Thanh Hóa: Thiếu giáo viên, cán bộ quản lý luân phiên đứng lớp

GD&TĐ - Trước nhu cầu thực tế của địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về nhu cầu đào tạo giáo viên (GV) năm 2021. Đặc biệt, năm học 2025 - 2026 Thanh Hóa cần tuyển tới 5.139 GV.

Cô và trò Trường Tiểu học Hưng Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: Đan Lê
Cô và trò Trường Tiểu học Hưng Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: Đan Lê

Có học sinh nhưng không có giáo viên

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn cho biết: Năm học 2020 - 2021, thị xã Nghi Sơn thiếu 104 GV tiểu học, trong đó, thiếu tới 80 GV dạy các môn văn hóa. 

“Nếu lấy số lượng GV hiện được tỉnh giao cho năm học 2020 - 2021, đến năm học 2025 - 2026, ngành GD thị xã Nghi Sơn sẽ thiếu khoảng 900 GV ở 3 cấp học. Bởi lẽ, từ năm 2016 đến nay, số định biên tỉnh giao hàng năm cho ngành GD thị xã Nghi Sơn không tăng. Trong khi đó, sĩ số học sinh hàng năm tăng lên”, bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, trước thực trạng thiếu GV, ngành GD thị xã Nghi Sơn buộc phải dồn lớp, nhưng vẫn còn 44 lớp không có GV đứng lớp. Do đó, ngành GD thị xã đưa ra giải pháp: Trường có 2 hiệu phó, giao mỗi người đứng lớp 1 học kỳ. Bên cạnh đó, phòng GD đề nghị UBND thị xã Nghi Sơn tạo cơ chế để các trường thuê GV hợp đồng tạm thời. Những GV hợp đồng này chủ yếu đã về hưu và giáo sinh mới ra trường. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ hợp đồng được chưa đầy 30 GV.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị lên cấp trên, nhưng vẫn chưa thể cải thiện được. Bởi lẽ, UBND tỉnh đề nghị, nhưng Bộ Nội vụ không điều chỉnh chỉ tiêu biên chế cho ngành GD, thì cũng chưa thể giải quyết được vấn đề”, bà Vân chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2024 - 2025, số học sinh (HS) cấp học mầm non có khoảng 231 nghìn em, với khoảng 9.399 lớp (nhóm lớp), số GV mầm non nghỉ hưu là 250 người.

Đến năm học 2025 - 2026, tổng số học sinh (HS) của tỉnh Thanh Hóa lên trên 1 triệu em. Trong đó, bậc học mầm non 234 nghìn HS, bậc tiểu học là 501 nghìn HS, bậc THCS là 245 nghìn HS và bậc THPT là 113 nghìn em. Tổng số lớp học khoảng 19.520 lớp (nhóm lớp). Tổng số giáo viên nghỉ hưu là 1.299 người, trong đó bậc học mầm non 294 người, bậc tiểu học 599 người, bậc THCS 390 người, bậc THPT 16 người.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho năm học 2024 – 2025, năm 2021 cần đào tạo 599 GV mầm non có trình độ CĐ. Tổng nhu cầu đào tạo GV có trình độ ĐH năm 2021, để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho năm học 2025 - 2026 là 5.139 người. Trong đó, GV mầm non 905 người; GV tiểu học là 2.431 người; giáo viên THCS 1.674 người và giáo viên THPT là 159 người.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, định mức GV cấp tiểu học đạt 1,23, nên chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. Số HS tiểu học tiếp tục tăng mạnh theo từng năm học, số lớp tăng. Số lượng GV tuyển dụng hằng năm rất ít, dẫn đến tỉ lệ GV/lớp giảm. Cũng theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện địa phương còn thiếu khoảng 3.000 GV tiểu học, đặc biệt là GV đặc thù (Tin học, GD thể chất, Tiếng Anh...).

Đây là lý do khiến hầu hết, các phòng giáo dục tin học tại các trường tiểu học không hoạt động được do không có GV biên chế, không có cơ chế hợp đồng GV cho các cơ sở giáo dục tiểu học. Trong khi đó, GV trung học cơ sở lại thừa, thiếu cục bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, năng lực GV môn Tiếng Anh còn hạn chế chiếm tỉ lệ khá cao, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Có khá nhiều GV tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số, GV cử tuyển đang công tác tại các huyện miền núi còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Điều đó, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Thanh Hóa: Thiếu giáo viên, cán bộ quản lý luân phiên đứng lớp ảnh 1

Chờ giải pháp

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Văn Nguồn – Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay: Toàn tỉnh đang thiếu hơn 5.000 GV. Số GV thiếu này là theo chỉ tiêu của tỉnh, chứ chưa phải là theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT yêu cầu. Nếu tính theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT giao, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu khoảng 8.000 - 9.000 người, bao gồm cả GV và nhân viên. 

“Trước thực trạng thiếu GV, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả. Do đó, ngành GD và UBND tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đề nghị lên cấp trên”, ông Nguồn cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguồn, chỉ tính riêng GV cấp tiểu học, hiện đang thiếu tới 3.000 người. Do đó, giải pháp trước mắt, các địa phương trong tỉnh điều chỉnh GV dạy thêm giờ, đồng thời tìm nguồn để tuyển hợp đồng. Bên cạnh đó, các huyện đề nghị tỉnh cho cơ chế để trả lương cho GV hợp đồng... Đồng thời, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát sửa đổi định mức GV/lớp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng GV, triển khai Chương trình GDPT 2018. Cần có cơ chế, hướng dẫn việc thực hiện xã hội hóa buổi học thứ 2 trong ngày với cấp tiểu học, để các địa phương kịp thời triển khai thực hiện... 

Ngoài việc đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị với Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục. Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và bãi ngang ven biển. Cần giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng HS tăng, số lớp tăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ