Có một chân lý hiển nhiên là, ai cũng có quyền và có khả năng thành công mỹ mãn. Tuy nhiên hầu hết chúng ta trong thực tế lại không thành công. Vậy thì tại sao lại như thế? Chúng ta đã sai ở đâu?
Những điều trái khoáy tồn tại quá lâu
Giáo dục của chúng ta đã đi ngược quá lâu, và điều chỉnh lại quá chậm. Mục đích tối thượng của giáo dục là nâng cao năng lực con người. Nói là thế, nhưng ít người biết cấu phần của năng lực gồm những yếu tố nào. Trong những năm qua, tôi từng đào tạo cho hiệu trưởng, hiệu phó của các trường tiểu học trên 50 tỉnh thành, khi được hỏi năng lực gồm cấu phần nào thì hầu như không ai trả lời được, không ai biết chính xác. Thật nguy hiểm bởi sự hiểu lơ mơ, hiểu sai một khái niệm sẽ dẫn đến đi sai cả đường đời, thất bại cả một thế hệ.
Khẩu hiệu của thể chế chúng ta là "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Nhưng cái gì làm nên năng lực? Số phận con người được quyết định như thế nào lại chưa có ai quan tâm!
Chúng ta lâu nay dạy quá nhiều về sin, cos, tích phân, vi phân, phương trình bậc 2, 3 mà quên mất khái niệm cơ bản nhất: Năng lực gồm những gì?
Muốn đầu tư vào bất cứ cái gì, việc đầu tiên chúng ta cần phải biết tỉ trọng của các cấu phần. Cái quan trọng cần đầu tư nhiều, cái không quan trọng thì đầu tư ít.
Bình thường, năng lực gồm: KKT: Kiến thức, Kỹ năng, Thái độ. Trong tiếng Anh thì năng lực là ASK - Attitude, Skills, Knowledge.
Theo chúng tôi thì:
Thái độ(75%) + Kỹ năng(20%) + Kiến thức(5%) = Năng lực(100%).
Điều này cũng đã được Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đưa ra từ lâu: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Đức Phật cũng dạy "Vạn pháp duy tâm tạo", và ông cha chúng dạy "Có đức mặc sức mà ăn".
Hiện nền giáo dục của chúng ta chỉ chú trọng vào Kiến thức (5%), vào phần nổi của tảng băng, cái dễ nhìn thấy, dễ sờ mó nhất. Chưa nói đến chất lượng của 5%, thì 95% của năng lực hoàn toàn trôi nổi. Kiến thức là của thế kỷ 19. Còn chúng ta nay đã bước qua thời đại internet. Mọi kiến thức đã có “GS. Google” hỗ trợ: “Cái gì không biết thì tra Google”. Trong Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 với IoT (internet vạn vật), thì mọi kỹ năng cứng đã được tự động hóa, điều khiển từ xa. Còn lại kỹ năng mềm và thái độ là của con người.
Số mệnh – thành công là do đâu?
Thói quen vô cùng quan trọng trong việc tạo nên số mệnh của mỗi người, nhưng cần lưu ý một khái niệm mới: Keystone habit - thói quen cốt trụ. Tìm được thói quen cốt trụ nâng cấp nó lên thì tất cả các thói quen khác sẽ dịch chuyển đồng hành theo.
Nhu cầu giáo dục con người nay cần điều chỉnh để xếp theo thứ tự đúng đắn: Thói quen, Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức.
Như trên đã đề cập, khi bạn tìm ra và hình thành được thói quen cốt trụ, thì tất cả các thói quen khác sẽ dịch chuyển đồng hành theo. Ví dụ khi bạn tạo lập được thói quen tập thể dục 30 phút mỗi sáng. Bạn sẽ thấy mình cần dậy sớm hơn. Sau khi tập thể dục, bạn cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, năng động, bạn có nhu cầu và hứng khởi làm việc.
Những công việc cần làm trong ngày được giải quyết nhanh gọn. Khi công việc cho ra kết quả tốt, lại tất yếu dẫn dắt tới những kế hoạch làm việc mới hơn, cho giá trị cao hơn. Bạn đặt những mục tiêu lớn hơn cho giai đoạn trước mắt. Và để thực hiện được mục tiêu đó, bạn cần có sức khỏe, cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Do đó, tự nhiên nhưng việc làm vô bổ như la cà quán xá, bia rượu tốn thời gian, hại sức khỏe, hút thuốc tốn tiền và hại sức… lần lượt bị loại bỏ ra khỏi cuộc sống của bạn.
Thậm chí những bè bạn xấu, chỉ rủ rê bạn ăn chơi đàng điếm phung phí cuộc đời, cũng không chạm tới bạn được nữa. Bạn cứ thế mà theo thói quen làm những việc hữu ích, khỏe khoắn, nâng tầm mình lên, và con đường dẫn đến thành công cứ mở rộng thênh thang không ngừng trước mắt bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên tại sao mình may mắn thế. Xin thưa, nguyên nhân là do thói quen cốt trụ, giống như một lực hút những thói quen tốt, và loại bỏ những thói quen xấu, dẫn lối đưa đường bạn đến thành công bền vững, chứ không hề có sự may mắn ngẫu nhiên nào cả.
Tìm thói quen cốt trụ không khó. Điều khó là bạn cần kiên trì, chịu khó rèn luyện thói quen cốt trụ để nó ngấm vào máu mình, trở thành bất ly thân. Việc rèn luyện để có được thói quen cốt trụ mất bao nhiêu thời gian lại tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Thông thường, để có được một thói quen cốt trụ, bạn cần thực hiện nó từ 18 đến 254 ngày liên tiếp, không bỏ dù khó khăn tới mức nào. Trung bình thì cứ 66 ngày rèn luyện liên tục là bạn có thể thực hiện được thói quen cốt trụ.