Vì sao động vật nhận nuôi con của loài khác?

GD&TĐ - Trong thế giới động vật, việc nhận nuôi con mang nhiều lợi ích về tiến hóa nhưng cũng có thể do các yếu tố khác.

Khỉ đột thống trị muốn bảo vệ con non khỏi bị giết hại.
Khỉ đột thống trị muốn bảo vệ con non khỏi bị giết hại.

Trong thế giới động vật, việc nhận nuôi con mang nhiều lợi ích về tiến hóa nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như lòng đồng cảm, mong muốn chăm sóc con non hay thiếu kinh nghiệm.

Lợi thế tiến hóa

Việc nhận nuôi con là hành động phổ biến trong thế giới loài người. Những người nhận con nuôi có nhiều lý do khác nhau liên quan đến khả năng sinh sản hoặc hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, hành động này cũng phổ biến trong thế giới của động vật.

Lý giải cho hành động trên ở con vật, ông Michael Weiss, nhà sinh thái học hành vi kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cá voi, Washington, Mỹ, cho rằng hành động chăm sóc con vật sơ sinh mồ côi và không có quan hệ họ hàng diễn ra có thể vì mang lại lợi thế tiến hóa cho cha mẹ nuôi.

Đơn cử, việc nhận con nuôi có thể mang lại những kinh nghiệm chăm sóc quý giá cho những con cái chưa sinh con và giúp tăng cơ hội sống sót cho các con non trong tương lai. Hành vi nhận con nuôi có thể xảy ra trong cùng loài hoặc giữa các loài khác nhau dù trường hợp này cực kỳ hiếm.

Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí eLife năm 2021, các nhà khoa học đã đánh giá tác động của việc mất mẹ đối với khỉ đột núi (Gorilla beringei) và phát hiện, những con mồ côi trên 2 tuổi đã hình thành mối quan hệ gắn bó với các thành viên khác trong đàn, nhất là với con đực thống trị.

Theo ông Robin Morrison, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà sinh thái học tại Đại học Zurich, Thuỵ Sĩ, khỉ đột núi sống theo đàn, thường gồm một con đực thống trị và vài con cái và các con non. Bất kể con đực thống trị có phải cha của những con non hay không thì vai trò của nó vẫn là bảo vệ thế hệ sau khỏi bị những con đực đối thủ giết hại.

Một con khỉ đột con thường ngủ trong tổ cùng mẹ ruột của nó vào ban đêm. Nếu con khỉ đột mẹ đột ngột chết hoặc bỏ đi, nó sẽ ngủ cùng tổ với con đực thống trị.

“Những con đực giỏi việc chăm sóc con non. Nếu làm điều này trước mặt con cái, chúng sẽ được yêu thích. Chăm sóc một con non mồ côi có thể mang lại điểm cộng cho con đực thủ lĩnh, từ đó tăng cơ hội giao phối và di truyền gen”, ông Robin Morrison cho biết.

Những con khỉ đột núi cái trong đàn không trực tiếp hưởng lợi từ việc nuôi dạy con non mồ côi nhưng chúng cũng không tốn nhiều công sức vì con non trên 2 tuổi đã có thể tự kiếm ăn. Hơn nữa, những con non khác có thêm bạn bè để chơi cùng. Điều này giúp chúng nâng cao các kỹ năng xã hội.

Việc nhận con nuôi cũng phổ biến ở những loài linh trưởng khác và có thể giúp kết nối các đàn lại với nhau. Trong một nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports năm 2021, các chuyên gia đã ghi lại trường hợp đầu tiên về một loài vượn lớn, cụ thể là tinh tinh lùn cái (Pan paniscus), nhận nuôi con từ một đàn khác. Hai con tinh tinh được nghiên cứu có thể đã cho rằng hành vi này giúp chúng nâng cao địa vị xã hội trong nhóm trưởng thành.

Một khả năng khác là giống như con người, tinh tinh lùn cái thấy đồng cảm và yêu thích những con non mới sinh. Tuy nhiên, sự yêu thích này có thể gây ra những vụ bắt cóc và gây tử vong cho các con non nếu chúng bị cướp đi từ mẹ ruột trong những vụ xô xát. Các loài linh trưởng thường bộc lộ bản năng chăm sóc giống như con người khi thấy một em bé hoặc động vật nhỏ.

Cá voi sát thủ chăm sóc con của loài khác vì bản năng làm mẹ.

Cá voi sát thủ chăm sóc con của loài khác vì bản năng làm mẹ.

Bản năng làm mẹ

Tuy nhiên, theo ông Weiss, điều này còn đúng với nhiều loài động vật khác, trong đó có cá voi. Điều này đã được chuyên gia chứng thực trong thời gian nghiên cứu về cá voi sát thủ (Orcinus orca) ở vùng biển xung quanh Tây Bắc Thái Bình Dương và phía Tây Canada.

Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu ở Iceland lần đầu phát hiện một con cá voi sát thủ nhận nuôi một con cá voi hoa tiêu con (Globicephala). Đến tháng 6/2023, nhóm chuyên gia của dự án Cá voi sát thủ Iceland cũng bối rối trước một con cái khác có hành vi tương tự.

Ông Weiss cho biết, những trường hợp này là “bí ẩn lớn” vì giới nghiên cứu chưa từng thấy con trưởng thành của hai loài này giao tiếp với nhau. Điều này có thể mang nghĩa là cá voi sát thủ bắt cóc con của cá voi hoa tiêu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều này mang lại lợi ích gì cho cá voi sát thủ. Với cá voi sát thủ, việc sản xuất sữa tiêu tốn rất nhiều năng lượng và chúng phải cho con bú suốt 3 năm liên tiếp. Vì làm phân tán sự quan tâm và cạn kiệt nguồn lực của cá voi sát thủ mẹ, những con non được nhận nuôi cũng có thể gây ảnh hưởng đến chính con ruột.

Con nuôi và con ruột có thể tranh giành sự chú ý và mang lại kết quả tiêu cực. Trong một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Ethology, các nhà khoa học đã ghi lại trường hợp một con cái voi đầu dưa (Peponocephala electra) được một con cá heo mũi chai cái (Tursiops truncatus) nhận nuôi cùng lúc với con của chính nó. Con nuôi liên tục đẩy con ruột còn lại ra xa mẹ và khiến con ruột qua đời.

Giả thuyết là cá voi sát thủ cái có thôi thúc phải chăm sóc một con vật nhỏ vì nó cũng vừa mới sinh con. Bên cạnh đó là một số lý do như sự hiếu kỳ, tính xã hội cao hoặc thiếu kinh nghiệm. Sự thiếu kinh nghiệm có thể giải thích cho việc cá voi sát thủ quan tâm đến cá voi hoa tiêu và vô tình khiến bản năng làm mẹ đặt nhầm chỗ.

Ở những loài không phải động vật có vú, những bà mẹ thiếu kinh nghiệm có thể mắc sai lầm. Ví dụ, chim cu cu (Cuculus canorus) là loài ký sinh nuôi dưỡng, nghĩa là con cái đẻ trứng vào tổ của loài khác để đỡ tốn công chăm sóc. Những con chim cái trẻ tuổi thường dễ bị lừa chăm sóc con cho chim cu cu hơn so với những con lớn tuổi.

Nhìn chung, giới khoa học có thể giải thích phần nào những trường hợp nhận nuôi con trong thế giới động vật nhưng không thể hiểu hết hành vi này. Bởi lẽ nhiều loài động vật có bộ não lớn và phức tạp như con người nên chúng có nhiều lý do để thực hiện hành vi trên.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ