'Ông lớn' nghệ thuật muốn đặt chi nhánh tại Việt Nam

GD&TĐ - Không chỉ có các phiên đấu giá về nghệ thuật Việt Nam, các hãng đấu giá quốc tế uy tín còn bổ nhiệm các chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật Việt.

Hiện, 3 hãng đấu giá là Sotheby’s, Christie’s và Phillips đã có đại diện tại Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.
Hiện, 3 hãng đấu giá là Sotheby’s, Christie’s và Phillips đã có đại diện tại Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.

Thậm chí, ý định về việc đặt chi nhánh tại Việt Nam cũng đang được tiến hành.

Millon lập chi nhánh tại Việt Nam?

Trong vài năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam khởi sắc với hàng loạt tranh của các danh họa thời kỳ Đông Dương được lên sàn đấu giá quốc tế, được giới sưu tầm săn lùng trả giá đến triệu USD.

Tuy nhiên, đó có thể chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ mới khi các “ông lớn” của nghệ thuật quốc tế hướng đến thị trường Việt Nam.

Ngày 7/11, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết, Tổng Giám đốc nhà đấu giá Millon (Pháp) – ông Alexandre Millon đã đến Việt nam và làm việc với một số địa điểm liên quan đến mỹ thuật tại TPHCM.

“Họ muốn khai thác thị trường đấu giá, nhưng đang tìm hiểu tình hình và xem xét luật pháp tại Việt Nam”, ông Khôi tiết lộ.

Nhắc đến nhà đấu giá Millon, giới nghệ thuật không khỏi liên tưởng đến sơn mài của Lê Quốc Lộc hoặc của Phạm Hậu, hay mới nhất là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng, với những mức giá hàng triệu euro.

Sự kiện Tổng Giám đốc nhà đấu giá Millon đến Việt Nam được giới nghệ thuật trong nước và khu vực rất quan tâm, bởi có thể sẽ tạo ra những bước ngoặt về giá tranh, tạo động lực thúc đẩy thị trường nghệ thuật bắt kịp xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, việc ông Alexandre Millon có ý định thành lập chi nhánh tại Việt Nam hay không vẫn chưa được tiết lộ.

Theo ông Ngô Kim Khôi, hiện luật pháp Việt Nam - nhất là đối với vấn đề ngoại tệ và thuế đang có nhiều vấn đề có lẽ khó phù hợp với một hãng đấu giá nghệ thuật nước ngoài.

Tuy vậy, chúng ta có thể nghĩ các nước láng giềng như Trung Quốc hay Singapore làm được, thì tại sao chúng ta không thể? “Tất nhiên phải có lợi thì người ta mới làm, và phải nghĩ đến cái lợi cho cả hai bên mới có thể thỏa thuận làm ăn.

Ở đâu cũng thế, thị trường nào cũng thế, không riêng gì mỹ thuật. Việc hãng đấu giá Millon có đặt được chi nhánh tại Việt Nam hay không cũng phải đảm bảo lợi ích từ cả hai phía”, ông Khôi cho biết.

Phân tích về việc một hãng đấu giá nghệ thuật đặt chi nhánh tại Việt Nam, chúng ta sẽ có lợi gì? Theo ông Khôi, sẽ có rất nhiều lợi ích: Thị trường mỹ thuật thuận lợi, các nước có thể đến Việt Nam tham gia đấu giá, mỹ thuật trở nên minh bạch hơn và nguồn ngoại tệ từ những phiên đấu giá sẽ là không nhỏ.

Giới chuyên gia còn cho rằng, lợi ích lớn hơn đó là vấn đề thương hiệu và động lực thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam. Khi hãng đấu giá lựa chọn một quốc gia nào đó để đặt chi nhánh, nghĩa là quốc gia đó phải có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, có tiềm năng lớn về tài sản tác phẩm nghệ thuật, mà Singapore, Hồng Kông hay Pháp là một ví dụ.

Khi cuộc đấu giá diễn ra, không phải chỉ có các nhà sưu tập trong nước tham gia mà kéo theo hệ thống các nhà sưu tập toàn thế giới. Từ các cuộc đấu giá này, nghệ thuật Việt sẽ lan xa và định hình được thương hiệu quốc gia.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và ông Alexandre Millon - Tổng Giám đốc nhà đấu giá Millon.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và ông Alexandre Millon - Tổng Giám đốc nhà đấu giá Millon.

Tín hiệu vui nhưng là bài toán khó!

Không chỉ bây giờ các “ông lớn” của nghệ thuật quốc tế mới hướng đến Việt Nam, năm 2022 Sotheby’s - nhà đấu giá lớn nhất thế giới với gần 280 năm tuổi, doanh thu hơn 7 tỷ USD đã bổ nhiệm nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê - chuyên gia người Việt đầu tiên giữ vai trò là Giám đốc Điều hành của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam.

Ngay sau đó, Sotheby’s đã đưa ra động thái kích cầu thị trường nghệ thuật Việt thông qua 2 triển lãm “Hồn xưa bến lạ” tại Park Hyatt Saigon giới thiệu 56 tác phẩm của “bộ tứ Paris” trong tháng 7/2022 và “Mộng Viễn Đông” diễn ra vào tháng 8/2023.

Chỉ với 2 triển lãm này, Sotheby’s đã gây tiếng vang khi thu hút hàng nghìn người Việt kéo đến thưởng lãm những tác phẩm, mà có lẽ cuộc đời họ chưa bao giờ được cơ hội tận mắt thấy.

Trong tình thế Sotheby’s đã nhanh chân đến trước, hãng Christie’s sau đó cũng loan tin về việc tìm nhân sự địa phương cho vị trí đại diện tại Việt Nam. Và mới đây, nhà đấu giá Christie’s đã bổ nhiệm Tổng Giám đốc tại

Campuchia – Lào - Thái Lan và Việt Nam, đồng thời bổ nhiệm bà Crystal Lam làm cố vấn tại Việt Nam. Những cuộc bổ nhiệm này nhằm mục đích tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường mới nổi quan trọng ở Đông Nam Á. Đồng thời, việc bổ nhiệm bà Crystal Lam với tư cách là cố vấn tại thị trường Việt Nam sẽ thúc đẩy tiềm năng cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc đấu giá trên toàn cầu.

Ngay sau khi nhà đấu giá của Anh là Christie’s bổ nhiệm nhân sự mới, nhà đấu giá Phillips của Mỹ cũng thông báo bổ nhiệm bà Trần Lan Vy trở thành chuyên gia cố vấn đại diện Phillips tại Việt Nam. Trong thông cáo của hãng đấu giá này xác định, Việt Nam là một thị trường rất quan trọng trong khu vực khi việc sưu tầm ở Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng.

Nhà đấu giá Sotheby’s vận chuyển tranh cho một triển lãm tại Việt Nam.

Nhà đấu giá Sotheby’s vận chuyển tranh cho một triển lãm tại Việt Nam.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ba hãng đấu giá lớn nhất thế giới đã có đại diện tại Việt Nam, một hãng đấu giá đang khảo sát thị trường. Đây vừa là tín hiệu vui nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán khó, cần khắc phục ngay các lỗ hổng – đặc biệt là việc thực thi vấn đề bản quyền.

Phải biết rằng, hội họa thời kỳ Đông Dương có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới sưu tập quốc tế, kéo theo đó là giá tranh lên tới cả triệu USD. Sức hấp dẫn về tiền bạc đã kéo theo hoạt động tranh giả, tranh nhái diễn ra ào ạt. Bài toán ở đây chính là việc Việt Nam phải ngăn chặn được nạn tranh giả để “dọn đường” cho một thị trường sạch nếu muốn giữ chân các “ông lớn”.

Ngày 6/12/2018, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh chính thức hoạt động tại 29 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thế nhưng sau hơn 4 năm, trung tâm này chưa nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào – do người mang tranh đến hầu hết chỉ để thăm dò, không phải để giám định cụ thể. Điều này cho thấy, người sở hữu tranh không hẳn thờ ơ với nạn tranh giả nhưng chưa đề cao vấn đề bản quyền, cũng như chưa sẵn sàng tâm lý khi đối mặt với sự thật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.