Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trung bình mỗi ngày đón khoảng 1.200 du khách đến tham quan. Năm nay, doanh thu ước đạt 62 tỷ đồng nhưng chủ yếu từ tiền bán vé. Làm thế nào để “giữ chân” du khách lưu trú lại Mỹ Sơn đang là bài toán nan giải.
Cách khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chừng 1 cây số là làng homestay. Khu làng này được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ 3.000 USD để 5 hộ gia đình xây dựng 5 phòng homestay và gần 10 phòng ở khác của người dân trong thôn, với tham vọng tạo ra một Làng du lịch cộng đồng tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, làm nơi lưu trú dài ngày cho du khách. Thế nhưng, sau thời gian dài mở cửa đón khách, số lượng khách lưu trú tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng du lịch đìu hiu, những phòng homestay bây giờ thành phòng ngủ của dân.
Khu khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 4 sao tại Mỹ Sơn vắng khách. |
Cũng tại khu vực cửa ngõ của Khu đền tháp Mỹ Sơn, tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan đưa vào khai thác khu Resort và Spa. Đây là khu khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên được xây dựng tại khu vực gần Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Ông Phan Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan cho biết, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải bù lỗ do vắng khách. Thực tế nhiều du khách đến với resort khen rất nhiều nhưng yếu tố cơ bản nhất là ban đêm buồn quá, không có một cái gì để người ta trải nghiệm, để họ cảm giác rằng mình đang được đi vui chơi giải trí. Đặc biệt là khách nội địa phải có khu vui chơi, phải có điểm để người ta vui chơi về đêm thì họ mới thích thú, dành thời gian ở lại lâu dài hơn.
Làng du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn đìu hiu. |
Nguyên nhân khiến du khách không muốn lưu trú qua đêm tại Mỹ Sơn một phần do điểm du lịch này nằm gần thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Khách có thể đến tham quan rồi về trong ngày. Hơn nữa, đây là khu đền tháp Chăm mang giá trị nhiều mặt về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử. Khách du lịch đến đây thiên về nghiên cứu giá trị di tích mà ít quan tâm đến các dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng. Khu du lịch này cũng nằm đơn lẻ, chưa có sự liên kết giữa các điểm du lịch trong vùng nên không thể “giữ chân” du khách lâu hơn.
Ông Lê Long Phi, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng cho rằng, các điểm lưu trú tại Mỹ Sơn hiện đang thiếu các dịch vụ bổ sung. Chẳng hạn như biểu diễn ca, múa, nhạc của người Chăm; cách làm gốm của người Chăm.
"Để giữ chân du khách ở lại đây thì phải làm đa dạng và đưa được nét Chăm thuần túy vào sản phẩm du lịch ở đây. Hiện tại tham quan Mỹ Sơn rất đơn thuần, tham quan 2, 3 tiếng, cùng lắm 4 tiếng đã xong rồi. Còn ăn uống ở đây cũng chưa phải là đặc sắc. Tương lai gần hy vọng ở đây hình thành được không gian chung về lưu trú để giữ chân du khách", ông Phi kỳ vọng.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã đề xuất các phương án xây dựng chương trình, kết nối điểm đến để thu hút du khách tham quan các thắng cảnh xung quanh khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trải nghiệm về đêm tại đây. Có thể tổ chức các hoạt động hô hát bài chòi, dân ca, các phiên chợ đêm, ẩm thực đặc trưng… hay hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn thuần túy để du khách tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, đời sống của người Việt.
Ông Phan Hộ cho biết, địa phương đang hướng đến việc mở rộng diện tích quy hoạch Khu di tích Mỹ Sơn hướng về phía hồ Thạch Bàn. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Quy hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 - 2030 để tạo nên sự đồng bộ về mặt quy hoạch.
Khi có quy hoạch được duyệt thì mới triển khai các dịch vụ chứ còn không thể thực hiện trong khi chưa được duyệt quy hoạch sẽ vướng tất cả các văn bản và các quy định về mặt pháp lý. Những khó khăn, vướng mắc, yếu kém đó khiến việc thu hút du khách đến với Mỹ Sơn, dừng chân lại Mỹ Sơn, ở lại Mỹ Sơn hiện nay còn rất hạn chế.
Doanh thu ở Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn chủ yếu từ tiền bán vé. |
Chính quyền huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nâng cấp các sản phẩm du lịch tại khu di sản. Trong đó chú trọng các sản phẩm có tính hỗ trợ, liên kết với địa phương có thế mạnh như du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, di tích lịch sử. Cùng với đó là việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo bến du thuyền, đường đi, bến bãi nhằm phát triển tiềm năng đập Thạch Bàn; Xúc tiến đẩy mạnh liên kết với các hãng lữ hành nhằm chia sẻ nguồn khách; Xây dựng các sản phẩm chung, mang tính liên hoàn; Hỗ trợ thiết lập các tour tuyến mới.
Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ nguồn thu du lịch Mỹ Sơn kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế cũng đã nâng cập hạ tầng để đảm bảo các nhu cầu của khách du lịch. Sắp đến sẽ tăng cường điểm du lịch cộng đồng để cộng đồng và người dân cùng tham gia vào du lịch Mỹ Sơn, tiếp tục thu hút và giữ chân du khách.