Hiện nay, các nghiên cứu khoa học thiên về hướng siêu âm không gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với cả cơ thể người mẹ và thai nhi. Nên trong sản phụ khoa, có khuyến cáo các thai phụ nên siêu âm thai ít lắm ba lần để theo dõi sức khỏe em bé.
Tổng quan về siêu âm chẩn đoán
Siêu âm, đúng hơn là vang siêu âm (echography), là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dựa trên nguyên tắc đo sóng âm vang lại rồi chuyển thành hình ảnh.
Đầu dò phát sóng âm tần số cao xuyên vào cơ thể va vào cơ quan nội tạng sẽ dội ngược trở lại; phản âm này được đầu dò (detector) ghi lại, hệ thống máy tính sẽ chuyển đổi cường độ các phản âm này thành hình ảnh hiện lên màn hình.
Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh (image diagnosis, imagery), không chảy máu (không xâm lấn, noninvasive), giúp phát hiện các bất thường về hình thái, chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng.
Các rối loạn chức năng cần phải dựa vào các xét nghiệm, thăm dò khác, có lúc chỉ phát hiện chính xác sau khi em bé ra đời.
Ví dụ như siêu âm hình thái học lúc thai 22 tuần tuổi chỉ phát hiện được 50% hội chứng Down do có biểu hiện bất thường trên siêu âm còn xét nghiệm “vàng” là xác định nhiễm sắc thể; Với dị tật tim thai, siêu âm cũng chỉ phát hiện được 40-80% trường hợp tùy thuộc chất lượng máy, bác sĩ siêu âm.
Ngoài ra một số bất thường của thai nhi ở hệ thần kinh trung ương, hệ tim, siêu âm cũng không thể phát hiện được như bệnh lý xuất huyết não, nhũn não, bất thường chất trắng, chất xám... cần chụp cộng hưởng từ (MRI, fMRI) mới thấy được.
Các loại siêu âm
Siêu âm trắng đen (hai chiều) giúp nhìn thấy mức độ phản hồi của các cấu trúc thai mạnh yếu khác nhau nên cường độ sáng trên màn hình siêu âm của các cấu trúc sẽ khác nhau. Nhờ vậy, bác sĩ siêu âm phân biệt được đâu là gan, đâu là thận, đâu là ruột...
Siêu âm Doppler màu là kỹ thuật phối hợp siêu âm (hình ảnh) với kỹ thuật dùng Doppler để đo hướng và vận tốc của dòng chảy.
Trong sản khoa, siêu âm Doppler màu được dùng để khảo sát tim thai và các mạch máu: hở van 2 lá, 3 lá của tim thai; vận tốc dòng máu qua van động mạch chủ, động mạch phổi; đo các chỉ số trở kháng của động mạch rốn, động mạch não giữa... của thai nhi, qua đó đánh giá được tình trạng sức khỏe thai nhi để có chỉ định tiếp tục theo dõi hay cần chấm dứt thai kỳ, lấy thai ra vì thai đã có dấu hiệu suy.
Siêu âm 3D-4D, các sóng siêu âm sẽ được truyền xuống ở nhiều góc độ khác nhau và các sóng phản hồi (echo) sẽ được máy tính xử lý để tái tạo thành hình ảnh trên không gian ba chiều, bốn chiều.
Do vậy, siêu âm 3D-4D thường được chỉ định để khảo sát thêm các cấu trúc như mặt thai nhi, các cấu trúc động như tim thai nhi. Độ chính xác của siêu âm 3D-4D thường luôn cao hơn máy trắng đen hay máy siêu âm màu.
Có thai nên siêu âm mấy lần?
* Từ tuần 11 – tuần 13: Xác định tuổi thai, tính ngày dự sinh, nghe tim thai, xác định thai đơn hay đa thai, tầm soát hội chứng Down thông qua các dấu hiệu của đột biến nhiễm sắc thể, kiểm tra các dị tật bẩm sinh, thoát vị cơ hoành.
* Từ tuần 21 – tuần 24: Kiểm tra tốc độ phát triển của các bộ phận như tay chân, cột sống, hộp sọ, tim, dạ dày, phổi… Ở giai đoạn này, bác sĩ cũng có thể phát hiện ra các bất thường ở thai nhi như hở hàm ếch, dị dạng nội tạng.
* Từ tuần 30 – tuần 32: Rà soát các bất thường thai nhi với độ chính xác cao hơn, kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn, nhau thai,…để nhận định về tình trạng sức khỏe của bé.
Siêu âm có hại không?
Siêu âm cũng là sóng cao tần, những sóng không có trong tự nhiên. Đã có nhiều tranh luận khoa học về tác hại của siêu âm đến con người, đặc biệt là thai nhi trong giai đoạn phôi khi đang tượng hình. Nhưng nói chung, cho đến hiện nay các nghiên cứu khoa học thiên về hướng siêu âm không gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với cả cơ thể người mẹ và thai nhi.
Khi các bà mẹ mang thai, việc siêu âm không hề khiến họ đau hay có cảm giác khó chịu gì đặc biệt. Thậm chí, có bà mẹ siêu âm cả chục lần hay ghi hình lại cuộc thăm dò siêu âm để làm “kỷ niệm”.
Tuy nhiên, lời khuyên chính xác của y tế là siêu âm rất có ích nhưng cũng không nên quá lạm dụng.