Thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 người, đạt 135,56% kế hoạch năm. Trước đó, mục tiêu đặt ra với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 là 90.000 lao động. Trong đó, lao động đang ở độ tuổi từ 20-40 tuổi.
Điều này cho thấy, lực lượng thanh niên đang tuổi sung sức nhất của Việt Nam đã lựa chọn cơ hội làm việc ở nước ngoài để có mức thu nhập cao. Chính vì vậy, hiện nay nhiều gia đình ở nông thôn, kể cả ở thành thị hay vùng sâu, vùng xa đã chọn con đường lao động xuất khẩu cho con lập nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ LĐ, TB&XH, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần hồi phục trở lại, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Năm 2022 là thời điểm số lao động sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây vì đã thu hút gần 7.400 lao động Việt Nam. Như vậy tính đến thời điểm này, ở Hàn Quốc có gần 30.000 người lao động Việt Nam đang làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).
Ngoài ra, trong năm 2022, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS của Hàn Quốc là 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021. Vì vậy, thanh niên Việt Nam cũng có thêm cơ hội việc làm ở thị trường có thu nhập cao và được ưa chuộng này.
Cộng hòa Liên bang Đức, Bỉ, Cộng hòa Czech… cũng là thị trường mà các bạn trẻ nước ta nhắm tới bởi một số doanh nghiệp xây dựng đã đưa ra mức lương khởi điểm cho công nhân mới vào nghề khoảng 2.500 euro (khoảng 60 triệu đồng). Với mức thu nhập này so với làm việc ở trong nước là quá cao. Tuy nhiên, đến nay những quốc gia này vẫn không tuyển đủ nhân sự. Vì vậy, vẫn đang là cơ hội mở, hấp dẫn giới trẻ Việt Nam trong năm 2023 nói riêng và trong những năm tới nói chung.
Ông René Herrmann, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (CHLB Đức), cho biết sau khi phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, từ năm 2015 đến nay, Vivantes đã đưa được 870 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc.
Đặc biệt, chương trình du học nghề sang CHLB Đức vẫn được xem là con đường xuất khẩu lao động chất lượng và phù hợp nhất với lao động trẻ Việt Nam. Những ngành nghề mà Đức đang dành cho các lao động trẻ Việt Nam gồm: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà lao động Việt Nam sẽ được đào tạo từ 2 - 3 năm theo nguyên tắc 45% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 55% thực hành tại nhà máy, công xưởng, bệnh viện, cơ sở du lịch...Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ làm việc ở nơi mình thực hành.
Trong năm nay, nhiều cơ hội đã mở ra tại các thị trường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho lao động trong nước. Ngoài các thị trường tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động nước ta nhất như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, có thể kể đến Australia, Mailaixia.
Vào tháng 3/2022, Bộ LLĐ,TB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia. Chương trình tiếp nhận khoảng 1.000 lao động nước ta sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Australia mỗi năm.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán với các nước tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait.
Có thể thấy với sự quan tâm của Bộ LĐ,TB&XH, thanh niên Việt Nam tay nghề cao ngày càng có nhiều cơ hội lao động xuất khẩu để tích lũy, làm giàu.