Vì sao “tân binh” Cốc Cốc có thể vượt mặt các ông lớn?

Năm 2014, trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã gây bất ngờ khi vượt qua các tên tuổi lớn Firefox, Internet Explorer và hiện chỉ đứng sau Chrome tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong những sáng lập viên Cốc Cốc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong những sáng lập viên Cốc Cốc.

Những con số gây bất ngờ trong năm 2014

Những ai quan tâm đến thị trường Internet tại Việt Nam có lẽ còn nhớ, giữa bối cảnh thị trường trình duyệt Internet tại Việt Nam đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt của nhiều ông lớn như Chrome, Firefox, Internet Explorer…, tân binh Cốc Cốc (coccoc.com, một dự án do 3 lập trình viên người Việt Nam tốt nghiệp Moscow State University xây dựng) đã chính thức ra mắt vào tháng 5/2013.

Trình duyệt Internet này được phát triển bởi Công ty TNHH Cốc Cốc, trên nền tảng bộ mã nguồn mở Chromium – nền tảng được nhiều trình duyệt nổi tiếng như Chrome, Opera… sử dụng. Đội ngũ phát triển của Cốc Cốc thu hút được nhiều nhân lực của Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng Standford, CamBridge, Moscow State University… và từng có kinh nghiệm “chinh chiến” tại các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Intel, Mail.ru…

Ngay tại thời điểm ra mắt, Cốc Cốc đã gây chú ý đối với cộng đồng người dùng khi đội ngũ phát triển trình duyệt này tuyên bố họ muốn xây dựng nên một trình duyệt của người Việt và dành riêng cho người Việt. Đồng thời, tỏ rõ tham vọng khi muốn công cụ tìm kiếm, trình duyệt này sẽ sớm trở thành địa chỉ số hàng đầu tại Việt Nam.

Đương nhiên, trên con đường phát triển, họ cũng không ngại khi phải cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn, kể cả như Google.

Đến thời điểm hiện nay, dù mới đi qua chặng đường chưa đầy 2 năm nhưng Cốc Cốc đã cho thấy tốc độ phát triển khá nhanh chóng tại thị trường Việt Nam.

Ra hai phiên bản dành riêng cho máy tính dùng hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Windows và Mac OS, Cốc Cốc hiện đã có lượt tải đạt con số hơn 42 triệu.

Ngay từ tháng 2/2014, tức là chỉ khoảng 9 tháng sau khi chính thức ra mắt, dữ liệu được công bố bởi StatCounter cho thấy Cốc Cốc đã nhanh chóng lọt vào top 3 trình duyệt web phổ biến nhất Việt Nam với 6,4 triệu lượt người dùng hàng tháng.

Tháng 8/2014, thống kê từ comScore (một đối tác chiến lược về số liệu cho các tập đoàn lớn như BBC, Apple, Nestle, Yahoo, Ford…) cho thấy tổng lượng người dùng hàng ngày của công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc đã đạt vị trí thứ 2 tại Việt Nam với 4,19 triệu, xếp sau Google (5,95 triệu) và xếp trên Facebook (2,96 triệu).

Trình duyệt này cũng cán mốc 10 triệu người dùng trong vòng 18 tháng sau khi ra mắt. Thậm chí, theo đánh giá của Google Analytics 30 ngày gần đây nhất, lượng người dùng lên tới 15,5 triệu người.

Ngoài ra theo Cốc Cốc, hiện mỗi ngày trình duyệt này có gần 90.000 người tải, 60% trong số đó được bạn bè giới thiệu.

Và bất ngờ hơn, đến thời điểm cuối năm 2014, số liệu thống kê của StatCounter đã cho thấy Cốc Cốc vượt qua cả Firefox, Internet Explorer và hiện chỉ đứng sau Chrome tại thị trường Việt Nam.

Đồ họa thể hiện sự tăng trưởng mạnh của Coccoc.com trong năm 2014 tại Việt Nam.

Đồ họa thể hiện sự tăng trưởng mạnh của Coccoc.com trong năm 2014 tại Việt Nam.

Vì sao Cốc Cốc phát triển nhanh tại Việt Nam?

Là người Việt và hiểu rõ thị trường Việt Nam, để cạnh tranh với những trình duyệt lớn của nước ngoài, đội ngũ phát triển Cốc Cốc đã chứng minh cho những ai còn hoài nghi về năng lực, sức sáng tạo cũng như tâm huyết của người Việt thấy rằng: Họ không nói suông.

Ngay tại thời điểm năm 2013, Cốc Cốc bắt đầu gây được sự chú ý lớn nhờ khả năng tìm địa điểm và công nghệ quay hình ảnh 360 độ khá chi tiết – điều mà hầu hết các công cụ chưa làm được.

Tiếp sau đó, nhất là trong năm 2014, Cốc Cốc đã tập trung nghiên cứu những nhu cầu đặc trưng của người dùng Việt Nam và lần lượt tung ra hàng loạt tiện ích phù hợp với thị trường bản địa.

Cốc Cốc được tích hợp sẵn công cụ tải video, nhạc số từ hầu hết các trang web. Đồng thời, tốc độ download trên Cốc Cốc có thể nhanh hơn đến 8 lần trong điều kiện tiêu chuẩn, nhờ công nghệ download của IDM (Internet Download Manager).

Khác biệt với các trình duyệt khác, khi sử dụng Cốc Cốc người dùng cũng có thể truy cập Facebook dễ dàng mà không cần phải đổi DNS hay sử dụng các phần mềm bên ngoài (như Hotspot, Ultrasurf), giúp tránh được các trải nghiệm khó chịu như mạng chậm và quảng cáo từ bên thứ 3.

Hoặc khi người dùng gõ tiếng Việt không dấu, Cốc Cốc cũng có thể tự động thêm dấu, giúp tăng tốc độ gõ phím từ 20-50%, tiết kiệm đáng kể thời gian khi viết blog, báo cáo hay các bài bình luận…

Chưa dừng lại, Coccoc.com cũng có thể tự động phát hiện lỗi chính tả và đề xuất cách viết đúng với độ chính xác xấp xỉ 94%.

Trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, người dùng cũng có thể quy đổi đơn vị đo lường, tỷ giá ngoại tệ; có thể tra từ điển Anh - Việt bằng cách nhấp đúp chuột lên từ cần tra, giúp người dùng đọc tiếng Anh thuận tiện hơn, không cần cài thêm phần mềm từ điển, thậm chí tỏ ra “hiểu người Việt”, chính xác hơn cả công cụ đang phổ biến là Google Translate.

Cho tới thời điểm hiện nay, Cốc Cốc vẫn đang là trình duyệt duy nhất tại Việt Nam có những tính năng hữu ích dành riêng cho người Việt, đồng thời đang dần hình thành chỗ đứng vững chắc trên thị trường trình duyệt Internet cạnh tranh khốc liệt.

Lý giải cho sự phát triển nhanh chóng trong năm 2014, ông Nguyễn Thanh Bình, sáng lập viên của Cốc Cốc cho rằng, bên cạnh những tiện ích gần gũi với người Việt, sự vươn lên mạnh mẽ của trình duyệt này trong năm 2014 chính là do nhận được sự ủng hộ của người dùng về một sản phẩm “dành cho người Việt”.

Mưa dầm thấm lâu, chính hiệu ứng truyền miệng từ những người đã sử dụng tiện ích tối ưu của Cốc Cốc đã giúp cho trình duyệt này ngày càng được nhiều người biết tới.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, khảo sát của Cốc Cốc thực hiện vào cuối năm 2014 cho thấy, có tới 80% số người dùng được hỏi bày tỏ rằng bên cạnh yếu tố chất lượng tốt, họ cài đặt và sử dụng Cốc Cốc còn vì muốn ủng hộ phần mềm của Việt Nam.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…