Vì sao hợp tác giữa Israel và Nga ở Syria chưa thể chấm dứt?

GD&TĐ - Sau cuộc giao đấu hỏa lực ở biên giới Israel – Lebanon vào thứ 6 tuần trước, Israel cho rằng một cuộc tấn công khác có thể xuất phát từ Syria.

Lực lượng Nga ở Syria.
Lực lượng Nga ở Syria.

Syria là nơi Tel Aviv thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu bị cáo buộc là Hezbollah và Iran. Trong khi đó, Nga đã chấp thuận tham gia vào cuộc nội chiến của nước này vào năm 2015 sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa ra lời kêu gọi.

Những ngày sắp tới sẽ là một bài kiểm tra cho sự phối hợp giữa Israel và Nga ở Syria.

Nghi ngờ về việc điều phối

Các báo cáo gần đây của Israel trích dẫn các nguồn tin giấu tên của Nga cho rằng Moscow đã quyết định rút lại quan điểm phối hợp với Israel. Họ cũng nói rằng Nga đã bắt đầu ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong việc không cho máy bay Israel vào không phận Syria.

Nga chưa lên tiếng về thông tin trên.

Tuy nhiên, Đại tá đã nghỉ hưu Eran Lerman của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và từng giữ nhiều vị trí cao cấp trong lực lượng tình báo quân sự Israel nói rằng đất nước ông không có gì phải lo lắng vì “không có bất kỳ thay đổi chiến lược nào trong sự phối hợp đó”.

Theo ông Lerman, một sự thay đổi chính sách như vậy sẽ có tác động sâu rộng với cả 2 bên và đây là lý do ông nghi ngờ Moscow muôn lùi lại lộ trình hiện tại.

Nga và Israel có một số lợi ích chung thúc đẩy họ phối hợp trên mặt trận Syria. Cả 2 đều muốn tránh các sự cố trên bầu trời Syria như từng xảy ra năm 2018. Khi đó Israel sử dụng máy bay quân sự của Nga làm lá chắn để chống lại các hệ thống phòng không Syria, khiến máy bay Nga bị rơi và phi hành đoàn 15 người tử nạn.

Mặc dù ban đầu Moscow đổ lỗi cho Israel, gọi hành động này là “vô trách nhiệm” nhưng cuối cùng họ đã tăng cường phối hợp để đảm bảo sự cố bi thảm như vậy không bao giờ xảy ra nữa.

Ông Lerman cho rằng cả 2 nước đều muốn chắc chắn rằng Iran không củng cố vị trí của mình ở Syria.

“Nga đã và đang đầu tư rất nhiều vào sự tồn vong của Tổng thống Assad, vì vậy việc cho phép Iran dùng Syria làm bệ phóng có thể khiến những gì Nga đạt được gặp rủi ro. Đó là lý do tại sao tôi nghi ngờ việc Moscow muốn lôi kéo Syria vào cuộc xung đột nhiều hơn” – ông Lerman nói.

Chính phủ mới, vấn đề mới

Tuy nhiên, những lợi ích trên hiện đang đối mặt với những thách thức từ chính phủ mới ở Israel. Vào tháng 6 vừa qua, người đứng đầu phe đối lập của Israel khi đó là Yair Lapid đã thông báo với tổng thống nước này rằng ông có thể thành lập một liên minh.

Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đảng Yamina Naftali Bennett đã tuyên thệ nhậm chức vào giữa tháng 6, kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu – người được biết đến là có mối quan hệ nồng ấm với Moscow.

Mặt khác, ông Bennett được coi là người sẽ nghiêng về phía Mỹ và ông Lerman nói rằng điều đó sẽ không theo ý muốn của Moscow.

“Chính phủ mới của Israel vẫn chưa thiết lập được các mối quan hệ nồng ấm và hiệu quả mà ông Netanyahu xây dựng một cách chậm rãi và tỉ mỉ” – theo ông Lerman: “Tuy nhiên, ông Lapid và ông Bennett có thể sử dụng sự hợp tác giữa Nga – Israel để đối thoại với Moscow. Bên cạnh đó, có những người trong chính phủ Israel hiện tại vốn tích cực thiết lập sự phối hợp với Nga sẽ giúp mở rộng mối quan hệ giữa 2 nước trong tương lai”.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.