Cao đến… nghẹt thở
Từng tạo sóng trên thị trường mỹ thuật thế giới, tranh Đông Dương được xem là kênh đầu tư thứ cấp nhiều tiềm năng khi hàng loạt tác phẩm vượt ngưỡng triệu USD. Tuy nhiên, sau thời gian dài định hình giá trị thì gần đây, giá tranh Đông Dương đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tháng 4/2017 là thời điểm bước ngoặt đánh dấu bức tranh đầu tiên của họa sĩ Việt Nam vượt ngưỡng triệu USD. Đó là bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của danh họa Lê Phổ trong phiên đấu của hãng Sotheyby’s Hồng Kông với giá gõ búa trên 1,1 triệu USD.
Tác phẩm này được Lê Phổ vẽ trong khoảng thời gian 1937 - 1939, với chất liệu gồm mực và bột màu trộn keo trên vải bố, kích thước 82 x 66cm. Bảng màu mềm mại tươi sáng được danh họa sử dụng nhằm thể hiện nét thanh bình và dịu dàng, truyền tải nét đẹp về cuộc sống và con người Việt Nam, nhấn mạnh về hạnh phúc gia đình.
Ngay trước thời điểm đấu giá, giới chuyên gia nhận định rằng “Family Life” hấp dẫn về mặt hình ảnh, là bức lụa tinh xảo, đỉnh cao trong sự nghiệp của Lê Phổ. Tác phẩm mô tả khoảnh khắc thân mật trong một ngày nhàn nhã, tập trung vào hình ảnh người mẹ và đứa con. Trong khi đứa trẻ ngoan ngoãn ngả đầu vào lòng mẹ, ôm chặt đầu gối mẹ, người mẹ nghiêng đầu xuống, nắm tay và xoa đầu con như một cách khen ngợi.
Bắt đầu từ đây, loạt tranh Đông Dương bắt đầu bứt phá về giá. Năm 2019, bức “Nude” (Khỏa thân) của Lê Phổ được bán với giá gần 1,4 triệu USD. Cùng năm này, tác phẩm “Les Désabusées” (Vỡ mộng) của Tô Ngọc Vân được gõ búa với hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 400% so với mức sàn.
Năm 2021, tác phẩm “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ được ví như “bom tấn” trên thị trường mỹ thuật Đông Dương khi đạt mức giá 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá tại Hồng Kông. Cùng trong năm 2021, Mai Trung Thứ còn 2 tác phẩm khác có mức giá ngất ngưởng, là: Người phụ nữ đội nón lá bên sông (1,5 triệu USD), Chơi đàn nguyệt (trên 1 triệu USD).
Họa sĩ Lê Quốc Lộc với tác phẩm “Phong cảnh Phnom Penh” bán với giá 1,21 triệu euro (gần 1,4 triệu USD) vào tháng 10/2021. Phạm Hậu với bức tranh “Golden Sunset over Halong Bay” (Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long) được gõ búa 1,24 triệu USD.
Đồng thời, bức “Phong cảnh thuyền buồm” của ông cũng được chốt ở mức giá 1 triệu USD tại nhà đấu giá Aguttes. Bên cạnh đó, ông còn 2 tác phẩm đắt giá khác, là: Cảnh ngôi chùa cổ (1 triệu USD), và bình phong sơn mài “Chín con cá chép trong hồ nước” bán với giá 1,168 triệu USD.
Có thể thấy những bức tranh từng gây nghẹt thở ở các phiên đấu có giá triệu USD chủ yếu thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm…
Họ là thế hệ đi đầu trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, khi chịu ảnh hưởng của 2 dòng văn hóa Á - Âu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của giai đoạn cuối hội họa hậu ấn tượng. Tranh của họ mang đậm dấu ấn dân tộc, từng tham gia và được đánh giá cao tại nhiều triển lãm quốc tế.
![Sau một thời gian tạo sóng ở các phiên đấu quốc tế, giá tranh Đông Dương hiện đang hạ nhiệt. vi-sao-gia-tranh-dong-duong-ha-nhiet-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/135cd7e6e8110f7a75dc5f0337f862b19a68454de85c3b6c71b82fa5b8ac6193ac1f2e7a1d6d34aaa38766ac34bc98b4873be240e66d0153dca03d064a828116a8904041fc31274acb4faf5c0a71469e/vi-sao-gia-tranh-dong-duong-ha-nhiet-1.jpg)
Đang dần mất giá?
Việc giá tranh Đông Dương lên cao đã thu hút đông đảo giới sưu tập thế giới, trở thành kênh đầu tư thứ cấp nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, mặt trái của thị trường mỹ thuật Đông Dương cũng kéo theo nhiều tiêu cực dẫn tới việc giá tranh Đông Dương dần hạ nhiệt.
Mới đây vào tháng 11/2024, Sotheby’s Hồng Kông rao bán 95 lô, trong đó có 13 tác phẩm của các danh họa Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… Theo ông Ace Lê - Giám đốc Điều hành của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam, trong 13 lô tranh Việt thì có 12 lô được gõ búa.
1/3 trong số này có giá gõ búa vượt giá trần ước tính, số còn lại đều nằm trong hoặc rất sát khoảng giá sàn - trần ước tính. Cao nhất là tác phẩm “Tâm sự (Confidence)” được Lê Phổ vẽ khoảng 1941 - 1942 bằng mực và bột màu trên lụa, được gõ búa với giá 4,8 triệu HKD (hơn 600.000 USD).
Quan sát phiên đấu này, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng đó là một phiên đấu thất bại của Sotheby’s. Với mức giá ước lượng từ 5 – 7 triệu HKD, kết quả chỉ bán 4,8 triệu HKD đối với tác phẩm “Confidence” của Lê Phổ là một thất bại bất ngờ. Bởi vì với chất lượng và xuất xứ của bức tranh này, việc bán hơn 1 triệu USD cũng là điều có thể.
“Lý giải sự thất bại này có nhiều lý do, trong đó có chuyện giám tuyển định giá sai thời điểm, cơ chế tài chính của Hồng Kông không còn như trước đây, nên kém thu hút các nhà đầu tư - đầu cơ quốc tế”, ông Lý Đợi nhấn mạnh.
![Tác phẩm 'Tâm sự (Confidence)' của Lê Phổ được đấu giá mới đây tại Sotheby’s Hồng Kông có giá gõ búa chỉ 4,8 triệu HKD (hơn 600.000 USD). vi-sao-gia-tranh-dong-duong-ha-nhiet-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/135cd7e6e8110f7a75dc5f0337f862b19a68454de85c3b6c71b82fa5b8ac6193ac1f2e7a1d6d34aaa38766ac34bc98b4b028c9c09dbb8089bb49e1dbad5960a1a8904041fc31274acb4faf5c0a71469e/vi-sao-gia-tranh-dong-duong-ha-nhiet-2.jpg)
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến giá tranh Đông Dương hạ nhiệt chính là nạn tranh giả, tranh nhái. Ngay từ khi tranh Đông Dương lên giá, nạn tranh giả đã xuất hiện khiến tranh Đông Dương rơi vào vòng xoáy bất an. Loạt tranh giả của các danh họa bị làm giả, giả từ tranh đến chữ ký, từ lạc khoản đến dấu triện. Nhiều tranh giả do mối quan hệ lợi ích nào đó đã chễm chệ lên sàn đấu giá, rồi cứ thế quay vòng.
Một nguyên nhân nữa khiến tranh Đông Dương hạ nhiệt là việc đẩy giá tranh lên cao. Sự việc này rất giống với hiện tượng đẩy giá bất động sản gần đây, người tham gia đấu giá đẩy giá lên tận mây xanh rồi bất ngờ bỏ cọc. Sự việc đẩy giá tranh Đông Dương từng được chuyên gia Charlotte Agutte – Reynier của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) lên tiếng và cảnh báo “có thể giết chết thị trường, giết chết giá trị thực của hội họa Đông Dương”.
“Sưu tập tranh Đông Dương đồng nghĩa với việc phải có tiềm lực kinh tế mạnh, hiểu biết sâu sắc mỹ thuật, am tường thị trường. Tuy nhiên giữa vấn nạn tranh giả, nhà sưu tập cần thận trọng hết sức để tự bảo vệ mình, cần có sự hỗ trợ của giám tuyển và các nhà nghiên cứu trước những nghi vấn. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác vì có thể chính giám tuyển hoặc nhà nghiên cứu lại thông đồng với kẻ làm tranh giả để bán ra một bức tranh nhiều nghi vấn với lợi nhuận khổng lồ” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.