Lao động thất nghiệp: Bỏ quên quyền lợi học nghề

GD&TĐ - Hiện nay rất nhiều trường hợp người lao động (NLĐ) chỉ lựa chọn phần tiền được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp mà quên đi ý nghĩa của việc học nghề.

NLĐ được tư vấn việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề khi bị thất nghiệp.
NLĐ được tư vấn việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề khi bị thất nghiệp.

Bỏ quên quyền lợi

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2024 có 8.729 NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với số hồ sơ chưa giải quyết xong trước đó, 2 tháng đầu năm đã có 10.741 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 117 người có quyết định học nghề.

Dù được học miễn phí nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề trong thời gian qua lại rất thấp. Đại đa số NLĐ chỉ tập trung vào việc, làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đã vô tình quên đi quyền lợi học nghề.

Anh Lê Đình Phong (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bộc bạch, hiện tại danh mục nghề ít, nghề muốn học lại không có nên gần như không có lựa chọn. Một nghề anh Phong thấy cũng có thể học là sửa xe máy. Nhưng do có quá ít người đăng ký nên nhân viên tư vấn cho anh Phong cứ đăng ký trước khi nào có đủ người, xếp đủ lớp thì trung tâm sẽ gọi. Việc chờ đợi có thể sẽ lâu nên anh Phong quyết định không học.

Sau nhiều năm đi làm công nhân xa nhà, chị Nguyễn Thị Bé (huyện Thanh Oai, Hà Nội) quyết định về quê lập nghiệp. Dù có dự định sẽ học nghề may vá để tạo dựng công việc mới, nhưng chị Bé vẫn quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Bé chia sẻ, nghề may cũng có trong danh mục đào tạo lại nghề cho lao động thất nghiệp. Song, mất thời gian đợi lâu, nếu đăng ký học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm thì không chủ động được nơi học cho thuận tiện.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, quy định của pháp luật rất rõ việc hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề. Đây là các chính sách rất tốt và nhân văn, thế nhưng mức độ quan tâm học nghề của NLĐ vẫn chưa cao. Nguyên nhân tới từ sự không thiết tha của NLĐ hay công tác thông tin truyền thông chưa tới; cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mức kinh phí đào tạo còn thấp là vấn đề đang được đánh giá để có các giải pháp cụ thể.

Tạo sức hút

Ở góc nhìn thực tế, để chính sách đào tạo, hỗ trợ, duy trì việc làm cho NLĐ thực sự phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu thực tế, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách BHTN chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác, khiến NLĐ gặp khó khăn.

Hiện nhiều đơn vị đào tạo nghề cũng đã đổi mới việc tổ chức các lớp cho nhóm lao động đặc thù này theo hướng không chờ đủ số lượng học viên mới mở lớp. Trong quá trình học, họ được ưu tiên đi thực hành tại doanh nghiệp, giới thiệu việc làm.

Theo các chuyên gia, để thu hút lao động thất nghiệp đăng ký học nghề ngoài sự đổi mới, liên kết để nâng chất lượng đào tạo nghề, thay vì hưởng trợ cấp thất nghiệp thì các chính sách cần phải thông thoáng, linh hoạt hơn.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, hiện nay nhà trường có nhiều ngành nghề, nhất là các nghề kỹ thuật. Nhà trường bảo đảm 100% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Những người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cũng sẽ được nhà trường kết nối.

Có nhu cầu tuyển dụng cùng thời điểm nên tính cạnh tranh lao động cao, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra ưu đãi nhằm thu hút nhân lực. Chẳng hạn, Công ty CP Groovy có nhu cầu tuyển thêm 50 lao động lĩnh vực thiết bị điện. Công ty đã đăng thông báo tuyển dụng trên Facebook, Zalo, treo băng rôn trước cổng công ty... Đồng thời, “hút” lao động bằng việc khuyến khích công nhân trực tiếp làm tại công ty giới thiệu người thân, bạn bè vào làm.

Nhận thấy việc hỗ trợ học nghề là một trong những nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp NLĐ chuyển đổi mục đích nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã có quy định cho phép họ được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi ban hành hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Trần Minh Phương, trưởng bộ phận tuyển dụng tại một doanh nghiệp ở Hà Nội nhìn nhận, quy định này sẽ tạo nhiều cơ hội cho NLĐ tham gia học nghề, giúp chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như thay đổi địa bàn làm việc. Thực tế, có những NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở quê nhưng muốn được hỗ trợ học nghề ở thành phố nơi có nhiều ngành nghề phát triển, nhiều cơ sở đào tạo nghề có chất lượng hơn và dễ tìm kiếm việc làm hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.

Tổng hợp tin đăng tim viec lam mới nhất Giầy bảo hộ lao đông nhập khẩu chính hãng tải mẫu cv xin việc file word tại Vietnamworks