Cá chết trắng lồng, dân trắng tay
Từ giữa tháng 3 cho đến nay, hàng trăm hộ dân sống dọc sông Mã đoạn qua các huyện miền núi Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bất lực nhìn từng lồng cá chết trắng.
Cùng thời điểm này, nhiều đoạn nước sông đen kịt, bốc mùi hôi tanh bất thường, nhất là khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2, thuộc địa phận xã Điền Lư và Lương Ngoại (huyện Bá Thước).
Bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1965, trú phố Vận Tải, thị trấn Cành Nàng) buồn bã nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021 đã từng điêu đứng khi toàn bộ cá lồng nuôi cũng bị chết do nguồn nước ô nhiễm. Vào tháng 10/2023, chúng tôi được chính quyền hỗ trợ 30kg cá trắm cỏ để tiếp tục nuôi, giờ chúng chết hết, cả gia đình lại quay về tay trắng”.
Gia đình bà Hậu sống bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thuỷ sản trên sông Mã, vừa qua nước sông bỗng dưng đen kịt, cá lồng chết trắng, thủy sản trên sông cũng đang chết dần chết mòn khiến gia đình bà không còn nguồn sống.
Tương tự như gia đình bà Hậu, gia đình bà Nguyễn Thị Nga (trú khu phố Hồng Sơn, thị trấn Cành Nàng) có 3 lồng nuôi cá trắm cỏ. Sáng 28/4, cá bị ngạt khí chết hết. Gia đình mang cá đi bán với mong muốn vớt vát được ít vốn liếng.
“Cá chết nổi trắng lồng, không còn con nào, trong đó có 2 lồng cá to, trên 3kg/con. Năm ngoái, tôi không thu hoạch mà để dành năm nay bán để lấy tiền trả nợ. Giờ thì trắng tay hết rồi, nợ lại thêm nợ”, bà Nga xót xa.
Cũng theo bà Nga, bình thường bán một con trắm cỏ được hơn 200.000 đồng, giờ bà bán cả xe kéo tay cá chưa được một triệu đồng.
Theo thống kê, tính đến chiều 4/5, toàn huyện Bá Thước đã có 231 lồng cá của 175 hộ dân ở 8 xã, thị trấn bị chết, với tổng khối lượng hơn 13,1 tấn. Còn tại huyện Cẩm Thủy có gần 1 tấn cá lồng của 21 hộ dân xã Cẩm Thành bị chết.
Sau khi xảy ra hiện tượng trên, ngành chức năng Thanh Hóa đã kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, chỉ số oxy hòa tan đo được tại thời điểm có hiện tượng cá chết thấp hơn ngưỡng thích hợp; các chỉ số mẫu nước đều có giá trị trong giới hạn cho phép; không phát hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên 3 mẫu cá yếu và cá chết.
Đối với mẫu phân tích nước sông Mã lấy ở nhiều thời điểm, nhiều vị trí khác nhau do Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT Thanh Hóa) thực hiện, kết quả phát hiện hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn mức bình thường, và một số vị trí trên sông Mã nước có chất lượng thấp, không đảm bảo môi trường sống cho các loài thủy sản. Sở TN&MT Thanh Hóa cũng không loại trừ khả năng nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.
Trong vòng gần 2 tháng, có hơn 14 tấn cá lồng của người dân hai huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ bị chết. |
Người dân bất lực trước việc cá chết không rõ nguyên nhân. |
Tìm nguyên nhân nước sông đổi màu đen
Điều đáng nói, nhiều ngày qua, nước sông Mã qua lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 đang đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi tanh. Nhìn từ trên cao, màu nước dòng sông Mã trông không khác gì sông Tô Lịch - dòng sông ô nhiễm của Hà Nội.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa (thuộc Sở TN&MT Thanh Hóa) cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu nước cho thấy ở nhiều vị trí khác nhau nguồn nước sông Mã đang rất xấu, có nồng độ chất gây ô nhiễm cao.
Từ khi phát hiện cá chết đến nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa đã tiến hành nhiều đợt, lấy tổng cộng 15 mẫu nước trên sông Mã chảy qua địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Điền Lư, Ái Thượng, Hạ Trung và thị trấn Cành Nàng để xét nghiệm, phân tích nhằm tìm nguyên nhân cá chết.
Kết quả, có 14/15 mẫu nitơ chỉ đạt mức C (chất lượng nước xấu; hệ sinh thái trong nước có hàm lượng oxy hòa tan giảm mạnh do chứa một số lượng lớn các chất ô nhiễm); 3/15 mẫu thông số BOD5 đạt mức C; một mẫu thông số COD đạt mức C.
Đặc biệt, có 7/15 mẫu chỉ số DO (oxy hòa tan) chỉ đạt mức D chất lượng nước rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao); 3/15 mẫu chỉ số BOD5 ở mức D; 2/15 mẫu chỉ số COD ở mức D; và 1/15 chỉ số nitơ ở mức D.
Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cũng cho biết, từ kết quả nói trên cho thấy đa số các khu vực kiểm tra hàm lượng oxy hòa tan thấp, có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu COD, BOD5, tổng nitơ. Tuy nhiên, kết quả phân tích các mẫu nước lại không phát hiện các hóa chất độc hại và kim loại nặng.
Trước tình trạng trên, Sở TN&MT Thanh Hóa đã có văn bản cảnh báo các huyện có sông Mã chảy qua như: Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc cảnh giác để tránh thiệt hại đến tài sản của người dân, và có biện pháp truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm.
Người dân đang nỗ lực cứu những con cá còn sót lại. |
Theo Sở TN&MT Thanh Hóa, không loại trừ khả năng ô nhiễm do chất thải công nghiệp, nên đề nghị các địa phương giám sát thường xuyên sự thay đổi chất lượng nguồn nước sông Mã, kịp thời phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước.
Cùng đó, thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản di chuyển các lồng nuôi cá đến nơi an toàn hoặc vào ao nuôi trên bờ; kiểm tra, rà soát chặt chẽ các nguồn chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, canh tác của nhân dân, nghiêm cấm xả chất thải trái phép ra sông Mã.
Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết, sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết, nước sông Mã đổi màu bất thường, UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra và đã làm việc với cơ quan công an để xây dựng phương án tìm ra nguyên nhân sông Mã bị ô nhiễm. Đồng thời lên phương án hỗ trợ người dân có cá bị chết.