Vì sao nhiều học sinh, sinh viên mắc chứng rụng tóc?

GD&TĐ - Nhiều học sinh, sinh viên và một bộ phận thầy cô do thức khuya, áp lực học tập, thi cử, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh đã gặp các vấn đề về tóc.

Vì sao nhiều học sinh, sinh viên mắc chứng rụng tóc?

Nhiều học sinh, sinh viên và một bộ phận thầy cô do thức khuya, áp lực học tập, thi cử, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh đã gặp các vấn đề về tóc như bạc sớm, rụng tóc nhiều...

Người khỏe mạnh sở hữu một mái tóc chắc khỏe, bóng mượt. Ngược lại, khi có vấn đề sức khỏe thì tóc có thể thay đổi màu sắc, độ mềm mại, thậm chí gãy rụng…

Bình thường, người trưởng thành có từ 100 - 200 nghìn sợi tóc, trong đó khoảng 90% tóc luôn luôn ở giai đoạn “mọc” (phát triển), kéo dài từ 2 - 6 năm; khoảng 10% ở giai đoạn không mọc hay còn gọi là nghỉ ngơi, kéo dài từ 2 - 3 tháng.

Khi một sợi tóc rụng thì ngay dưới chân sợi tóc vừa rụng sẽ có một mầm tóc mới mọc lên thay thế sợi tóc cũ và chu kỳ mọc mới lại bắt đầu. Thông thường, mỗi tháng tóc mọc khoảng 1,2cm và giảm dần theo sự gia tăng tuổi tác.

Theo ThS Nguyễn Thu Huyền (Trường Cao đẳng Y - Dược cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sắc đẹp Huyền Nguyễn), cùng với thời gian, tóc cũng có thể bị bệnh hoặc già đi và quá trình này sẽ tăng tốc với sự góp mặt của nhiều yếu tố như hóa chất, ánh nắng, chế độ dinh dưỡng…

Tóc có nhiều “bệnh” như khô giòn, dễ gãy, rụng tóc nhiều và bạc sớm. Đặc biệt, điều này xuất hiện ngày một nhiều đối với học sinh, sinh viên và những người trẻ tuổi khác với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Rụng tóc nhiều

Nhiều người trẻ đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tóc, và theo chuyên gia, đó cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý cần tìm hiểu đúng căn nguyên để điều trị.

Lê Thu Hương (sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: “Trước đây, mái tóc của em rất dày và khoẻ. Từ khi vào đại học, em thường xuyên bị rụng tóc. Mỗi lần gội đầu có thể gom tóc rụng thành từng búi nhỏ”.

Cô gái này cho biết thêm, ban đầu em nghĩ do thay đổi môi trường nước, chưa quen với nguồn nước của nơi ở mới hoặc do thức khuya nhiều. Nhưng một thời gian sau dù dùng nhiều biện pháp mà tóc vẫn không ngừng rụng mỗi ngày.

ThS Nguyễn Thu Huyền thông tin, bình thường tóc rụng khoảng 100 sợi/ngày, nếu rụng quá 100 sợi/ngày là rụng tóc bệnh lý. Những đối tượng thường có nguy cơ cao bị rụng tóc, bao gồm trong gia đình có người bị hói đầu, có thể là họ hàng bên bố hoặc mẹ; tuổi tác cao; giảm cân nhanh; mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và lupus da; gặp nhiều căng thẳng.

Bên cạnh đó, rụng tóc còn do chế độ làm việc, sinh hoạt không điều độ. Một số người do đặc thù nghề nghiệp phải thức đêm thường xuyên hoặc thức đêm từng đợt sau đó khó điều chỉnh lại giấc ngủ bình thường. Một số người khác do thói quen sinh hoạt tuỳ tiện, ăn ngủ thất thường… có thể làm tóc rụng.

ThS Nguyễn Thu Huyền khuyên rằng, hãy cẩn thận nếu tóc bị rụng nhiều bất thường, hoặc rụng theo từng mảng tròn, từng nắm, đặc biệt là người trẻ. Đây có thể là dấu hiệu của việc bị áp lực tinh thần, sự thay đổi tâm trạng khi mang thai, hoặc rối loạn tâm lý, nặng nhất là triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Trần Phương Lan (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) chia sẻ, năm lớp 12 em ôn thi nhiều, thức khuya thường xuyên và áp lực học tập, lo lắng khiến tóc của em khô cứng và rụng rất nhiều khiến em sợ mình bị bệnh.

Theo cô Huyền, stress có thể gây rụng tóc và ngược lại, rụng tóc quá nhiều kéo theo tâm trạng tiêu cực, khiến cho mức độ stress gia tăng. Rụng tóc do stress không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu kéo dài có thể làm tổn thương nang tóc, khiến tóc thưa và mỏng đi rõ rệt.

“Ngày nay, áp lực từ chuyện học hành, thi cử, việc làm hay thay đổi cuộc sống những năm đầu hôn nhân là những căng thẳng thường thấy ở người trẻ tuổi. Căng thẳng, stress xảy ra liên tục sẽ làm gián đoạn quá trình tăng trưởng của tóc, dẫn đến giai đoạn mọc của tóc bị rút ngắn. Tóc nhanh rụng hơn, trong khi tóc mới chưa kịp mọc sẽ khiến mái đầu thưa thớt dần theo thời gian”, ThS Nguyễn Thu Huyền nói.

Hơn nữa, nhiều bạn trẻ hiện nay, với mong muốn có được thân hình cân đối đã ép mình thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt dẫn đến bữa ăn thiếu sắt, protein, vitamin (A, B, C, E) và các khoáng chất, khiến tế bào mầm tóc không được cung cấp đủ dưỡng chất để sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, không ít bạn trẻ lại ưa thích thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Chính chúng là tác nhân kích thích tuyến bã nhờn ở nang tóc hoạt động nhiều hơn, dẫn đến chân tóc bị bít tắc, dễ rụng.

Ngoài ra, rụng tóc quá mức là một dấu hiệu thông báo sự bất thường từ hệ thống nội tiết, miễn dịch hoặc tiểu đường. Tình trạng rụng tóc có thể liên quan đến sự tăng giảm thất thường của hormone do hội chứng buồng trứng đa nang, nhược giáp hay mang thai và mãn kinh gây ra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rụng tóc chỉ xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt vitamin, điều bạn cần làm là thay đổi thực đơn ăn uống, bổ sung thêm nhiều thực phẩm chứa sắt để phục hồi mái tóc.

Rụng tóc, tóc bạc sớm là những dấu hiệu báo động cần lưu ý cho sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh họa.

Rụng tóc, tóc bạc sớm là những dấu hiệu báo động cần lưu ý cho sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh họa.

Khắc phục tóc bạc sớm

Thạc sĩ, BS Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận định tình trạng hói đầu sớm ở người trẻ ngày càng phổ biến. Người bệnh bị tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, làm lộ rõ vùng da đầu khiến họ tự ti và mặc cảm về diện mạo.

Tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi tháng ghi nhận trung bình 120 bệnh nhân đến khám vì rụng tóc hói đầu, chiếm 5% tổng số lượt khám.

So với trước đại dịch Covid-19, hiện tình trạng rụng tóc tăng 10 - 15%. Biểu hiện là tóc rụng trên 100 sợi một ngày, thời gian hơn một năm, rụng nhiều cả khi tóc ướt lẫn khô, có thể thấy rõ da đầu (nữ) hoặc tóc rụng từng mảng gây hói nhẹ (nam), tóc con mọc lên yếu, mềm, mảnh, xoăn hoặc không mọc.

Giảng viên Trần Minh Trí - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, tóc màu đen chính là một minh chứng cho thấy cơ thể của chúng ta đang ở trạng thái ổn định và sức khỏe tốt.

Những người có tình trạng sức khỏe tốt thường sẽ xuất hiện tóc bạc vào độ tuổi từ 45 trở đi. Đây được xem là một quá trình lão hóa tự nhiên không thể nào tránh khỏi của con người. Thế nhưng, một số trường hợp, tóc bạc vẫn sẽ xuất hiện sớm ở những người mới chỉ ở độ tuổi 20 - 30.

Lê Thanh Thuỷ (30 tuổi, Hà Nội) cho biết, tóc bạc sớm và xuất hiện ngày một nhiều ở lớp tóc bên trong. Nhiều người vẫn nói là do “máu xấu” nên chị cũng không đi khám. Để tăng tính thẩm mỹ, chị khắc phục bằng cách thường xuyên nhuộm tóc.

Theo giảng viên Trần Minh Trí, hiện nay, tóc bạc sớm không còn là vấn đề hiếm gặp, thậm chí còn xuất hiện ở cả tuổi thiếu niên. Bên cạnh nguyên nhân tuổi tác, tóc có thể bạc sớm do thiếu hụt vitamin.

Sự thiếu hụt dinh dưỡng cũng ảnh hưởng lớn đến sắc tố của tóc. Do đó, màu tóc có thể đen trở lại nếu được bổ sung vitamin và dinh dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó, nguyên nhân tóc bạc sớm là do yếu tố di truyền chi phối.

Cũng như rụng tóc, tình trạng stress kéo dài có thể dẫn đến việc hình thành tóc bạc sớm hơn. Điều này được lý giải là do stress gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể, các chất chống oxy hóa không được cung cấp đủ để chống lại tác hại của các gốc tự do.

Các gốc tự do khiến tế bào bị tổn thương, từ đó góp phần gây ra lão hóa và dễ sinh bệnh.‏ Ngoài ra, tóc bạc sớm còn là do rối loạn chức năng tuyến giáp. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến đã được chứng minh có mối liên quan đến tình trạng tóc bạc sớm.

Ngoài ra, nếu đang đối mặt với chứng rụng tóc từng mảng thì nguy cơ cao màu tóc bạn cũng sẽ ngả bạc sớm. Khi mái tóc mọc trở lại thì các sợi tóc sẽ có xu hướng chuyển sang bạc trắng do thiếu hụt sắc tố melanin.

“Hiểu được nguyên nhân khiến tóc bạc sớm, chúng ta sẽ có phương pháp để khắc phục tình trạng này. Quan trọng nhất vẫn là thói quen sinh hoạt và ý thức chăm sóc sức khoẻ tóc, da đầu. Khi có biểu hiện trầm trọng, cần đi tới các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị”, giảng viên Trần Minh Trí đưa ra lời khuyên.

Ngoài những “bệnh” của tóc như rụng nhiều, bạc sớm, nhiều chuyên gia cho rằng bạn trẻ lạm dụng hoá chất, thức khuya, căng thẳng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề khác liên quan đến tóc như khô giòn, chẻ ngọn.

Những người làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao hoặc phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng… cũng làm cho tóc rơi vào tình trạng này. Đặc biệt, tóc khô, xơ xác, thay đổi màu sắc còn là biểu hiện của bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, bướu cổ, bệnh xơ cứng bì, lupus ban đỏ hoặc suy dinh dưỡng, hội chứng kém hấp thu…

Để giải quyết tình trạng trên cần xem xét nguyên nhân gây nên rối loạn đó. Nếu tổn thương do tác động từ môi trường bên ngoài nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân đó như đội mũ rộng vành khi ra nắng, sử dụng dầu gội đầu một cách hợp lý và phù hợp với từng loại tóc, hạn chế rượu, thuốc lá; chế độ dinh dưỡng cân đối; nước và khoáng chất đầy đủ… Trường hợp tổn thương tóc do bệnh lý toàn thân cần điều trị các bệnh chính gây ra triệu chứng đó.

Theo nghiên cứu của The Health Site, ngày càng có nhiều người trẻ đối mặt với tình trạng rụng tóc, cứ 3 người ở độ tuổi 25 - 30, thì có 1 người rụng tóc.

Chứng hói đầu ở nam giới và tóc bạc sớm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim trước tuổi 40. Người bị rụng tóc vùng đỉnh đầu có tỷ lệ bệnh tim cao. Nam giới dưới 55 tuổi, bị hói ít, có nguy cơ này cao hơn 30% so với người bình thường, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều ở người bị hói nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ