Vì sao người mắc Covid-19 đợt dịch mới có biểu hiện nhẹ?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, trong quần thể cộng đồng Việt Nam đã có miễn dịch do tiêm vắc-xin hoặc do mắc Covid-19 khi nhiễm Omicron.

Người dân cần thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ. Ảnh minh họa.
Người dân cần thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ. Ảnh minh họa.

Do đó, nên khi bị nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.

Số ca tử vong tăng

Bộ Y tế cho biết, trong ba ngày đầu nghỉ lễ, cả nước ghi nhận 7 trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19. Con số này tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ tuần trước.

Trong ngày 30/4, Việt Nam ghi nhận 3 người ở Bắc Giang, Bình Dương và Đồng Nai tử vong do mắc Covid-19. Đây là ngày ghi nhận số ca tử vong do nhiễm Covid-19 cao nhất trong suốt 4 tháng qua.

Hai ngày còn lại, Bộ Y tế thông tin có thêm 4 người, tổng cộng 7 người tử vong do Covid-19 trong 3 ngày nghỉ lễ. Cộng dồn tổng số ca tử vong từ đầu 2020 đến nay là 43.191, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm, tương đương với tỷ lệ của toàn cầu.

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc tăng kéo theo trường hợp tử vong tăng. Song, đa số ca tử vong là người cao tuổi hoặc mắc bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vắc-xin.

Bên cạnh đó, số ca nhiễm mới và nặng cũng tăng so với cùng kỳ tuần trước. Sau ba ngày nghỉ lễ, có 2.026 người bệnh khám Covid-19, 1.168 nhập viện. Trong các ngày nghỉ, nhiều cơ sở y tế vẫn mở cửa và tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Tổng số liều đã được tiêm từ đầu đại dịch đến nay là hơn 266 triệu.

Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo, kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách nước ngoài gia tăng sẽ kéo theo nguy cơ virus lây lan.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới, mức độ miễn dịch của dân số lên tới hơn 90%. Do đó, khả năng virus bùng phát thành làn sóng dịch khó xảy ra.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi kết thúc kỳ nghỉ lễ người dân di chuyển, đi lại cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, cần thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh.

Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Những biện pháp này không chỉ giúp phòng Covid-19, mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...

Từ đầu tháng 4, Việt Nam chứng kiến một đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Nguyên nhân là do các biến chủng Omicron có đặc trưng lây lan nhanh. Hiện, các bác sĩ vẫn theo dõi độc lực của virus. Song, chưa phát hiện những đột biến khiến các ca nặng và tử vong tăng nhanh, gây nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Không tự ý uống thuốc

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, hiện tại, trong quần thể cộng đồng Việt Nam đã có miễn dịch do tiêm vắc xin hoặc do mắc Covid-19 khi nhiễm Omicron. Do đó, nên khi bị nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.

Chuyên gia này khuyến cáo, trong trường hợp tái nhiễm, người dân không nên tự uống thuốc kháng virus khi mắc bệnh hoặc xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Khi có diễn biến nặng như viêm phổi, khó thở, thiếu oxy, nhịp thở trên 20 lần/phút, SpO2 nhỏ hơn 96%, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu bệnh nhẹ, cần tự theo dõi tại nhà, đeo khẩu trang và tự cách ly với người khác.

Trong khi đó, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Chủ yếu là ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi thoải mái, uống nhiều nước hoa quả như nước cam, chanh.

“Thời tiết thay đổi với độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi cao thấp đột ngột cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây các căn bệnh về đường hô hấp.

Trong khi dịch Covid-19 chưa kết thúc, vẫn có những đợt tăng lây nhiễm. Vì vậy, những người có bệnh nền, sức đề kháng kém cần tiêm các vắc-xin phòng bệnh hô hấp như cúm, phế cầu, Covid-19 theo chỉ định của bác sĩ”, PGS Nga khuyến cáo.

Bên cạnh đó, đối với các cá nhân, cần giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh hô hấp. Cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài, nên tụ họp ngoài trời để an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài.

Đồng thời, nên đeo khẩu trang trên những phương tiện công cộng, nơi tụ họp kín trong nhà. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

“Để phòng bệnh viêm đường hô hấp, chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Cần ăn nhiều hoa quả, rau tươi và uống nước hoa quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, PGS Nga khuyến cáo, có thể uống thêm vitamin C hoặc một số thực phẩm chức năng giàu khoáng chất, vitamin. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...