Vi phạm rừng phòng hộ - đặc dụng ở Sóc Sơn (Hà Nội): Chủ tịch thành phố yêu cầu xử lý nghiêm

GD&TĐ - Hàng chục hécta rừng phòng hộ - đặc dụng tại huyện Sóc Sơn bị phá để xây dựng biệt thự, khu nghỉ dưỡng trong hơn một chục năm qua; trong khi chính quyền địa phương vẫn loay hoay tìm cách tháo gỡ…  

Khu vực rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn đang bị băm nát để xây dựng các dinh thự, biệt thự
Khu vực rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn đang bị băm nát để xây dựng các dinh thự, biệt thự

Dư luận đang chờ những hành động kiên quyết, “nói đi đôi với làm” của chính quyền Hà Nội, nhằm lập lại kỷ cương, phép nước.

Điểm tên sai phạm

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí có 25 trường hợp mua bán, chuyển nhượng đã tiến hành xây dựng và có chứng thực của chính quyền xã. Khu vực lòng hồ Đồng Đò cũng bị một số cá nhân san lấp, lấn chiếm xây dựng. Điều đáng nói là UBND huyện Sóc Sơn, bằng nhiều văn bản, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo xã Minh Trí, đội Thanh tra xây dựng huyện yêu cầu các chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng, đình chỉ mọi hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, vin vào nhiều lý do, những cơ quan này đã buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều sai phạm.

Không chỉ riêng ở xã Minh Trí, hàng chục héc ta rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) cũng bị xẻ thịt, tự ý chuyển đổi sai mục đích để làm khu sinh thái, nghỉ dưỡng, xây dựng homestay, nhà vườn...

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, dọc tuyến đường vào thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, biển chỉ dẫn của những khu nhà vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay được cắm tràn lan, công khai, có cả số điện thoại để khách hàng dễ liên lạc. Muốn vào những khu vực trên, con đường dễ dàng, sạch đẹp nhất là đi qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội.

Di chuyển qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội khoảng 2km sẽ là một “thiên đường” của những hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái như: The Choai Villa Sóc Sơn; The Homie Sóc Sơn; The Moonlight Sóc Sơn; Khu sinh thái Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn; Nhà bên rừng U-LESA; Trà hoa viên Sóc Sơn... Đó là chưa kể đến hàng chục khu nhà vườn sang trọng được xây dựng nằm ven rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường.

Cùng với những khu homestay đã được hoàn thiện, hoạt động xây dựng vẫn diễn ra rầm rộ. Ven rừng, trên sườn đồi, trước đó là cây xanh giờ được san ủi, đào lấp tạo thành những ô đất trống, căng dây để chuẩn bị xây dựng. Đáng kể nhất trong số đó là khu The Choai Villa Sóc Sơn… Theo người dân địa phương, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ khu vực thôn Lâm Trường là khoảng hơn 100ha; chưa có bất kỳ khu dịch vụ nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thành phố quyết liệt?

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội hôm 30/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đối với các vi phạm trật tự xây dựng tại các xã Minh Phú, Phú Cường, Phù Lỗ, Minh Phú, Minh Trí, huyện đã tập trung giải quyết. Cụ thể, phát hiện 27 công trình xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí. 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất quy hoạch là rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. UBND huyện đã chỉ đạo thiết lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu UBND các xã đình chỉ thi công, chỉ đạo UBND xã Minh Phú xử lý công trình vi phạm xong trong tháng 11 năm 2018.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn thừa nhận, các cấp ủy đảng, chính quyền một số xã còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa quyết liệt trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tiến độ xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra như các xã: Phú Minh, Tiên Dược, Kim Lũ, Xuân Thu...

“Liên quan đến các sai phạm ở các xã như Phú Minh, huyện đã tập trung xử lý rất nhiều các công trình. Trong năm 2017 đã kỷ luật 6 cán bộ của 6 xã trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch do để xảy ra vi phạm đất rừng” - ông Tuấn cho biết.

Liên quan tới 2 công trình vi phạm ở Việt Phủ Thành Chương và nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đây là 2 trường hợp đã được nêu trong Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, đây là “hai vi phạm rất lớn”, cần sự phối hợp của cả Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. “Trong thẩm quyền, huyện Sóc Sơn không thể tự giải quyết. UBND huyện đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xin ý kiến về phương án xử lý đối với hai trường hợp này…” - ông Tuấn thông tin.

Phát biểu tại phiên họp giao ban công tác UBND TP Hà Nội tháng 10/2018, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm 27 công trình vi phạm ở rừng đặc dụng Sóc Sơn. Chủ tịch Hà Nội nêu rõ các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NN&NT và huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế trong tháng 12, không được để công trình vi phạm mới nào tồn tại.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Trước tiên, ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra TP thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”.

Trước đó, ngày 22/10, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí (huyện Sóc Sơn) và Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc quản lý, sử dụng rừng giai đoạn từ năm 2008 - 2018. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày, bắt đầu từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đến ngày 26/10, Ban Thường vụ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, đã thống nhất tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú do có liên quan đến vi phạm về đất rừng phòng hộ trong vòng 30 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.