Vẹn tròn niềm vui

GD&TĐ - Không thưởng Tết, không tháng lương thứ 13, với các thầy cô giáo vùng cao, vùng sâu và hải đảo… món quà lớn nhất là học sinh vẫn đến trường đầy đủ, biết nói một câu hoàn chỉnh bằng tiếng Việt để chúc mừng.

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên cùng học sinh Trường Mầm non Suối Giàng (Yên Bái)
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên cùng học sinh Trường Mầm non Suối Giàng (Yên Bái)

Tấm lòng người dân hơn cả tiền thưởng Tết

Hơn 30 năm trong nghề dạy học nơi xã đảo, cô giáo Bùi Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, Quảng Ninh tâm sự: Mỗi khi Tết đến, xuân về, niềm vui lớn nhất của các thầy cô giáo ở nơi xã đảo là học sinh đi học đầy đủ, không bỏ học. Ở xã đảo này, Tết cũng là mùa đi bắt ốc đánh hà theo con nước, vì thế nhiều em bỏ học đi làm cùng gia đình. Việc trẻ đến trường chuyên cần, mạnh khỏe, học giỏi, ngoan ngoãn vâng lời thầy cô là hạnh phúc không thể đong đếm được.

Giao thông giữa đất liền và xã đảo giờ đã thuận tiện. Trước đây, mỗi lần các thầy cô giáo ở xã đảo Cô Tô về quê đón Tết khá vất vả, phải nhờ tàu cá của ngư dân mới vào được đất liền. Những ngày sóng to gió lớn, thời tiết không thuận lợi nhỡ tàu cả tuần. Cô Dung nhớ lại: Có năm Tết đến, khi các anh chị ở trong đất liền đã nhờ được tàu đánh cá về rồi còn tôi và một cô giáo nữa ở Cô Tô không có đò để về. Hai chị em cứ ngồi khóc, mắt mũi đỏ hoe đứng nhìn tàu. Cảm giác vừa nhớ nhà và tủi thân cứ bủa vây.

Các em học sinh Trường Tiểu học Cô Tô đến
Các em học sinh Trường Tiểu học Cô Tô đến  

Vô tình một phụ huynh đi qua, nhìn thấy cảnh chúng tôi đợi tàu, trời thì gió rít từng cơn, anh liền về nhà lấy mái chèo, đưa chúng tôi về bằng mủng. Cả hai chị em vô cùng cảm kích trước tấm lòng của vị phụ huynh ấy.

Về đến Cô Tô, bước chân lên đất liền, chúng tôi vẫn không hết bàng hoàng vì tưởng rằng không qua được những cơn sóng gió nguy hiểm. Khi về đến nhà, ngay bố mẹ tôi cũng ngạc nhiên: Sao con lại về được? Đi bằng cách nào? Liều mạng quá con ạ?”.

Nhớ như in cái Tết đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của mình, cô Dung vẫn ngậm ngùi: Đó là buổi sáng mùa đông se lạnh, một tốp học trò đứng trước cửa phòng của cô, mỗi em mang một túi cam, các em tranh nhau chạy vào trước để tặng cô. Đây là giống cam giấy của người Hoa để lại được gia đình các em trồng.

Có một học sinh bé nhất lớp đến sau, mắt mũi đỏ hoe vì nhà xa, các bạn đi trước không đợi nên đến muộn. Điều em băn khoăn nhất là không biết cô có nhận quà của mình không. Vẻ mặt lo lắng trông đến tội nghiệp. Ôm em học sinh đó vào lòng, an ủi rồi cô tổ chức vui văn nghệ, kể chuyện, tìm hiểu về gia đình bố mẹ các em.

Bỗng cô nhìn các em học sinh nữ cứ gãi đầu liên tục, biết là đầu các em có chấy. Cô lấy lược chải chấy, gội đầu cho các em. Các em tươi tắn phấn khởi có mái tóc đẹp, về nhà bố mẹ đều khen. Rồi cứ thế, vào những ngày cuối tuần, học sinh lại đến nhà, cô hướng dẫn học bài và vệ sinh sạch sẽ. Chính vì vậy, tình cảm của người dân và giáo viên, học sinh trên đảo ngày càng gắn bó, đậm tình người.

Tết với những yêu thương

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên trong giờ dạy học
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên trong giờ dạy học

Thưởng Tết là điều bất kỳ ai cũng trông đợi thời điểm cuối năm. Nhưng với cô giáo dạy học vùng cao, niềm vui ngày Tết chỉ giản đơn là đón nhận tấm chân tình của phụ huynh.

Đã 15 năm, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, Trường Mầm non Suối Giàng (Yên Bái) gắn bó với vùng đất Yên Bái. Những kỷ niệm với học sinh và phụ huynh mỗi khi Tết đến xuân về vẫn in đậm trong cô.

Cô Quyên tâm sự: Trường Mầm non Suối Giàng nằm trên xã vùng đặc biệt khó khăn, dân số có trên 98% là người dân tộc Mông với những phong tục tập quán lạc hậu. Điều ấn tượng mạnh nhất đối với cô là những đứa trẻ với manh áo mỏng tang đến lớp trong thời tiết lạnh buốt. Ngày đầu đến đây công tác, để giao tiếp với các em, cô phải tự học tiếng địa phương theo phương pháp truyền khẩu.

Tết của giáo viên nơi đây, không quà, không bánh, không lương tháng thứ 13, nhưng luôn ấm áp, ngập tràn niềm vui. Món quà lớn nhất đối với những cô giáo vùng cao là học sinh biết đến ngày Tết cổ truyền, biết nói một câu hoàn chỉnh bằng tiếng Việt để chúc mừng cô giáo.

Cô Quyên kể lại: Dịp Tết Âm lịch năm ngoái, buổi học cuối năm, một phụ huynh đưa con đến lớp, trên tay cầm một gói nhỏ, bọc bằng lá chuối rừng. Phụ huynh cứ rụt rè ở cửa lớp. Thấy thế, cô hỏi thì phụ huynh đưa cho cô gói nhỏ và nói: “Tôi cho cô ít gạo nếp nương nhà trồng được để cô ăn Tết”. Cô Quyên từ chối nhưng phụ huynh nhất định để lại làm quà Tết cho cô.

Cầm gói gạo nếp, cô Quyên cảm động vô cùng bởi ở đó chứa đựng bao tình cảm chân thành của cha mẹ và các em học sinh. Cô Quyên chợt cảm thấy lòng mình ấm áp, như mùa xuân đang ngập tràn quanh đây.

Trên khắp mọi miền đất nước, đội ngũ nhà giáo luôn nỗ lực cố gắng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, lặng thầm, tận tụy, gắn bó với nghề và hết lòng vì học sinh. Đặc biệt đối với các thầy cô giáo đã và đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, dù không có những khoản thưởng Tết, nhưng không vì thế mà họ buồn phiền. Ngày Tết với giáo viên mang ý nghĩa tinh thần, giản dị như chính nghề nghiệp và cuộc sống của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.