Dùng vi nấm để tuyến trùng ký sinh
Cà phê, hồ tiêu là những loại cây công nghiệp quan trọng, có giá trị kinh tế cao của tỉnh Đắk Lắk. Trên cây cà phê, hồ tiêu có nhiều loại tuyến trùng gây hại. Trùng Pratylenchus coffeae là loài có quan hệ mật thiết với nấm Fusarium oxysporum gây bệnh rễ cho cà phê vối và cà phê chè. Pratylenchus coffea và
Furarium oxysporum là tác nhân gây bệnh chính trên các vườn cà phê già cỗi và cà phê tái canh. Meloidogyne là tuyến trùng phổ biến và gây hại nghiêm trọng trên cây hồ tiêu. Hàng năm có hàng ngàn hecta hồ tiêu bị chết do tuyến trùng.
Để phòng trừ tuyến trùng, người dân thường sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật như Furadan, Marshal, Oncol, Nokap, Regent... Việc sử dụng thuốc tuy có làm giảm mật số tuyến trùng nhưng vườn cây vẫn bị bệnh và phải sử dụng thuốc liên tục.
Việc dùng thuốc hóa học không mang lại hiệu quả cao và dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, mất cân bằng hệ sinh vật và vi sinh vật đất, làm bột phát các dịch bệnh khác, ảnh hưởng môi trường, tạo tồn dư thuốc trong nông sản.
Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam và các cộng sự tại Trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu “Giải pháp ứng dụng công nghệ vi nấm trong quản lý tuyến trùng gây hại trên cây trồng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững”.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, nghiên cứu các biện pháp sinh học để phòng trừ tuyến trùng, tạo ra sản phẩm phù hợp với nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường; chọn lọc vi sinh vật bản địa tại Đắk Lắk có tính kí sinh cao trên tuyến trùng và đối kháng với nấm để phòng trừ tuyến trùng một cách hiệu quả và bền vững trong điều kiện địa phương.
Trong số các vi sinh vật đối kháng tiêu diệt tuyến trùng, nấm có tiềm năng cao và đóng vai trò quan trọng. Có hơn 150 loài nấm có khả năng kí sinh trên tuyến trùng.
Phương thức đối kháng của nấm với tuyến trùng, là: Ký sinh bắt buộc, ký sinh theo phương thức hình thành các bẫy bắt và ăn thịt; ký sinh cơ hội và đối kháng theo cơ chế nấm tiết ra độc tố ảnh hưởng đến tuyến trùng. Khả năng giăng bẫy bắt mồi của nấm tỷ lệ nghịch với tuổi tuyến trùng.
Để tăng hiệu quả ký sinh, giai đoạn sinh học hình thành bẫy thường trùng hợp với giai đoạn tuyến trùng xâm nhập vào cây và thời gian để nấm đạt được đỉnh sinh trưởng tạo bẫy khoảng 12 - 15 ngày sau mẫu phân lập nhiễm.
Xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Theo PSG.TS Nam cho hay, nấm ký sinh tuyến trùng được chọn lọc có các đặc điểm: Khả năng kí sinh tuyến trùng cao; có khả năng ký sinh trên nhiều loại tuyến trùng nhưng không kí sinh trên thực vật; sinh trưởng tốt trong ngưỡng pH và nhiệt độ rộng; có thể nuôi cấy trong môi trường nhân tạo; xác định và biết được cơ chế tác động; có thể phát triển thành các dạng sản phẩm thương mại.
Nấm Trichoderma harzianum được ghi nhận là đối kháng nấm gây bệnh cây và cũng được xác định là có khả năng kí sinh tuyến trùng. Verticillium lecanii, Metarhizium là nấm được biết nhiều về đặc tính kí sinh côn trùng cũng ghi nhận kí sinh trên tuyến trùng.
Kết quả nghiên cứu đã phân lập, sàng lọc và lựa chọn được 10 chủng nấm có khả năng kí sinh tuyến trùng. Xác định được môi trường PGA có thể nuôi cấy và giữ các chủng nấm gốc, các nấm này có khả năng sinh bào tử với mật số cao ở điều kiện nhiệt độ 28-30 độ C, pH từ 4,5-6 và điều kiện ánh sáng tự nhiên.
Các nấm này có thể nhân nuôi sinh khối trên môi trường hạt gạo trong điều kiện ngâm 20 giờ, bổ sung 0,5 % CaCO3 và 2mg vitamine B1/1kg gạo. Các nấm chọn lọc phát triển thành 2 chế phẩm có hiệu lực phòng trừ tuyến trùng là Vinana 1 và Vi sinh Huco.
Chế phẩm có thể bảo vệ cây cà phê, hồ tiêu cũng như các loại cây khác bị tuyến trùng tấn công.