Một phi cơ chở khách của Malaysia Airlines. Ảnh: NBC News. |
Sydney Morning Herald dẫn lời Ron Bartsch, chủ tịch công ty tư vấn hàng không quốc tế AvLaw, cho biết những người lập kế hoạch bay có thể lựa chọn giữa việc bay trực tiếp qua vùng nguy hiểm hoặc vòng tránh khu vực này và chịu tốn thêm nhiên liệu.
Theo Bartsch, dù những tổ chức như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ban hành cảnh báo và khuyến cáo theo thời gian, thì những sự kiện như thảm kịch MH17 "cho thấy các hãng cần tự theo dõi và phân tích rủi ro hàng ngày".
Việc chọn lộ trình bay còn phụ thuộc vào bản thân hãng hàng không trong việc đánh giá những mối nguy hiểm tiềm ẩn có ở "mức an toàn có thể chấp nhận được" hay không, Bartsch cho hay.
Các hãng hàng không Australia từng chọn không bay qua Chile, khi một núi lửa ở nước này phun trào, dù không phận được thông báo là an toàn.
"Bạn có thể tưởng tượng rằng không cảnh sát nào có thể ở đó để nói khi nào thì qua đường được, khi nào không", Bartsch nói. "Quyết định phụ thuộc vào từng cá nhân, trong trường hợp này là các hãng hàng không".
Trung tâm kiểm soát không lưu tại châu Âu Eurocontrol nói nhà chức trách Ukraine đóng không phận từ mặt đất tới độ cao 32.000 ft (gần 9.800 m) nhưng vẫn mở ở độ cao 33.000 ft (10.058 m), độ cao hành trình của MH17.
Những người trong ngành công nghiệp hàng không, bao gồm cả phi công, tin rằng các hãng hàng không sẽ đổi hướng nếu họ nghĩ rằng phi cơ có thể là mục tiêu bị tên lửa tấn công dù đang ở độ cao hành trình.
Tờ Australian cho biết cơ quan kiểm soát không lưu Ukraine và Nga từng có yêu cầu MH17 bay ở độ cao thấp nhất là 32.000 ft (gần 10.000 m) khi vào không phận Ukraine với lý do "giao tranh đang xảy ra trên lãnh thổ Ukraine, khu vực gần biên giới với Nga", từ trước khi cất cánh.
Malaysia cuối tuần trước khẳng định kế hoạch bay của MH17 đã được Eurocontrol phê duyệt và yêu cầu phi cơ bay ở độ cao 10.668 m (35.000 ft).
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Llow Tiong Lai mô tả lộ trình bay của MH17 là "tuyến đường bay chính, đông đúc". Theo ông Llow, có 400 chuyến bay thương mại, trong đó gồm 150 chuyến bay quốc tế, bay qua Ukraine mỗi ngày trước khi xảy ra thảm họa.
Chỉ sau khi tin máy bay MH17 rơi được công bố, nhiều hãng hàng không mới thay đổi chính sách, tránh đường bay qua Ukraine.
Không phận ở khu vực miền đông Ukraine đều đã bị giới hạn với các loại phi cơ dân sự, cho đến khi thông tin chi tiết và chính thức về nguyên nhân vụ MH17 được xác minh.
Kế hoạch bay mà phi công đưa ra sẽ được kiểm tra tự động để tránh bay vào các không phận bị giới hạn. Theo Eurocontrol, tất cả chuyến bay được báo cáo sử dụng tuyến đường này hiện đều bị từ chối.
Ngoài ra, một người có kinh nghiệm lập kế hoạch bay cho biết việc chuyển hướng bay của MH17, tránh không phận miền đông Ukraine, sẽ kéo dài thời gian hành trình thêm 45 phút.
Chi phí hoạt động trực tiếp của phi cơ Boeing 777-200ER vào khoảng 25.000 USD/giờ, đồng nghĩa với việc tăng chi phí chuyến bay thêm từ 14.500 USD lên 18.750 USD, tương đương 66 USD mỗi hành khách.
Chi phí hoạt động trực tiếp bao gồm khấu hao, bảo hiểm, lãi suất, nhiên liệu, dịch vụ mặt đất, chi phí cho phi hành đoàn và bảo dưỡng. Kết quả tính toán này góp phần lý giải tại sao nhiều hãng hàng không vẫn sử dụng hành lang bay qua Ukraine, bất chấp cuộc xung đột đang xảy ra phía dưới.
Trong khi đó, theo kết quả trong một cuộc khảo sát về các chuyến bay từ châu Âu tới châu Á tuần trước cho thấy, một số hãng hàng không đã chủ động tránh bay qua khu vực miền đông Ukraine để đảm bảo an toàn.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines nhiều khả năng bị tên lửa bắn hạ ở khu vực miền đông Ukraine hôm 17/7 khi đang bay từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur.
Toàn bộ 298 hành khách trên và tổ bay thiệt mạng. Vụ việc xảy ra chưa đầy 5 tháng kể từ khi chuyến bay MH370, cũng của hãng hàng không trên, mất tích một cách bí ẩn.
Bản đồ thể hiện chuyến bay từ châu Âu sang châu Á của các hãng Malaysia Airlines, Air France, British Airways, KLM, Lufthansa và Thai Airways. Đồ họa: New York Times. |