Vì sao nguồn cung vũ khí của NATO cho Kiev bị hạn chế?

GD&TĐ - Theo hãng tin Đức Zeit Online, đã có những thỏa thuận không chính thức giữa các nước NATO về việc hạn chế cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine, nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự giữa NATO và Nga.

Hàng hóa vũ khí chuyển cho Ukraine
Hàng hóa vũ khí chuyển cho Ukraine

Tờ báo trên dẫn lời các nguồn tin cho biết “có sự lo ngại Nga chính thức coi việc cung cấp xe tăng và máy bay chiến đấu của phương Tây là tham chiến, sau đó thực hiện các biện pháp đáp trả quân sự”.

Theo nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), các thỏa thuận trên đã được biết tới ở Berlin. Phát ngôn viên Wolfgang Helmich về chính sách quốc phòng của nhóm nghị sĩ SPD nói rằng “Ủy ban Quốc phòng đã được thông báo đầy đủ về việc này vào giữa tháng 5”.

Theo các nhà ngọai giao của NATO, họ đặc biệt tuân thủ các thỏa thuận không chính thức, vì nếu không, họ sẽ không nhận được sự ủng hộ đầy đủ của các đối tác trong liên minh.

Họ kết luận rằng NATO tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình Ukraine và xem xét các rủi ro có thể xảy ra liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Như vậy, không thể loại trừ một lúc nào đó cả xe tăng và máy bay chiến đấu sẽ được chuyển cho Ukraine.

NATO đã nhiều lần tuyên bố nỗ lực tránh đối đầu trực tiếp với Liên bang Nga. Ngày 20/4, người đứng đầu Bộ chỉ huy chung các lực lượng vũ trang Anh, Tướng Richard Barrons, nói rằng NATO đang cố gắng tránh một cuộc đối đầu toàn diện với Nga, vì họ chưa sẵn sàng cho điều đó.

Với lý do tương tự, ngày 1/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson lưu ý rằng NATO không thể đưa ra vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, vì điều này sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga và hậu quả có thể nằm ngoài tầm kiểm soát. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cùng quan điểm này.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga bắt đầu hoạt động đặc biệt để bảo vệ Donbass, các nước EU không ngừng hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine.

Ngày 20/5, các nguồn tin của hãng thông tấn Đức DPA báo cáo về ý định cung cấp súng phòng không Gepard của Đức. Trước đó Bộ Ngoại giao nước này cũng thông báo về việc cung cấp xe tăng và pháo hiện đại cho Ukraine.

Ngày 17/5, những lời hứa tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev được Pháp công bố. Ngày 5/5, Italy xác nhận khóa học hỗ trợ quân sự, hứa hẹn với Ukraine các hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng.

Đồng thời, ngày 13/5, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo về những thiếu sót nghiêm trọng trong công tác phòng thủ của châu Âu trong bối cảnh tình hình an ninh ở EU ngày càng xấu đi do các sự kiện xung quanh Ukraine. Danh sách các thiếu sót được tổng hợp bao gồm các hệ thống phòng không bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng, thiếu vũ khí, thiếu năng lực sản xuất, v.v. Trong một cuộc xung đột quân sự, châu Âu có thể gặp vấn đề về hậu cần. Ngoài ra, quân đội không có liên lạc vệ tinh được mã hóa với vùng phủ sóng của châu Âu. Bên cạnh đó còn là các vấn đề an ninh mạng.

Video Nga sử dụng Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion tấn công địa điểm tập kết vũ khí của Ukraine ở Odessa:

Theo Izvestia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ