Vị hòa thượng Khmer hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Vị hòa thượng Khmer hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

(GD&TĐ) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Kh’leang, thuộc Khóm 5, Phường 6, TP Sóc Trăng đã có công lao nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, chùa Kh’leang được Bộ Văn hoá Thông tin( nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử. 

Ba mươi mấy năm qua, nhằm duy trì và nêu cao tinh thần yêu nước, dưới sự quản lí của Hoà thượng Tăng Nô, chùa Kh’leang đã nuôi dưỡng nhiều người già neo đơn được no ấm khi tuổi xế chiều; hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được học tập tốt và trở thành người có ích cho xã hội.

Hoà thượng Tăng Nô sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân Khmer, ở khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Như bao thanh niên Khmer khác, năm 1960, ông vào chùa Khleang tu học. Vốn là người cần mẫn, hiếu học nên chỉ sau 15 năm miệt mài học tập Pali, Vini ở nhiều chùa Khmer trong nước và Campuchia, ông được bà con phật tử, Ban quản trị chùa tấn phong làm Hoà thượng. 

Hòa thượng Tăng Nô đứng trên đất đã hiến xây trường Trung cấp Pali Nam bộ
Hòa thượng Tăng Nô đứng trên đất đã hiến xây trường Trung cấp Pali Nam bộ

Với tấm lòng từ bi bát ái, hiếu học, ông luôn quan tâm đến việc học tập của con em đồng bào Khmer trong tỉnh. Hằng năm có những học sinh, sinh viên Khmer ở trong tỉnh vì hoàn cảnh khó khăn định bỏ học, ông hay được là  nhanh chóng tìm mọi cách giúp đỡ, cho tá túc ở chùa và giúp một phần chi phí cho việc học tập. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường, học hành đến nơi, đến chốn.

 Nói về lòng nhân ái của Hoà thượng Tăng Nô, anh Tăng Ươl, cán bộ trường Trung cấp Pali Nam Bộ nói: “Hoàn cảnh tôi rất khó khăn. Mấy năm trước, nhờ Hoà thượng Tăng Nô giúp đỡ tiền bạc nên tôi mới có thể học xong lớp quản lí Thư viện 3 năm. Sau khi ra trường, Hòa thượng còn mua cho 1 chiếc xe gắn máy, nên tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng công tác tốt để không phụ lòng giúp đỡ của Hoà thượng”. 

Đồng cảnh ngộ có thầy Danh Mên, giáo viên trường Trung cấp Pali tâm sự: “ Tôi không cha mẹ. Sau khi xuất tu, tôi học lớp Cao đẳng sư phạm. Biết được hoàn cảnh, Hòa thượng Tăng Nô cho tá túc ở chùa. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Hoà thượng còn mua cho tôi một chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Ông bảo phải cố gắng làm việc thật tốt, giúp ích cho xã hội là xem như đã trả hết ơn nghĩa cho ông”.

Bây giờ chùa Khl’eang có rất nhiều phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đến xin cho con em mình tá túc để đi học. Bao nhiêu người cũng được Hoà thượng Tăng Nô vui vẻ đón nhận… Đầu năm học 2011- 2012, chùa Khleang tiếp nhận trên 30 em học sinh, sinh viên nghèo đến tá túc và được nhà chùa nuôi buổi cơm trưa.

Tâm sự với tôi, ông nói: “ Một đời tôi tu hành, luôn hướng theo chân lí tốt đạo, đẹp đời, nên tôi chỉ mong ước con cháu mình được học tập tốt, có kiến thức cao để giúp ích cho xã hội”. Không chỉ giúp học sinh, sinh viên nghèo khó khăn, Hoà thượng Tăng Nô còn cho nhiều người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn được tá túc, an dưỡng.

Nói về lòng từ bi, bát ái của Hoà thượng Tăng Nô, bác Lý Thị Sá Lý 81 tuổi nói: “ Hoàn cảnh tôi rất khó khăn, đơn chiếc, không có đất, nhà để ở. Nên gần 20 năm qua, tôi được Hoà thượng Tăng Nô cho 1 phòng trong chùa để tá túc lúc tuổi xế chiều. Tôi rất biết ơn tấm lòng cao cả của Hoà thượng”. 

Không chỉ nuôi dạy những học sinh, sinh viên khó khăn ở vùng sâu, vùng xa và giúp người già neo đơn, Hoà thượng còn vận động xây dựng 02 căn nhà tình thương cho người dân không có nhà ở, trị giá gần 20 triệu đồng/ căn.

Năm 2004, ông còn bàn bạc với Ban quản trị chùa thống nhất hiến đất 8.100m2 cho Trường Trung cấp Pali Nam bộ xây dựng kí túc xá và nhà hiệu bộ cho tăng sinh của trường. Hiện nay, Hòa thượng còn nuôi một đứa trẻ mồ côi bị cha, mẹ bỏ rơi trước cổng chùa lúc vừa mới lọt lòng và được mang tên là Đại Thắng. Sau 10 năm nuôi nấng và dạy dỗ, nay Đại Thắng đã trở thành một cậu học sinh lớp 4 rất ngoan hiền và học giỏi.

Giờ đây tuy Hòa thượng Tăng Nô tuổi ngoài “ thất thập cổ lai hy”, nhưng bằng sự nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, một lòng mong muốn “tốt đời đẹp đạo”, ông vẫn được tín nhiệm đảm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường BTVH Trung cấp Pali Nam bộ và Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng.

Khemring

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ