Ông nghè Tự Tháp và ngôi trường Hồ Đình nổi tiếng Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Không chỉ để lại nhiều tác phẩm văn chương giá trị, góp phần phục hưng văn hóa dân tộc, nhà khoa bảng Vũ Tông Phan còn là nhà giáo đặc biệt của Thăng Long với ngôi trường Hồ Đình nổi tiếng.

Đền Ngọc Sơn – nơi in đậm dấu ấn của nhà khoa bảng Vũ Tông Phan.
Đền Ngọc Sơn – nơi in đậm dấu ấn của nhà khoa bảng Vũ Tông Phan.

Dốc tâm sức vào việc xây dựng ngôi đền và văn bia Ngọc Sơn (1843), lưu lại cho hậu thế công trình kiến trúc - văn hóa tuyệt tác, Vũ Tông Phan còn mở trường Hồ Đình ở thôn Tự Tháp nên được người đương thời gọi với cái tên đầy mến mộ - ông nghè Tự Tháp.

Kỳ tài Thăng Long

Chân dung Tiến sĩ Vũ Tông Phan do họa sĩ Bảo Nguyên phục dựng.

Chân dung Tiến sĩ Vũ Tông Phan do họa sĩ Bảo Nguyên phục dựng.

Năm 1855 mãn tang Vũ Tông Phan, môn sinh cùng con trai ông đã dựng nhà thờ ngay trên nền trường Hồ Đình. Năm 1873, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản lập bia thờ thầy tại từ đường thôn Tự Tháp, và soạn văn bia ghi ơn thầy: “Người đời thường nói: Chẳng nhọc nhằn vì cầu phú quý, chẳng buồn phiền vì nỗi nghèo hèn. Thầy ta như vậy đó; ơn tác thành của tiên sinh bao la như hồ nước long lanh, tựa khói trăng bàng bạc. Vẫn y nguyên vậy”.

Vũ Tông Phan, tự Hoán Phủ, hiệu Đường Xuyên và Lỗ Am, sinh năm 1800 ở làng Hoa Đường, huyện Đường An - sau đổi là làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng, Bình Giang - Hải Dương). Thuở nhỏ, Vũ Tông Phan theo cha dạy học ở các làng ven Thăng Long và xứ Đoài, cho đến khi đỗ Tú tài mới theo học cậu ruột là Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Thăng Long.

Với học vấn uyên thâm, năm 1826 Vũ Tông Phan đỗ Tiến sĩ. Tương truyền, đám rước vinh quy bái tổ của ông có đến 7 cờ biển vua ban. Cùng với Thần Siêu, Thánh Quát, Vũ Tông Phan là một trong những danh sĩ nổi tiếng nhất Thăng Long cuối thế kỷ 19.

Năm 1831, Vũ Tông Phan từ Huế ra nhận chức Giáo thụ phủ Thuận An (lúc bấy giờ thuộc về Bắc Ninh). Khi ra đến Hà Nội, ông thấy quang cảnh nơi đây như thế này: “Nay đương phát sinh nơi đô thành, nhiều hạng dân du thực du thủ đi học thì cốt giật tiếng nho, đi buôn chửa giàu đã khoe của, cư dân thường túm tụm ba hoa, bộ hành áo quần cực diêm dúa, sòng bạc tràn lan khắp gần xa…”.

Trước tình cảnh này, Vũ Tông Phan có bàn bạc với những người bạn thân thiết là: Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu… tập hợp được một nhóm sĩ phu và đề xuất phải chấn hưng văn hóa, giáo dục Thăng Long - Hà Nội.

Họ đã đưa văn hóa, giáo dục Thăng Long từ chỗ hoang tàn ở buổi đầu năm 1831 (như đã miêu tả) mà chỉ 30 năm sau, một ký giả nước ngoài khi đến đây đã phải viết trên tờ “Thông tin Bắc Kỳ”: Thành phố này không còn là kinh đô nữa nhưng vẫn đứng đầu cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và phồn vinh đông đúc.

Theo các tài liệu lịch sử, Tiến sĩ Vũ Tông Phan đã từng kinh qua các chức vụ: Tri phủ Bình Hòa (Khánh Hòa), Lang trung Bộ Binh (chức quan Tứ phẩm), Tham hiệp Tuyên Quang, Tham hiệp Thái Nguyên, Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh)… Ở chúc vụ nào, ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm với những hành động thiết thực, vì dân vì nước.

Tuy nhiên, sau 7 năm làm quan và cảm thấy không hợp với quan trường, Vũ Tông Phan cáo quan về nhà ở thôn Tự Tháp, ven phía Tây Hồ Gươm. Ông dựng một ngôi nhà 5 gian trên mảnh đất vua ban để mở trường dạy học và lấy tên là Hồ Đình. Ngôi trường nhanh chóng nổi tiếng, thu hút nho sinh từ khắp nơi tìm thầy vấn chữ.

Học để giúp đời, không để vinh thân

'Tự Tháp tiến sĩ ngâm vịnh'

'Tự Tháp tiến sĩ ngâm vịnh'

Khi mở ngôi trường Hồ Đình, Vũ Tông Phan đã gửi tâm tư của kẻ sĩ thời loạn trong những câu thơ: “Sáng tối trăm năm đều thế cả/ Một đời thực - giả khỏi bàn tay/ Hồ Gươm vườn nước đầy thanh hứng/ Nghĩ dựng thư phòng gửi sớm hôm” (Ngẫu hứng ở nhà dạy học).

Ở ngôi trường nhỏ nhìn ra Hồ Gươm - “Bốn mùa nước xuân biếc/ Một mái Ngọc Sơn hồng” (Nguyễn Văn Siêu gửi Vũ Tông Phan), ông say sưa truyền thụ kiến văn và tư tưởng yêu nước. Học trò theo học ông ngày càng đông, nhiều người đỗ đạt như: Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên, Cử nhân Đỗ Thực, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng đều noi gương thầy giúp đời, cứu nước. Ông đã được vua Tự Đức ban cho bốn chữ “Đào thục hậu tiến” - ghi nhận công lao đào tạo nhân tài cho đất nước.

Quan điểm dạy học của Vũ Tông Phan là đào tạo ra những kẻ sĩ giúp đời chứ không phải làm quan để vinh thân phì gia. Điều đó thể hiện trong tư tưởng “hành – tàng” của nhóm kẻ sĩ Bắc Hà. Phát huy được thì “hành” còn ngược lại thì “tàng”, lui về dạy học, đào tạo ra kẻ sĩ nối chí.

Tuy nhiên Vũ Tông Phan cũng hiểu rằng, trong tình trạng văn hóa, giáo dục bị xuống cấp, một ngôi trường tư thục là chưa đủ. Vì vậy, ông đã kêu gọi và tập hợp được nhiều học sĩ có cùng chí hướng.

Từ đó, các ngôi trường khác lần lượt tập trung ở vùng ven phía Tây, phía Bắc, phía Nam hồ Hoàn Kiếm (theo địa danh ngày nay là các phố Nguyễn Văn Siêu, Hàng Đào, Hàng Gai, Tô Tịch, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Tràng Thi…), biến khu vực Hồ Gươm thành trung tâm văn hóa mới của Thăng Long - Hà Nội đầu thế kỉ 19.

Trong cảnh xã hội “Đi buôn chửa giầu đã khoe của/ Sòng bạc tràn lan khắp gần xa/ Chiếu rượu sạp ca thâu sớm tối”, Vũ Tông Phan không chỉ dạy học mà còn cùng các nho sinh yêu nước quyết chí giữ lấy đạo của người cầm bút: “Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau”.

Ông còn sưu tập một số bài thi Hương và thi Hội thành sách “Thiệu Trị Đinh Vị khoa văn tuyển”. Sau này, con cháu ông nối chí tập hợp tiếp các bài thi cho đến khoa thi năm 1877 đời Tự Đức rồi cho in hoàn chỉnh.

Sau hơn 10 năm dạy học, năm 1849 ông giao trường Hồ Đình cho con trai cả là Tú kép Như Trâm, lui về sống và dạy học ở Giang Đình thục, thôn Kim Giang, tổng Đông Lỗ, huyện Sơn Minh (nay thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Nội). Dạy học trò nơi thôn dã, tâm hồn thêm thư thái và ông có thời gian biên tập thơ văn của mình, công việc mà ông yêu thích, hợp với sở nguyện.

Di sản của một “bậc lương tri”

Sách “Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ” của Vũ Tông Phan

Sách “Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ” của Vũ Tông Phan

Không chỉ là một nhà giáo đặc biệt, Vũ Tông Phan và Hội Hướng thiện đã cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền Văn Xương trở thành trung tâm hoạt động phục hưng văn hóa dân tộc của các sĩ phu yêu nước thời đó.

Sau khi hoàn thành, ngôi đền trở thành một trong những di tích và danh thắng đẹp nhất Hà Nội và cũng là trung tâm hoạt động để phục hưng văn hóa dân tộc của các sĩ phu yêu nước thời đó. Năm 1843, ông soạn văn bia “Ngọc Sơn Đế quân từ ký”, ghi lại việc Hội Hướng thiện cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền thờ Văn Xương đế quân.

Sau đó, Nguyễn Văn Siêu đã cho trùng tu và dựng thêm một số công trình - đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút - tạo nên quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị giữa trung tâm Thăng Long, và trở thành danh thắng nổi tiếng - niềm tự hào của người Hà Nội.

Ông còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội. Ông soạn văn bia ghi sự tích Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân - Trưng Vương sự tích bi ký; Văn bia ghi việc trùng tu miếu Hỏa thần - Trùng tu Hỏa Thần miếu bi ký; Văn bia ghi việc sửa mới lại nhà thờ Tam Nguyên của họ Bùi ở ngõ Phất Lộc.

Không chỉ vậy, nhà khoa bảng Vũ Tông Phan còn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất kinh kỳ khi ông viết hàng trăm bài thơ, văn về cảnh và người Thăng Long… Đó là kho tàng thi ca cực kỳ đồ sộ. Trong đó nổi lên mấy bộ thơ: Thăng Long hoài cổ Thập tứ thủ - bộ gồm 14 bài thơ về Thăng Long; Kiếm hồ thập vịnh - 10 bài thơ riêng chỉ vịnh về hồ Hoàn Kiếm…

Sau khi lui về sống ở Giang Đình thục, tại đây ông có thời gian biên tập và sáng tác nhiều thơ văn hơn. Có thể kể đến “Tô Khê tùy bút tập” bao gồm những bài thơ đầu tay ông sáng tác trước khi đỗ Cử nhân năm 1825. Ngoài ra, ông cũng tập hợp những bài thơ viết sau thời gian này, nhưng chưa kịp xuất bản thì đột ngột qua đời ngày 26/6 năm Tân Hợi (1851).

Nguyễn Tư Giản, lúc đó đang làm ở Nội các triều đình đã khóc thầy trong bài viếng: “Học vấn đúng đắn mà uyên bác, nên thơ văn chính trực mà tinh hoa; Lễ ngày mỗi tôn kính, nên đức mỗi cao dày”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý - một học trò nổi tiếng trong bài “Tế Đốc học Tự Tháp Vũ Lỗ Am văn” đã viết rõ cảnh tượng các môn sinh đông đủ hàng nghìn người ở khắp nơi về viếng: “Tang lễ đây, hàng đệ tử, những ai chưa mất đều có mặt. Quy táng Bạch Mai, nước mây vời vợi! Bọn người sau, ta mất đi bậc lương tri rồi”.

Yêu mến và thương tiếc ông, đầu năm 1852 các nhà in Hữu Văn Đường, Đa Văn Đường, Tự Văn Đường in lại bộ “Cổ Văn hợp tuyển” dày gần 1.400 trang (nhà in Hữu Văn Đường đã khắc in từ năm 1838).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ