Cần có chính sách chống thất nghiệp cho người lao động

Cần có chính sách chống thất nghiệp cho người lao động

(GD&TĐ)-Đó là một trong những chính sách về chế độ hỗ trợ duy trì việc làm được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại Dự thảo Luật Việc làm đang được dư luận người lao động đặc biệt quan tâm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp hiện hành mới chỉ hỗ trợ cho người lao động sau khi thất nghiệp mà chưa có chính sách hỗ trợ cho người lao động để phòng chống thất nghiệp.

nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm

Hiện nay, số lực lượng lao động của cả nước trên 50 triệu người, số người thất nghiệp khoảng 800 nghìn người.

Do vậy, nhằm khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật Việc làm đã bổ sung quy định chế độ hỗ trợ duy trì việc làm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải, một trong những biện pháp bảo đảm việc làm, phòng chống thất nghiệp cho người lao động đó là hỗ trợ cho người sử dụng lao động để người sử dụng lao động đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, thanh toán các chế độ (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm) góp phần duy trì, ổn định việc làm cho người lao động. Vì vậy, đối tượng áp dụng của chế độ duy trì việc làm là người sử dụng lao động.

Biện pháp duy trì việc làm cần được áp dụng khi người sử dụng lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn có thể dẫn đến nguy cơ mất việc làm của người lao động.

Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm quy định: Người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ để duy trì việc làm khi có đủ 3 điều kiện: 1. Tham gia và đóng đủ bảo hiểm việc làm cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm tại đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng tại thời điểm đề nghị hỗ trợ; 2. Đã sử dụng hết các nguồn tài chính để thanh toán tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; 3. Có phương án duy trì việc làm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

Ngoài ra, người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ người lao động và gia đình họ vượt qua khó khăn, tìm kiếm việc làm mới.

Tuy nhiên, chính sách này mới chỉ áp dụng đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên và người sử dụng lao động sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Do vậy, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm việc làm bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Bảo hiểm việc làm là bảo hiểm bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia, mục đích nhằm hỗ trợ duy trì và phát triển việc làm; ngăn ngừa thất nghiệp, hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập và sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chỉ có một lý do duy nhất khiến một người đàn ông chia tay: anh ta không còn yêu bạn nữa. (Ảnh: ITN).

Đàn ông nghĩ gì sau khi chia tay?

GD&TĐ - Việc chia tay của một người đàn ông chắc chắn không phải là ý định nhất thời mà là kết quả của kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của anh ta.