Thông tin này được Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Trần Văn thức chia sẻ tại buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với tỉnh Thanh Hóa sáng 15/2.
Cụ thể: Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa có tổng số 51.693 cán bộ, giáo viên; trong đó công lập là 48.895 người, ngoài công lập: 2.798 người.
Với các trường công lập, khối mầm non, toàn tỉnh hiện có 15.264 cán bộ, giáo viên, trong đó có 618 hợp đồng; so với quy định còn thiếu 4.174 (chủ yếu là thiếu giáo viên nhà trẻ).
Tiểu học, địa phương hiện có 15.639 cán bộ, giáo viên; so với quy định còn thiếu 3.380 giáo viên.
Trung học cơ sở, toàn tỉnh có 12.513 cán bộ, giáo viên; còn thiếu 1.096 giáo viên so với quy định.
Trung học phổ thông, tỉnh hiện có 4.969 cán bộ, giáo viên; so với quy định còn thiếu 318 giáo viên.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều là một trong những khó khăn của giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, liên quan đến đội ngũ, khó khăn của địa phương này còn là năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế; năng lực giáo viên môn Tiếng Anh còn hạn chế chiếm tỉ lệ khá cao, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Khá nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số, giáo viên cử tuyển đang công tác tại các huyện miền núi còn hạn chế về năng lực chuyên môn, điều đó cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước khó khăn này, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng; phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo trên toàn quốc chưa thống nhất về: chức năng, nhiệm vụ; số lượng công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp Giáo dục và Y tế, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 6/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017) để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đặc biệt là bậc Trung học phổ thông trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Đối với khu vực miền núi có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú…