Vì sao phải 9 năm nữa mới có ngày 30 Tết?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau Tết Giáp Thìn 2024, phải đến 9 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết theo âm lịch.

Phải đến 9 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết.
Phải đến 9 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết.

Tức là 9 năm tới, tháng Chạp luôn chỉ có 29 ngày.

Lý giải sự trùng hợp thú vị

Mạng xã hội đang chia sẻ thông tin thú vị rằng sau ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão, chúng ta phải đợi 9 năm nữa, tức năm 2033, mới có ngày 30 Tết. Các năm ở giữa giai đoạn này, chúng ta đón khoảnh khắc Giao thừa vào đêm 29 tháng Chạp.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, điều này bắt nguồn từ sự ngẫu nhiên trùng hợp trong âm lịch. Khác với dương lịch được đặt ra dựa trên chu kỳ chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời, âm lịch dựa trên chu kỳ chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất.

Mặt trăng chuyển động quanh Trái đất mỗi vòng hết 27,32 ngày. Tuy vậy trên thực tế, vì bản thân Trái đất còn có chuyển động quanh Mặt trời nên Mặt trăng cần thêm một chút thời gian nữa để trở về vị trí cũ trên bầu trời khi nhìn từ Trái đất. Do vậy chu kỳ mà chúng ta quan sát thực tế của Mặt trăng là 29,53 ngày. Chu kỳ này được gọi là một “tuần trăng”.

Khoảng 12 tuần trăng tương đương với một chu kỳ thời tiết. Để thuận tiện cho việc quan sát, dự đoán thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp, người ta chọn một chu kỳ này là một năm, mỗi tuần trăng gọi là một tháng.

Tuy vậy, cứ 3 năm thì lại bị chậm so với chu kì thời tiết khoảng 1 tháng nên cần có thêm một tháng bù vào. Những năm có tháng bù vào này được gọi là năm nhuận. Đây là nguyên nhân dẫn đến 9 năm tới sẽ không có ngày 30 tháng Chạp. Vòng tuần hoàn cứ lặp lại như thế nhiều lần dẫn đến hiện tượng nêu trên.

Trong quan niệm dân gian, đêm Giao thừa mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, điều xấu trong năm cũ và đón nhiều may mắn, thành công cho năm mới. Đây là ngày cuối cùng trong một năm, trước khi bước sang năm tiếp theo. Nó có thể rơi vào ngày 29 hoặc 30/12 âm lịch, tùy theo từng năm.

Năm nay, tháng Chạp có 30 ngày, tức mọi người sẽ đón Giao thừa vào đêm 30/12 âm lịch (9/2 dương lịch). Tuy nhiên, từ năm 2025 đến 2032, Giao thừa đều rơi vào ngày 29/12 âm lịch.

Đến năm 2033, ngày cuối năm mới là 30/12 âm lịch (30/1 dương lịch). Từ sau năm 2024 trở đi, chúng ta sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết vì liên tục trong 8 năm (từ 2025 - 2032), tháng Chạp chỉ có 29 ngày.

Không mang tính quy luật

Theo chuyên gia, hiện tượng 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu - chỉ có 29 ngày như giai đoạn 2025 - 2032 như đã nói ở trên chỉ là một sự trùng hợp. Hiện tượng này ít được biết đến và rất thú vị, tuy nhiên không hẳn là quá hiếm.

Chẳng hạn, như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020), liên tiếp 5 năm có tháng Chạp đủ. Theo chuyên gia, việc 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu cũng chỉ là một sự trùng hợp, không hề mang tính quy luật của lịch pháp. Hơn nữa, âm lịch đã được sử dụng lâu đời ở nước ta từ xưa đến nay, hiện tượng này không có gì đặc biệt.

Như chúng ta đã thấy, âm lịch có cơ sở khoa học rõ ràng và mang màu sắc văn hóa đặc sắc phương Đông. Tuy nhiên, cũng không nên phủ nhận việc nó vẫn có hạn chế so với dương lịch.

Hạn chế cơ bản nhất là vì trên thực tế một chu kỳ Trái đất chuyển động quanh Mặt trời không phải là tương đương với 12 tuần trăng (12 tháng âm lịch) mà dài hơn khoảng 10 ngày, do đó dù âm lịch được bổ sung việc tính năm nhuận nhưng sự dịch chuyển về ngày tương ứng hàng năm khiến cho ngày tháng trong âm lịch không phản ánh chính xác chu kỳ thời tiết như dương lịch.

Âm lịch mà chúng ta đang sử dụng có cơ sở rất mật thiết từ các quan sát thiên văn. Dựa vào chu kỳ chuyển động của các thiên thể mà người ta đưa ra các quy ước tính thời gian.

Ngược lại qua quan sát vị trí và chuyển động của các thiên thể cũng có thể phán đoán được các giá trị thời gian. Điều này được ứng dụng nhiều trong tra cứu lịch sử. Nhiều chi tiết trong lịch sử không rõ ngày tháng sau đó được làm rõ nhờ những văn bản còn lại có nhắc đến vị trí của các thiên thể trên bầu trời.

Khác với nhiều người vẫn nghĩ lịch chỉ đơn giản là để đếm thời gian, trên thực tế lịch cần đáp ứng được việc dự đoán chu kỳ chuyển động của các thiên thể và qua đó dự đoán được chu kỳ thời tiết, quy luật xảy ra các hiện tượng tự nhiên.

Tết Nguyên đán nước ta có ngày trừ tịch là ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày này thường được dân gian gọi nôm na là ngày 30 tết. Tuy vậy, như đã giải thích ở trên, ngày cuối năm không nhất thiết là ngày 30 tháng Chạp mà còn có thể là ngày 29. Dù đó là ngày 29 hoặc 30 thì cũng không ảnh hưởng gì đến các phong tục Tết cổ truyền vẫn được Nhân dân ta lưu truyền và thực hành hàng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ