Không chỉ biểu hiện qua một ngày truyền thống, việc quan tâm tới sự tiến bộ của phụ nữ đã và đang được thực hiện ngày càng sâu rộng hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, nhất là từ sau khi Việt Nam ký kết các Công ước Quốc tế và hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới.
Ngành GD&ĐT với trên 70% nhân sự là nữ luôn đặc biệt coi trọng công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua công tác bình đẳng giới trong ngành từng bước được cải thiện. Nhiều nội dung trong 6 mục tiêu của toàn ngành được ưu tiên triển khai, trong đó đáng chú ý là việc tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý Nhà nước; thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỉ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn…
Đặc biệt, các vấn đề về giới, bình đẳng giới được ngành Giáo dục lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong đó, sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã lồng ghép tối đa vấn đề bình đẳng giới, thể hiện qua các tranh ảnh trong sách luôn có tỉ lệ hình ảnh nam giới và nữ giới tương đồng, mọi hoạt động, lĩnh vực nghề nghiệp đều có sự xuất hiện của cả hai giới…
Bên cạnh nhiều chuyển biến từ chính sách cho đến thực tiễn, thực tế cho thấy việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới tổ chức tháng 10/2019 cho thấy, tỉ lệ biết chữ của nữ giới (từ 15 tuổi trở lên) dù có tăng từ năm 2002 đến nay, nhưng lại luôn thấp hơn nam giới từ 1 - 4%. Tỉ lệ trẻ em gái ở các tỉnh miền núi đi học còn thấp, có nơi chỉ chiếm khoảng 10 - 15%.
Ở các trường ĐH-CĐ đào tạo giáo viên cho cấp mầm non, tiểu học, trung học phổ thông, sinh viên chủ yếu là nữ. Trong lúc đó, giảng viên nữ lại chiếm tỉ lệ khiêm tốn hơn giảng viên nam. Đặc biệt những giảng viên nữ có học hàm, học vị thấp hơn nhiều so với giảng viên nam. Tỉ trọng dân số nữ từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật khá cao (88,9%), trong khi số nữ có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm một phần rất nhỏ (3,7%).
Cho đến nay, rào cản chính cho công tác bình đẳng giới nói chung, trong giáo dục nói riêng vẫn là những định kiến về giới. Tâm lý trọng nam khinh nữ còn tồn tại nên không ít người cho rằng khả năng học tập của phụ nữ thấp hơn nam giới, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, hay phụ nữ học cao là mối đe dọa với hôn nhân… Từ những định kiến này dẫn đến thực tế nhiều gia đình tập trung đầu tư cho trẻ trai học tập hơn trẻ gái. Trong trường hợp buộc phải lựa chọn một trong hai để đầu tư giáo dục, trẻ trai thường được ưu tiên.
Phân biệt về giới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Bởi chiếm nửa dân số và chiếm phần đông trong lực lượng lao động, phụ nữ luôn là vấn đề cần được quan tâm trong chiến lược phát triển của quốc gia. Bên cạnh đó, học vấn của phụ nữ theo tác động dây chuyền giữa trẻ em gái - người mẹ - thế hệ tương lai còn mang lại những lợi ích đặc biệt quan trọng cho gia đình và xã hội. Vì thế, nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong giáo dục cần tiếp tục được quan tâm, tăng cường hơn nữa, vì chất lượng nguồn nhân lực cũng như sự phát triển của đất nước.