Họ huấn luyện các loài lông vũ ăn thịt hung dữ như ưng, cắt, ó, diều hâu... biến chúng thành đội quân tiên phong trên chiến trường đồng ruộng.
Bất an thực phẩm
Tháng 10/2015 tại Nhà hàng Chipotle Mexican Grill ở California (Mỹ), 55 thực khách phải nhập viện vì ngộ độc, do ăn trúng thực phẩm nhiễm vi khuẩn E.Coli (trực khuẩn lị ký sinh đường ruột).
Tháng 4/2018, 5 người ở Yuma, Arizona (Mỹ) thiệt mạng vì món rau diếp bị nhiễm loại vi khuẩn này. Mặc dù chưa phát hiện nguồn lây E.Coli, mọi người vẫn đinh ninh tác nhân là động vật gặm nhấm hoang dã.
Theo ước tính của các chuyên gia, 60% các loại bệnh truyền nhiễm đã phát hiện ở người có nguồn gốc từ động vật. Chúng bao gồm các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm, lây từ động vật sang con người do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trung bình cứ có 4 bệnh mới, thì 3 bệnh là lây từ động vật.
Thực phẩm là một trong các con đường lây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Theo báo cáo từ Liên minh châu Âu (European Union - EU), trung bình mỗi năm đều có hơn 350.000 người EU mắc bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Trên phạm vi toàn cầu, con số này là 600 triệu ca/năm. Nó cũng lấy đi tính mạng của 420.000 người/năm, trong đó có 33% là trẻ em dưới 5 tuổi.
Chỉ đuổi chứ không diệt
Trên toàn cầu, người tiêu dùng đòi hỏi thực phẩm an toàn, đặc biệt là đối với các loại rau củ quả tươi sống. Đầu tiên, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn an toàn, thậm chí là không dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản.
Để đáp ứng tiêu chí thực phẩm sạch, các nông dân bắt buộc phải hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm hóa học trong trồng trọt. Khổ một nỗi, không thuốc diệt trừ thì lắm sâu bệnh. Củ quả sạch cũng thu hút động vật hoang dã ăn thực vật. Chúng vừa cướp phá nông sản, vừa có khả năng lưu lại các loài vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm trên cây trồng.
Vì cả lý do an toàn thực phẩm lẫn sản lượng thu hoạch, nông dân phải đuổi động vật hoang dã. Họ sử dụng rất nhiều cách, từ bẫy bắt giết đến chiếu đèn di chuyển tự động, phát loa các loại âm thanh đáng sợ như tiếng đạn đại bác, súng liên thanh...
Tuy nhiên, các loài gây hại chỉ bị đánh lừa trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng sớm quen bẫy và khôn khéo tránh, cũng không màng các âm thanh xua đuổi.
Sau nhiều thử nghiệm và thất bại, người trồng trọt ở California quyết định quay về giải pháp cổ điển nhất: Sử dụng chim săn mồi. Họ nuôi và huấn luyện các loài chim ăn thịt hung dữ như chim cắt, chim ưng, diều hâu... thả chúng ra canh đồng ruộng.
Trước trang trại nho tươi tốt ở California, Kalen Pearson - chuyên gia huấn luyện chim săn mồi thả con cắt lớn. Nó hùng dũng vỗ cặp cánh rộng, bay vút lên trên bầu trời.
Đang là mùa thu hoạch, các chùm nho hữu cơ khoe dáng vẻ căng mọng, tỏa hương thơm ngọt ngào. Những đàn sáo châu Âu yêu nho và nhiều loài chim khác sinh trưởng trong khu vực đua nhau bay vào đánh chén.
Ngay khi phát hiện mục tiêu, con cắt lớn phi vùn vụt xuống. Loài chim này có thể đạt tốc độ tối đa 390km/h. Sự xuất hiện bất ngờ và đầy uy lực của nó khiến đám chim phá vườn hốt hoảng bay tán loạn. Con cắt lớn truy đuổi kịch liệt, đến khi không còn một bóng chim gây hại nào.
Nhìn con cắt “tả xung hữu đột”, Pearson cười tươi như được mùa. Cô cho biết, nó đã được dạy kỹ lưỡng là chỉ đuổi chứ không giết chim hoang dã. Đây là chiến lược bảo vệ vẹn đôi bề, có lợi cho cả nông dân lẫn thiên nhiên.
Kết hợp công nghệ cao
Trong lịch sử nhân loại, chim săn mồi là loài được thuần hóa từ thời cổ đại. Người xưa dùng nó vào mục đích săn động vật hoang dã kích thước nhỏ và bảo vệ cây trồng.
Những năm 1940, một căn cứ không quân ở Scotland (quốc gia thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) đã huấn luyện chim ưng ngỗng đuổi chim mòng biển quanh quẩn gần đường băng, giúp máy bay hạ cánh an toàn. Nhiều thập kỷ sau đó, các sân bay ở châu Âu và Bắc Mỹ vẫn sử dụng biện pháp này dọn dẹp bầu trời.
Từ năm 1978, ngành nông nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ mới bắt đầu quan tâm dùng chim săn mồi bảo vệ thực vật. Họ thả chim ưng trên các cánh đồng ở Oxfordshire (Anh). Bước sang thập niên 1990, hoạt động huấn luyện và sử dụng chim săn mồi dần nở rộ. Tại California, hầu hết các vườn nho đều có “chiến binh bầu trời” tuần tra.
Ngày nay, những con chim trông vườn còn được trang bị công nghệ cao. Người nông dân đeo thiết bị định vị vào chân chúng, theo dõi và điều khiển bằng điện thoại thông minh. Họ cũng sắm thêm máy bay không người lái, hỗ trợ các “vệ sĩ của
cây trồng”.
Tháng 2/2018, chuyên gia an toàn thực phẩm Paula Rivadeneira (Mỹ) thuê một “biệt đội chim săn”, bảo vệ cánh đồng ở Arizona. Anh quan sát và phát hiện, tỷ lệ thành công của chúng cao đến 97%. Nhờ chúng, vụ mùa này thu lợi cao hơn vụ trước 1 triệu USD (khoảng 23,2 tỷ đồng).
Bên cạnh giải pháp thuê hoặc nuôi chim trông đồng, các nông dân ở nhiều nơi còn dùng mẹo thu hút chim săn mồi hoang dã, ví dụ như làm tổ nhân tạo cho chúng.
Ngoại trừ các loài chim ăn quả, vườn tược còn bị những loài thú gặm nhấm phá phách. Một con cú hoang có thể tiêu diệt cả ngàn con chuột mỗi năm. Nếu dụ được nó về vườn, chủ nông trại không cần lo tìm diệt chuột.
Khi các nhà sinh vật từ Đại học Bang Michigan (Mỹ) đặt chuồng mời chim cắt lùn trong các vườn cây ăn quả, họ thu được kết quả hết sức khả quan.
Tại các vườn nho ở New Zealand (quốc gia ở châu Đại Dương), chim cắt lớn hoang dã xua đuổi và loại bỏ 95% các loại chim gây hại. Tiếc là trong những thập kỷ gần đây, cách thức này bị các giải pháp hóa học soái ngôi.
Trên thực tế, nuôi và huấn luyện chim săn mồi thành các chiến binh trông vườn không hề dễ. Nó đòi hỏi chi phí cao và kinh nghiệm tối thiểu 7 năm.
“Tôi mong các nông dân sẽ quan tâm nhiều hơn, sau đó quyết định lựa chọn kiểu bảo vệ an toàn sinh thái này”, Pearson bày tỏ sự hy vọng. Bà cũng mới mở một trường huấn luyện và chăm sóc chim trông vườn ở Phoenix: Skywolf Inc. Tại đây, các học viên còn được hướng dẫn cả cách... giảm cân cho chim săn.