Vì sao lao động thất nghiệp không 'mặn mà' học nghề?

GD&TĐ - Được đào tạo, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp là một trong những quyền lợi của người lao động bị thất nghiệp.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa: INT
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thay vì lợi ích được định hướng học nghề, có thêm cơ hội mới, rất nhiều người lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến khoản trợ cấp thất nghiệp nhằm giải quyết khó khăn tạm thời.

Lựa chọn nhận bảo hiểm thất nghiệp

Sau khi nghỉ công việc bưu tá, anh Phạm Quốc Hưng (27 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù được tư vấn học nghề khá kỹ lưỡng nhưng anh Hưng vẫn từ chối tham gia học nghề để nhận trợ cấp thất nghiệp.

Anh Hưng chia sẻ, đối với những người lao động phổ thông như anh, kinh tế còn bấp bênh và khó khăn, vì vậy khi mất việc, hầu hết đều lựa chọn nhận khoản tiền trợ cấp để giải quyết khó khăn trước mắt. Anh Hưng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian này, anh đang rất tích cực tìm việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu lựa chọn đi học nghề, anh lo lắng rằng bản thân và gia đình sẽ không có nguồn thu dẫn đến không đảm bảo ổn định cuộc sống.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, số người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp không lựa chọn học nghề rất nhiều. Tại Hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề đối với lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, những năm qua, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm vẫn luôn là vấn đề “nóng”.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021 Hà Nội giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho trên 63.000 người, năm 2022 là trên 72.000 người và năm 2023 là trên 85.000 người. Số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, năm 2021 có 1.075 người, năm 2022 có 1.590 người, năm 2023 có 778.

vi-sao-lao-dong-that-nghiep-khong-man-ma-hoc-nghe5-3228.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Linh hoạt trong đào tạo

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngoài việc được hỗ trợ một khoản tiền trợ cấp theo quy định, người lao động sẽ được tư vấn, định hướng học nghề.

Chính sách học nghề này nhằm đảm bảo người lao động có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người lao động khi bị mất việc đều lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp và mong muốn tìm ngay cho mình một công việc mới để đảm bảo kinh tế, chăm lo cho bản thân và gia đình mà không “mặn mà” với phương án đầu tư thời gian học nghề.

Bên cạnh đó, nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng, không tập trung cùng thời điểm và địa điểm. Vì vậy, việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp nhiều khó khăn.

“Số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề thấp là vô cùng đáng tiếc. Bởi đây là quyền lợi của người lao động. Chúng tôi đã cố gắng thông tin, tuyên truyền rất nhiều để người lao động hiểu họ có được nhiều quyền lợi hơn chứ không phải chỉ riêng khoản tiền trợ cấp thất nghiệp”, bà Vũ Thị Thanh Liễu chia sẻ.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn với mục tiêu giải quyết việc làm và hỗ trợ học nghề tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thu hút lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề bằng chất lượng đào tạo. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Vũ Thị Thanh Liễu khẳng định: “Chúng tôi ưu tiên mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên mở các lớp dạy nghề dưới 3 tháng như may công nghiệp, trang điểm, làm móng, bím bới tóc, duỗi, nhuộm, cắt tóc nam, cắt tóc nữ, kỹ thuật chế biến món ăn... Bên cạnh đó, Trung tâm còn liên kết với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thường xuyên mở các lớp nghề như: Cắt may công nghiệp, kế toán doanh nghiệp, chế biến món ăn, bán hàng, điện công nghiệp, phun thêu thẩm mỹ, chăm sóc da, tin học văn phòng...

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng góp vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động sẽ đóng bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 1%, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1%. Như vậy mỗi năm, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ thu 36% tiền lương tháng của người lao động, trong đó người lao động đóng 12% từ lương của mình. Khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được nhận rất nhiều quyền lợi để đảm bảo cuộc sống trong khi chưa tìm được việc làm mới như: Trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế miễn phí, chi phí hỗ trợ học nghề…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thoát hiểm qua khe cửa hẹp

GD&TĐ - Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã giữ được cương vị cầm quyền qua cuộc bầu thủ tướng ở quốc hội, cho dù liên minh của ông không chiếm đa số.

Nguyễn Tuấn Anh tại CQ CSĐT. (Ảnh: CA huyện Văn Yên)

Bắt bị can truy nã sau một năm lẩn trốn

GD&TĐ - Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thông tin, bắt được bị can trốn truy nã. Sau 1 năm lẩn trốn, người này bị bắt tại cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh.