Vị Đình nguyên được tôn làm Thành hoàng làng khi còn sống

GD&TĐ - Khi làm Tuần phủ Thái Nguyên - Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân đem giống chè Phú Thọ về Tân Cương khiến người dân no ấm.

Khu lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân.
Khu lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân.

Khi làm Tuần phủ Thái Nguyên - Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân đem giống chè Phú Thọ về Tân Cương khiến người dân no ấm. Cảm ơn nghĩa của vị quan tốt, dân địa phương đã tôn ông làm Thành hoàng làng ngay khi còn sống.

Nguyễn Đình Tuân tự là Hữu Mai, sinh năm Đinh Mão (1867) tại làng Trâu Lỗ, tổng Mai Đình (nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, Hiệp Hòa - Bắc Giang). Làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, nên dân gian còn gọi Nguyễn Đình Tuân là ông Nghè Sổ.

Chẳng hàng Tam khôi cũng xứng Trạng

Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân.

Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân.

Theo tư liệu dòng họ, thân sinh ra ông là cụ Nguyễn Đình Khiêm - từng đỗ tú tài, đứng thứ hai khoa thi Hương năm 1864. Cụ Khiêm là một bậc nho học uyên thâm ngạch trực, nhân hậu, liêm khiết.

Từ nhỏ Nguyễn Đình Tuân đã nổi tiếng thông minh, việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa tuổi.

Ông học đâu nhớ đấy, tuy cùng học với các học trò của cha nhưng cứ vượt lên. Lên 6 tuổi học vỡ lòng bằng Tam tự kinh, học trò khác học ít nhất vài tháng, thậm chí trò dốt phải học hàng năm trời nhưng ông chỉ học xong trong 18 ngày, thuộc kỹ nhớ lâu.

Năm 14 tuổi ông đi khảo khóa đã đỗ. Năm 16 tuổi đi hạch phủ, học trò hai huyện đến hạch tất cả có 96 người, khi kéo bảng có 32 người đỗ, Nguyễn Đình Tuân đỗ thứ hai. Năm 18 tuổi ông bắt đầu sự nghiệp làm thầy đồ dạy trẻ. Năm 19 tuổi ông lại về hạch phủ, tất cả được 8 người, ông đỗ thứ hai.

Tháng 9 năm Đinh Dậu (1897) ông đi thi Hương đỗ cử nhân. Năm Tân Sửu (1901), ông dự thi Hội tại Kinh đô Huế. Cả 4 kỳ đều được phê điểm cao, kỳ Văn sách được phê 5 phân (điểm tối đa) quán trường (nhất trường thi) được dâng lên vua Thành Thái xem. Khoa thi Hội năm ấy, cả nước lấy được 9 Tiến sĩ.

Khi vào Kinh thi Đình (cuộc thi dành cho các Tiến sĩ mới đỗ), ông đỗ đầu - gọi là Đình nguyên. Thế nên dân gian mới có câu “chẳng hàng Tam khôi cũng xứng Trạng”.

Tương truyền, theo lệ tân khoa khi vào chơi vườn thượng uyển sẽ được hái một bông hoa. Ai hái bông nào, vua sẽ cho đánh bằng vàng to đúng bằng bông hoa thật để tặng. Hầu hết, các vị Tiến sĩ đều hái những bông hoa to như hồng, cúc đại đóa, dâm bụt… Riêng Nguyễn Đình Tuân chỉ hái bông hoa mai. Điều đó nói lên cốt cách cao quý, vì hoa mai là biểu tượng của các bậc quân tử.

Nguyễn Đình Tuân là vị Đình nguyên duy nhất của huyện Hiệp Hòa trong suốt chiều dài khoa bảng thời Nguyễn. Sau khi đỗ Đình nguyên, ông được bổ làm tri huyện Việt Yên. Chưa đầy 2 năm thì ông xin cáo quan về nghỉ vì bất đồng với viên Đại lý người Pháp. Năm sau, ông lại nhậm chức Giáo thụ Yên Bái. Sau đó, ông được đổi đi làm Đốc học Ninh Bình, rồi Đốc học Trường Quy Thức (Hà Nội).

Do ông có giao du kết bạn với các nhân sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục nên sau khi trường này bị giải thể thì Trường Quy Thức cũng bị giải tán, Nguyễn Đình Tuân lại về làm Đốc học Ninh Bình, sau lại đổi ra làm Đốc học Hà Đông. Thời gian này ông bị cái vạ “thủ bò” - thủ bò chi họa.

Ấy là năm 1910 gặp kỳ thu tế Đức Khổng Tử, nhận được giấy sức của Lễ bộ, Nguyễn Đình Tuân thông sức cho văn hội của mình đến tế tại Văn miếu. Tế xong, hội bàn chia phần, có người nêu ý kiến đặt cái đầu bò thui lên hương án sơn son thiếp vàng, rồi che lọng khiêng đến biếu quan Tổng đốc gọi là lộc thánh. Cụ Tuân nghe theo, viên Tổng đốc nhận lễ rất hài lòng.

Nhưng sau đó vài ngày ở cổng trường học của Nguyễn Đình Tuân xuất hiện một bài thơ “Vịnh thủ bò” ghi rõ nhờ gửi đến quan Tổng đốc. Nội dung bài thơ: Ơn nhờ cha mẹ được làm to/ Văn chương chữ nghĩa dốt như bò/ Thôi thôi thu xếp về đi chứ/ Ở lại làm chi chúng chửi cho.

Bài thơ đến tai Tổng đốc khiến viên quan này cay cú chờ dịp trả thù. Đầu năm sau nhân kỳ thăng thưởng, Tổng đốc vui vẻ báo tin cho Nguyễn Đình Tuân: Phủ Thống sứ đặc cách cử quan lớn lên làm Án sát Cao Bằng. Lên Cao Bằng được 3 tháng, ngán ngẩm về thói đời và để tránh họa, Nguyễn Đình Tuân cáo bệnh từ quan về làng dạy học và bốc thuốc.

Bài “Văn sách thi Đình”

Hằng năm, ngoài việc dòng tộc tổ chức lễ giỗ, nhân dân vùng Tân Cương (Thái Nguyên) cũng về khu lăng mộ thắp hương tưởng nhớ công ơn của vị Đình nguyên đã khai sáng giúp dân phát triển cây chè, trở thành một sản phẩm của vùng đất Thái Nguyên. Lăng mộ Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân đã xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

Là một vị Đình nguyên hay chữ, Nguyễn Đình Tuân nhiều trước tác thơ văn, soạn nhiều văn bia, câu đối cho các địa phương nơi mình nhậm chức. Tuy nhiên đến nay, hầu hết đã bị thất lạc.

Tác phẩm đồ sộ nhất của Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân để lại cho hậu thế là bộ sử mang tên “Đại Việt quốc sử cải lương” gồm 765 trang chữ Hán chia thành hai quyển, ghi lại lịch sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến đầu thế kỷ 20, được viết trong thời kỳ ông làm Đốc học Hà Đông (1911 - 1919).

Sách tuy chưa được xuất bản bằng tiếng Việt, nhưng các học giả đánh giá cao về giá trị của một bộ sử được biên soạn cuối cùng dưới thời phong kiến. Bộ sách này hiện được bảo quản tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu A1146/1 và A1146/2.

Một tác phẩm nổi tiếng khác của Nguyễn Đình Tuân là bài “Văn sách thi Đình” - nội dung trả lời vua về việc cai trị thiên hạ, đưa ra nhiều kế sách cho các bậc đế vương trị nước và cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực của xã hội đương thời. Lời đối sách đề cập đến nhiều lĩnh vực của xã hội, đây cũng là bài văn sách hiếm hoi còn sót lại, trong đó có đoạn:

“Dám thưa! Kẻ bề tôi từng nghe dùng hình phạt với dân và vẫn ẩn chứa điều thiện, dùng văn trị lại thuận theo thời thế để thi hành cho phù hợp là cách cai trị của các bậc thánh vương đời trước. Trộm nghĩ, bậc thánh vương phải tùy thời mà trị dân, nhưng cũng chỉ có hai vấn đề cốt yếu là dùng Hình luật và Giáo hóa.

Ôi! Cái nghĩa của chữ tùy thời lớn lao làm sao. Các bậc thánh vương nhân thời thế, thời cuộc mà định ra chính sách. Thiên hạ không công bằng thì lấy Hình luật mà làm cho cân bằng khoảng cách thấp cao. Phong tục chưa tốt thì Giáo hóa để ngày thêm thuần hậu. Phàm xem xét việc định ra kế trị nước và thi hành đạo trị nước, tất yếu phải biết tùy nghi, khéo léo ứng xử theo thời thế…

Hình luật là để đất nước bình yên... việc hưng thịnh hay rối loạn của đất nước đều ở tay người cầm quyền. Hình luật có chỗ khác nhau, quyền là do tình thế mà giữ cho cân. Nước tràn, lửa cháy có cách xử lý của nó. Cho nên dùng đức để cai trị, không câu nệ, không thiên lệch, thì cái đẹp của đức ấy tự làm cho xã hội không sinh ra cái tệ bè đảng...

Dựng nhà học, lại mời các danh nho đến dạy, thì dù không có phép tắc thời Tam đại, người ta vẫn kéo đến học một cách đông đảo, nhàn nhã. Thành tựu của sự học là đáng quý lắm. Sở dĩ đạo trị nước cần đề cao sự học cũng bởi nó làm cái gốc của thiên hạ thái bình vậy...”.

Bài 'Tự cổ danh sơn tú' do Nguyễn Đình Tuân sáng tác treo tại đền Y Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang).

Bài 'Tự cổ danh sơn tú' do Nguyễn Đình Tuân sáng tác treo tại đền Y Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang).

Thành hoàng làng của đất chè

Từ khi làm Giáo thụ tỉnh Yên Bái, rồi làm Đốc học nhiều tỉnh trong nhiều năm, Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là ông thầy hay chữ, có nhiều học trò đỗ đạt, đồng thời cũng nổi tiếng là người đức độ, vừa nghiêm khắc, vừa khoan hòa, lúc nào cũng giữ nhân cách thanh cao của một nhà Nho chân chính.

Sau một thời gian cáo quan về bốc thuốc và dạy học, ông lại nhận được lệnh làm Án sát Bắc Ninh. Ở đây một thời gian ngắn, ông lại bị đổi làm Án sát Thái Nguyên, sau lại kiêm chức Tuần phủ Thái Nguyên cho đến khi về hưu hẳn.

Chính trong thời gian này, ông được nhân dân xã Tân Cương lập làm “Thành hoàng sống”. Chuyện là thời ấy, vùng Tân Cương hoang vu rậm rạp, sơn nhiều địa ít, dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả mà làm nhiều ăn ít, thu nhập chẳng là bao, lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn khoai toàn sắn.

Trong tự truyện của Nguyễn Đình Tuân kể rằng, lúc đi nhậm chức Giáo thụ Yên Bái có qua thăm và nghỉ nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ vốn là bạn đồng khoa thi Hương, chắc vì thế mà ông biết giá trị của cây chè Phú Thọ nên đã cử người Tân Cương tới gặp để xin bạn giống chè.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân không chỉ là người khai lập làng xã, mà còn được coi là vị tổ nghề đối với cây chè Tân Cương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân không chỉ là người khai lập làng xã, mà còn được coi là vị tổ nghề đối với cây chè Tân Cương.

Cây chè Phú Thọ đem về Tân Cương có chất lượng khác hẳn, có hương vị riêng, không nơi nào có được. Chính đó là điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của cây chè Tân Cương. Đối với xã Tân Cương, ông Nghè Sổ không chỉ là người khai lập xã, cắm hướng đình và được thờ làm Thành hoàng, mà còn có thể coi là vị tổ nghề đối với chè Tân Cương.

Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân mất ngày 20/6 năm Tân Tỵ (14/7/1941). Học trò nghe tin báo, kéo về Trâu Lỗ khóc than thương tiếc. Ngày đưa tang, trời đổ mưa, đường làng lầy lội, nhiều học trò cũ đã làm quan lớn cũng đều mặc áo xô, lội bùn đi theo linh cữu, giữ trọn đạo thầy trò.

Hiện nay, lăng mộ cụ Nguyễn Đình Tuân vẫn được bảo tồn nguyên vẹn những kết cấu cơ bản từ khi khởi dựng với các hạng mục từ nghi môn nội, nghi môn ngoại, khu mộ và nhà bia, lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như bia đá thời Nguyễn ghi tiểu sử, công trạng của Nguyễn Đình Tuân, 2 tượng voi đá muối cùng sắc phong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.