Vì sao người Nhật phải đi học khóc?

Nhật Bản là đất nước mà người trưởng thành ít khóc nhất, vì khóc ở nơi công cộng được coi là đáng xấu hổ.

Vì sao người Nhật phải đi học khóc?

Cuộc sống hiện đại quá căng thẳng cộng với nền văn hóa đề cao sự che giấu cảm xúc khiến nhiều người Nhật phải tìm đến “Lớp học khóc”. Nhiều người đã khẳng định khóc có hiệu quả hơn cả cười hoặc ngủ trong việc giảm căng thẳng.

Japan Times ngày 13/10 cho biết, ngày càng nhiều trường học, công ty ở Nhật khuyến khích học sinh và nhân viên của họ khóc như là một cách giảm stress và cải thiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Một lớp học khóc ở Nhật. Ảnh: akind.center.

Một lớp học khóc ở Nhật.

Một nghiên cứu quốc tế tiến hành trên 37 quốc gia cho biết, Nhật Bản là đất nước mà người trưởng thành ít khóc nhất (ngược lại, Mỹ là nước dẫn đầu bảng về chỉ số này).

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do truyền thống văn hóa. “Ẩn giấu sự giận dữ và nỗi buồn được coi là một đức tính trong văn hóa Nhật Bản”, một bác sĩ tâm thần nói với tờ Chunichi Shimbun.

Một người Nhật trưởng thành khóc ở nơi công cộng sẽ bị cộng đồng chế giễu và coi thường. Vì thế, họ phải luôn tỏ ra lạc quan và nở nụ cười trước mặt người khác, dù cho cảm xúc trong lòng tiêu cực đến thế nào.

Gần đây, các nhà tâm lý học Nhật Bản nhận ra rằng cố gắng “tỏ ra hạnh phúc” đôi khi lại phản tác dụng. Cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa, tích tụ lâu ngày khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng quá mức chịu đựng. Nhiều người stress dài ngày do làm việc với cường độ cao, gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng không có cách nào để giải tỏa đã tìm đến lối thoát cuối cùng là tự vẫn.

Đây chính là lý do mà các lớp học “Tìm kiếm nước mắt” (tiếng Nhật là Rui-katsu) nở rộ. Lớp thường mở vào dịp cuối tuần, có khoảng 20 người cả nam và nữ tập hợp trong một phòng học nhỏ. Các đoạn phim cảm động về đề tài gia đình, những kỷ niệm buồn... được bật mỗi 40 phút, khiến cho tiếng sụt sịt nức nở lan khắp lớp học.

Hidefumi Yoshida, người tổ chức lớp học miễn phí kiểu này giải thích rằng việc khóc làm thông thoáng tâm trí và giảm căng thẳng. “Dù cho bạn có những khó khăn trong công việc, gặp vấn đề về ăn uống hay trục trặc về tình cảm, nước mắt luôn có thể giúp cho bạn được giải tỏa” - Hidefumi Yoshida nói với học viên.

Người tham gia đủ mọi lứa tuổi, từ sinh viên đại học đến những nhân viên văn phòng trung niên. Những lớp học như vậy được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2013 tại Tokyo, sau đó lan rộng ra cả nước.

Hiroki Terai, người sáng lập những lớp học kiểu này nói với tờ The Asahi Shimbun: “Tôi nhận ra rằng mọi người không thể khóc trừ khi họ nỗ lực một cách có ý thức”.

Một nữ học viên 23 tuổi cho hay: “Rui-katsu không giống như ngồi khóc một mình trong phòng. Tôi không cảm thấy đau buồn chút nào sau khi khóc ở đây”.

Sau khi chứng kiến những lợi ích to lớn của việc được khóc trên học viên của mình, Hiroki Teraiquyết định viết một số cuốn sách về việc làm thế nào để khóc.

Còn theo Hidefumi Yoshida thì: “Khóc có hiệu quả hơn cả cười hoặc ngủ trong việc giảm căng thẳng”. Từ năm 2014, ông đã khởi động các chương trình để nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe của việc chảy nước mắt.

Tới năm 2015, nước Nhật yêu cầu các công ty có từ 50 nhân viên trở lên và các tổ chức khác thực hiện chương trình kiểm tra căng thẳng bắt buộc cho nhân viên. Kể từ đó, Yoshida nhận được vô số yêu cầu từ các công ty và trường học để “dạy khóc”. Trong vài năm qua, anh đã tiến hành hàng trăm lớp học như vậy.

Theo Yoshida, mọi người đều có thể tìm cơ hội để giải tỏa cảm xúc bằng cách xem các bộ phim, bản nhạc hoặc những cuốn sách đặc biệt làm rơi lệ. “Nếu bạn khóc một lần mỗi tuần, cuộc sống sẽ không hề căng thẳng” - Yoshida nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ