Trong đó, 9 trường mầm non đang thiếu hiệu phó, 11 trường tiểu học và THCS chưa đủ số phó hiệu trưởng theo quy định.
Nhiều trường nhiều năm không có hiệu phó
Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát) có 7 điểm trường, gồm: Bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng, bản Cân - Tân Hương, Pom Khuông, Poọng và điểm trường chính tại trung tâm xã. Trong đó, điểm lẻ tại bản Ón cách điểm trường chính hơn 20km đường rừng và trẻ ở đây đều là con, em đồng bào dân tộc Mông.
Những năm trước, do điều kiện kinh tế của địa phương vô cùng khó khăn nên cơ sở vật chất của điểm trường chưa được đầu tư, xây dựng. Vài năm trở lại đây, điểm trường này đã được Nhà nước đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, nên nhà trường quyết tâm kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, các tổ chức từ thiện góp sức xây dựng bếp ăn, để tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường.
Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 18 nhóm lớp với 321 trẻ. Tuy nhiên, do có tới 7 điểm lẻ, địa hình rộng, sự phân bố dân cư không đồng đều, nên các điểm trường còn cách xa nhau. Vì vậy, công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn cũng như đầu tư về cơ sở vật chất có nhiều khó khăn. Trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh trực quan, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng với yêu cầu...
Đặc biệt, mặc dù ngôi trường này có nhiều khó khăn như vậy, nhưng đã 3 năm qua, Trường Mầm non Tam Chung không có phó hiệu trưởng, mà duy nhất chỉ một mình cô hiệu trưởng gánh vác công việc quản lý chung. Hằng ngày, nữ hiệu trưởng này vừa phải quản lý chuyên môn, vừa phải chăm lo công tác nuôi ăn bán trú ở điểm chính và một số điểm lẻ.
Còn tại Trường Tiểu học Trung Lý 2, đóng ở bản Co Cài (Trung Lý) cũng có 6 điểm lẻ, gồm: Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng, Lìn, Pa Búa và điểm trường chính ở bản Co Cài. Ngôi trường này có gần 400 học sinh, 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thế nhưng hơn 2 năm qua, chỉ duy nhất một thầy hiệu trưởng quán xuyến mọi công việc của đơn vị.
Đến hồi đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Mường Lát mới bổ nhiệm được một hiệu phó cho Trường Tiểu học Trung Lý 2. Theo quy định, Trường Tiểu học Trung Lý 2 có 22 lớp học, thì phải có 2 hiệu phó, nhưng hiện tại UBND huyện Mường Lát mới bố trí được 1 hiệu phó.
Tương tự, Trường THCS Mường Chanh, vào đầu năm học 2022 - 2023, UBND huyện Mường Lát điều động một thầy hiệu phó của trường này đi nơi khác nên không còn hiệu phó. Vì vậy, thầy hiệu trưởng cũng một mình “cáng đáng” mọi công việc của Ban giám hiệu nhà trường.
Giờ ăn bán trú của trẻ ở Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát), Thanh Hóa. |
Vì sao không bổ nhiệm?
Theo tìm hiểu, nhiều trường học từ mầm non đến THCS ở huyện Mường Lát đang thiếu hiệu phó, nhưng UBND huyện lại không bổ nhiệm kịp thời, mặc dù nguồn nhân lực tại chỗ không thiếu, đặc biệt là đối với nhân sự của bậc học mầm non.
Nhiều giáo viên mầm non đã vào ngành và đã cống hiến cho ngành Giáo dục huyện Mường Lát hàng chục năm trời. Họ cũng đã có đủ các điều kiện về bằng cấp chuyên môn, có bằng Trung cấp Lý luận Chính trị, có chứng chỉ quản lý giáo dục, có thâm niên công tác, có bằng đại học... nhưng chỉ vì chưa được hưởng lương đại học (ngạch chuyên viên) nên chưa được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng.
Tại một số huyện miền núi khác của tỉnh Thanh Hóa, như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước... việc bổ nhiệm viên chức ngành Giáo dục lên làm quản lý, không yêu cầu phải là người đã được hưởng lương đại học. Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Lê Quang Nghị - Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Lát - cho biết: “Theo quy chế bổ nhiệm cán bộ của Huyện ủy Mường Lát thì việc bổ nhiệm chức phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học hiện nay, là đối với giáo viên mầm non thì phải hưởng lương đại học (2,34) tức là phải hưởng lương ngạch chuyên viên”.
Cũng theo ông Nghị, liên quan đến vấn đề này, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Mường Lát gửi công văn về Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, xin hướng dẫn về quy định bổ nhiệm viên chức, nhưng Sở Nội vụ chưa trả lời.
Công văn của UBND huyện Mường Lát nêu: Hiện nay, UBND tỉnh đã bãi bỏ Quyết định số 2235/2017/QĐ-UBND ngày 28/6/2017, ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý và Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 sửa đổi một số điều của Quyết định số 2235/2017/QĐ-UBND nói trên.
Theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, nhất là phần điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm một số chưa được cụ thể.
Trong khi đó, UBND tỉnh chưa có hướng dẫn nên trong quá trình thực hiện, UBND huyện Mường Lát gặp một số vướng mắc, đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến chỉ đạo về chuyên môn để thực hiện. Cụ thể: “Việc bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, thì có cần tiêu chuẩn có chứng chỉ bồi dưỡng Nhà nước ngạch chuyên viên không? Việc bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo có yêu cầu giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên hay không, hay chỉ yêu cầu có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm. Khi bổ nhiệm, có yêu cầu phải có thời gian giữ ngạch hoặc có kinh nghiệm, thời gian công tác ở ngành, lĩnh vực chuyên môn là bao nhiêu năm không?”, công văn nêu.
Vậy nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Thanh Hóa quan tâm, có hướng dẫn cho UBND huyện Mường Lát, để đơn vị này gỡ “nút thắt” trong việc bổ nhiệm viên chức ngành Giáo dục lên làm quản lý cấp trường. Bởi lẽ, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì việc thiếu quản lý (phó hiệu trưởng) các trường học sẽ là “rào cản” cho từng trường học cụ thể nói riêng, cho ngành Giáo dục huyện Mường Lát và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Công văn của UBND huyện Mường Lát gửi Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa từ ngày 21/2/2023, nhưng đến thời điểm này, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có công văn trả lời cho UBND huyện Mường Lát. Vì vậy, UBND huyện Mường Lát đang rất “lúng túng” trong việc bổ nhiệm viên chức lên làm hiệu phó các trường học mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn.