Biện pháp cần thiết phòng tránh Covid-19 khi ca mắc gia tăng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, biện pháp cần thiết tại trường để phòng dịch bệnh là tiêm vắc-xin, đeo khẩu trang kết hợp duy trì chất lượng không khí.

Cần bảo đảm chất lượng không khí trong lớp như một biện pháp bảo vệ cơ bản.
Cần bảo đảm chất lượng không khí trong lớp như một biện pháp bảo vệ cơ bản.

Mỹ

Tại Mỹ, các chính sách quy định tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh được cho là không thành công sau ba năm xảy ra đại dịch. Trong khi đó, yêu cầu về vắc-xin được coi là một chiến lược quan trọng.

Giáo sư Dorit Reiss tại Trường Đại học Luật Hastings, Đại học California, người đã nghiên cứu chính sách về vắc-xin, dẫn chứng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 57% trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi tại nước này chưa được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên. Điều đó sẽ khiến việc thực thi các nhiệm vụ phòng Covid-19 trở nên khó khăn.

Gần đây, các quan chức y tế ở California cho biết sẽ tiếp tục khuyến nghị mạnh mẽ việc tiêm chủng Covid-19 cho học sinh và nhân viên trường học. Nhờ đó, giữ cho mọi người an toàn hơn trong lớp học. Đây là bang đầu tiên đưa ra yêu cầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh vào tháng 10/2021.

Tại Mỹ, các chuyên gia khuyến nghị về việc tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 hằng năm, tương tự bệnh cúm. Song, các quan chức y tế công cộng nhận định, trường học sẽ gặp khó khăn về mặt hậu cần trong việc thực thi quy định bắt buộc tiêm vắc-xin hằng năm.

Theo những người ủng hộ yêu cầu về vắc-xin dành cho học sinh, các quy định có thể giúp bình thường hóa việc tiêm chủng. Đồng thời, thiết lập mô hình tiêm chủng có thể giúp bảo vệ học sinh đến tuổi trưởng thành. Biện pháp này cũng có thể giảm khả năng virus biến đổi và lây lan sang những nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn.

New Zealand

Các đợt bùng phát ca mắc Omicron ở New Zealand đã chứng minh rằng, việc lây lan rộng rãi Covid-19 trong trường học gây tổn hại cho cả hệ thống y tế và giáo dục.

Trường học phải là một trong những nơi an toàn nhất mà trẻ có thể đến. Thay vào đó, các sự kiện năm 2022 cho thấy, trường học ở New Zealand là nơi có nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm cao.

Phó Giáo sư Amanda Kvalsvig tại Trường Đại học Otago, Wellington, cho biết, trường học lẽ ra phải là một trong những nơi an toàn nhất mà trẻ em có thể đến. Song, trường học tại nước này đã trở thành môi trường có rủi ro cao trong đợt bùng phát Covid-19 vào năm 2022.

Kinh nghiệm của New Zealand phù hợp với bằng chứng quốc tế cho thấy, nếu không có các biện pháp phòng ngừa, Covid-19 sẽ nhanh chóng lây truyền trong trường học. Đồng thời, lây lan từ trường học về nhà. Phó Giáo sư Kvalsvig cho rằng, cần bắt đầu bằng việc bảo đảm chất lượng không khí trong lớp như một biện pháp bảo vệ cơ bản.

“New Zealand có thể bắt đầu ngay lập tức bằng cách triển khai các thử nghiệm cộng đồng về ‘những gì hiệu quả’. Đồng thời, xem xét các phương pháp thực tế để kiểm soát lây nhiễm có ý nghĩa đối với cộng đồng trường học.

Những thử nghiệm này có thể tạo ra kết quả rõ ràng ngay lập tức, cũng như giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nhiễm trùng trong trường học”, chuyên gia này cho biết. Bà đồng thời dẫn chứng, các nhà nghiên cứu Italy đã báo cáo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp hơn 80% ở trẻ em có hệ thống thông gió tối ưu trong lớp học.

Tiêm chủng Covid-19 giúp giảm khả năng virus biến đổi và lây lan. Ảnh minh họa.

Tiêm chủng Covid-19 giúp giảm khả năng virus biến đổi và lây lan. Ảnh minh họa.

Trung Quốc

Sau 3 năm học trực tuyến do Covid-19, học sinh và giáo viên ở Trung Quốc đã được trở lại trường. Trước thềm học kỳ mới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã đến thăm một số cơ sở giáo dục ở Bắc Kinh.

Bà kêu gọi các trường học ở tất cả các cấp thực hiện và tối ưu hóa việc quản lý phòng ngừa Covid-19. Bà đồng thời nhấn mạnh, cần bảo đảm sức khỏe của học sinh và đội ngũ giáo viên cũng như các khu học xá.

Trước khi bắt đầu học kỳ, các trường được khuyến cáo nghiên cứu kỹ về số lượng học sinh và giáo viên đã nhiễm Covid-19. Bà Tôn Xuân Lan lưu ý các phòng y tế trường học nên chuẩn bị thuốc trước. Đồng thời, theo dõi tình trạng sức khỏe của nhân viên trong trường.

Liên quan đến sức khỏe tinh thần của học sinh và giáo viên do tác động của Covid-19, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan kêu gọi cần quan tâm và giáo dục nhiều hơn về vấn đề này. Các trường nên thực hiện các hoạt động giải trí dựa trên đặc điểm của từng nhóm tuổi khác nhau để tạo ra bầu không khí tích cực hơn.

Trong cuốn sách hướng dẫn phòng chống dịch bệnh mới nhất do Hội đồng Nhà nước ban hành, việc theo dõi sức khỏe cần được tiến hành trong bảy ngày liên tiếp sau khi học sinh và giáo viên trở lại trường. Đồng thời, các trường nên giảm số lượng cuộc tụ tập.

Sách hướng dẫn cho biết, các tổ chức giáo dục đại học sẽ không cần tiến hành sàng lọc axit nucleic để phát hiện Covid-19 đối với tất cả thành viên. Tuy nhiên, cần tiến hành xét nghiệm axit nucleic hoặc kháng nguyên cho những nhân viên chủ chốt tham gia phục vụ, hậu cần, an ninh và vệ sinh trong khuôn viên trường.

Học sinh và giáo viên ở cấp độ khác nhau của các tổ chức giáo dục không còn phải cung cấp kết quả xét nghiệm axit nucleic để được vào hoặc rời khỏi khuôn viên trường.

Để ngăn chặn khả năng lây lan của virus, các trường học phải thường xuyên dự trữ thuốc điều trị nhiễm Covid-19 và chuẩn bị đầy đủ xét nghiệm kháng nguyên, khẩu trang cũng như các vật liệu y tế khác.

Zhuang Shilihe - một chuyên gia y tế tại Quảng Châu nhận định, nguy cơ một lượng lớn học sinh gây ra làn sóng lây nhiễm mới là tương đối thấp. Rủi ro lớn nhất đã xảy ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Phần lớn những người bị nhiễm bệnh trong đợt dịch cuối cùng vào tháng 12. Trong đó, khoảng 90% người mắc bệnh ở Bắc Kinh và khoảng 80 - 90% tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

“Điều này đã hình thành một hàng rào miễn dịch chống lại virus. Với việc tiêm vắc-xin đầy đủ cho đại đa số học sinh, khả năng miễn dịch hỗn hợp đã tạo nên sự bảo vệ thậm chí còn mạnh mẽ hơn”, ông Zhuang cho biết.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân tốt vẫn là điều cần thiết để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như cúm.

Theo Edweek; Otago; Global Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.