam

Hoạt động “bến xe trá hình”

Năm 2015, Nhà nước thoái vốn và đến nay 100% vốn của Công ty Giày Sài Gòn do tư nhân đóng góp và nắm giữ.

Sau thời gian này, công ty bắt đầu có nhiều hoạt động sử dụng đất sai mục đích, theo các kết luận kiểm tra của chính quyền địa phương.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra hoạt động của Công ty Giày Sài Gòn và Công ty TNHH Thành Bưởi vào tháng 9/2016, UBND Quận 10 xác định có hoạt động “bến xe trá hình” tại khu đất này; đề xuất thu hồi khoảng 4.500 m2 đất bàn giao cho Quận 10 để xây dựng trường THCS đạt chuẩn (cụm liên phường 1, 2, 3, 9, 10, 11 của quận này không có trường THCS).

Sở TN&MT TPHCM sau đó cũng thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường và tài nguyên của Công ty Giày Sài Gòn với khu đất này.

Khi kiểm tra hiện trạng khu đất hồi giữa tháng 6/2017, cơ quan chức năng ghi nhận văn phòng giao dịch của Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn còn đang hoạt động. Việc giao nhận hàng hóa, các phương tiện xe trung chuyển vẫn còn ra vào.

Cũng trong thời gian này, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TPHCM xử phạt công ty 720 triệu đồng với hành vi “tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm” và “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật”.

Cuối năm 2017, Công ty Giày Sài Gòn có đơn xin gia hạn thời gian sử dụng đất, đồng thời một doanh nghiệp khác xin sử dụng khu đất này để đầu tư xây dựng vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, UBND TPHCM không đồng ý và tiếp tục khẳng định chủ trương sẽ đầu tư trường học bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Đến ngày 28/5/2021, UBND TPHCM ban hành Quyết định 1968 thu hồi khu đất này.

Đầu tháng 6/2023, lãnh đạo UBND TPHCM chủ trì buổi đối thoại với Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn.

Trong quyết định giải quyết khiếu nại đối với Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn về khu đất 419 Lê Hồng Phong được ban hành mới đây, UBND TPHCM nêu rõ công ty này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2007 với mục đích là đất sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31/12/2020.

Theo Thông báo kết luận số 434 hồi tháng 7/2019, lãnh đạo UBND TPHCM đã khẳng định sau khi hết hợp đồng thuê đất, thành phố sẽ thu hồi và bàn giao lại toàn bộ diện tích cho Quận 10 đầu tư xây dựng trường THCS.

UBND TPHCM khẳng định, căn cứ các điều khoản của Luật Đất đai 2013 và Thông tư 30 năm 2014 của Bộ TN&MT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất, việc thành phố ban hành Quyết định 1968 thu hồi khu đất là đúng quy định pháp luật. Việc Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn khiếu nại Quyết định 1968 là không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Do đó, UBND TPHCM công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định 1968 về việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong.

Khu đất 419 đường Lê Hồng Phong nằm giữa 3 trục đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn (Quận 10). Ghi nhận vào chiều 19/10, tại cổng trên đường Lê Hồng Phong đóng kín cửa; trong khi đó tại cổng trên đường Vĩnh Viễn, nhiều phương tiện ra vào, vận chuyển hàng hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ