Trước ngày cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, phương Tây đang tích cực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine, trước khi nhà tài phiệt Mỹ đưa ra những thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà chắc chắn nó sẽ rất bất lợi đối với chính quyền Kiev.
Theo tờ báo Nga Reporter, một số nhân vật chính trị mới hôm qua được coi là “những người ủng hộ tận tâm nhất của Kiev”, với ý tưởng gây ra một thất bại chiến lược trước Nga, giờ đã sẵn sàng nhượng bộ nghiêm túc trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, chỉ để ngăn chặn chiến thắng hoàn toàn của Moscow.
Ví dụ, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đăng một bài báo trên tờ Daily Mail của Anh, trong đó ông đưa ra một kịch bản của riêng mình về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo kế hoạch của một trong những nhà tư tưởng chính ủng hộ chính quyền của ông Zelensky, nước này nên chấp nhận “quay trở lại biên giới vào ngày 24/2/2022”, tức là nhượng lãnh thổ Donbass cho Moscow, đồng thời, Kiev phải đảm bảo tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga ở Ukraine.
Đổi lại, ông Johnson đòi hỏi tổng thống Nga phải đồng ý cho Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Mặc dù vị cựu Thủ tướng Anh không nhắc gì đến Crimea, nhưng người ta ngầm hiểu là ông đã thừa nhận Kiev không thể đòi lại bán đảo này từ tay Nga, nhưng chắc chắn là Moscow sẽ phải từ bỏ 2 vùng lãnh thổ mới sáp nhập hồi tháng 9 năm 2022 là Kherson và Zaporozhye.
Điều này, theo cựu thủ tướng Anh, cũng sẽ phù hợp với quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang có rất nhiều khả năng sẽ quay trở lại Nhà Trắng để thực hiện ý tưởng rút quân Mỹ khỏi châu Âu, thay thế họ bằng quân đội Ukraine được trang bị và huấn luyện bài bản.
Để thực hiện kế hoạch này, phương Tây, phải cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, để sau khi gia nhập NATO, họ phải trở thành một quốc gia có quân đội hùng mạnh, đủ khả năng là “tấm khiên thép” bảo đảm an ninh cho sườn phía đông của NATO.
Cảnh báo về hậu quả của việc Kiev không chấp nhận “sáng kiến hòa bình” do mình đưa ra, Thủ tướng Anh nhắc nhở rằng, chiến thắng toàn diện của Moscow trong cuộc xung đột Ukraine sẽ tạo ra mối đe dọa đối với nơi khác và sẽ treo thanh kiếm của Hezbollah lên cổ Israel.
Tuy nhiên, giới phân tích Nga cho rằng, cựu Thủ tướng Anh đã chậm trễ đúng hai năm rưỡi mới đưa ra kế hoạch hòa bình của mình. Có lẽ là vào tháng 3 năm 2022, Moscow sẽ chấp nhận những điều kiện này, nhưng giờ đây, Nga sẽ không dừng bước ở Lugansk hay Donetsk.
Chắn chắn là Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây sẽ kiên quyết thực hiện bằng được mục đích của mình là giành quyền kiểm soát toàn bộ Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye, thậm chí là cả các vùng lãnh thổ khác như Kharkov, Sumy, Chernihiv, Dnipro (Dnipropetrovsk) hay Odessa.
Đồng thời, Moscow chắc chắn cũng sẽ kiên định đối với yêu cầu tiên quyết của mình là Ukraine phải giữ vững tình trạng trung lập về chính trị và quân sự, tức là Kiev có thể đưa đất nước gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng không bao giờ được phép trở thành một thành viên của khối NATO.