Tạo động lực cho giáo viên đặt nền móng thành công đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại trước thềm xuân mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đội ngũ giáo viên (GV) là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục (GD). Vì vậy, dành sự quan tâm cho GV, tạo động lực cho họ chính là chúng ta đã đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Ngành GD đang nỗ lực và đổi thay từng ngày

Thưa Bộ trưởng, năm 2018 có rất nhiều sự kiện lớn liên quan đến ngành GD. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật của ngành sau một năm nỗ lực, cố gắng của hàng triệu GV, HS, sinh viên, cũng như của Bộ GD&ĐT?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2018 là năm tiếp theo ngành GD triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận trong báo cáo được công bố vào tháng 3/2018 của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một trong 2 quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống GD phát triển ấn tượng; HS Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD. Cùng với kết quả sau hai lần tham gia PISA vào các năm 2012, 2015, trong đó năm 2015, HS Việt Nam xếp thứ 8 thế giới về khoa học, đã cho thấy GD đại trà của Việt Nam đạt chất lượng tiệm cận với nhiều nước phát triển.

Bên cạnh GD đại trà, GD mũi nhọn tiếp tục là điểm sáng, năm 2018, GD Việt Nam đón nhận những tin vui trên các bảng xếp hạng quốc tế: Lần đầu tiên 100% HS các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt huy chương, trong đó đã có những HS trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới; vào những ngày cuối năm 2018, đội tuyển HS dự kỳ thi khoa học quốc tế cũng đã mang về thành tích cao nhất từ trước đến nay.

Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn khẳng định ngành GD vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đổi thay từng ngày. Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp GD để dần chuyển từ một nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, lấy người học làm trung tâm. Chương trình GD phổ thông mới sau một thời gian biên soạn, lấy ý kiến nhân dân đã được công bố chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2018 sẽ hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Giáo dục đại học (GDĐH) cũng đã có một năm nhiều biến chuyển. Lần đầu tiên Việt Nam có 2 ĐH lọt top 1.000 thế giới. 23 trường đã thực hiện thành công thí điểm tự chủ ĐH, trong đó có 3 trường ĐH đang làm Đề án tự chủ ở mức cao hơn. Đổi mới quản trị ĐH đang “cởi trói” cho hàng loạt vấn đề vốn là lực cản của GDĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 vừa qua đã mở ra một trang mới cho phát triển GDĐH, mà có thể ngay từ năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả tích cực.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Quyết tâm giải quyết vấn đề từ gốc

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vụ việc lớn xảy ra khiến dư luận, xã hội lo lắng như chất lượng GS, PGS, gian lận điểm thi ĐH, bạo lực học đường hay SGK độc quyền, lãng phí. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về những tồn tại trong ngành thời gian qua?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi cũng như ngành GD không né tránh mà luôn thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.

Việc xét tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS được thực hiện theo quy định cũ trong nhiều năm, qua thời gian những quy định đó đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vấn đề đặt ra cho Bộ GD&ĐT là phải tham mưu để bổ sung, thay thế quy định này bằng quy định mới phù hợp hơn. Tới tháng 8/2018, quy định mới về bổ nhiệm chức danh GS, PGS do Bộ GD&ĐT xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với những yêu cầu cao hơn, quy định mới sẽ giải được bài toán chất lượng GS, PGS mà xã hội đặt ra.

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bắt đầu từ năm 2015, việc tổ chức một kỳ thi chung đã thực sự mang tới một kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, đồng thời mở rộng cánh cửa vào ĐH hơn cho HS. Qua mỗi năm, kỳ thi được dần hoàn thiện, tuy nhiên, không phải đã hết những tồn tại trong các khâu tổ chức, coi thi, chấm thi nên phải tiếp tục hoàn thiện.

Năm 2018, sau khi rà soát, phát hiện những dấu hiệu vi phạm làm sai lệch kết quả thi ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc ngay để xác minh, điều tra, công bố thông tin cho dư luận xã hội.

Bộ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong khâu ra đề thi, “lỗ hổng” trong quy trình chấm thi, quy trình bảo mật dẫn đến việc lợi dụng làm sai lệch kết quả. Những hạn chế, “lỗ hổng” này đã và sẽ được khắc phục triệt để trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Đầu tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, Kỳ thi năm 2019 căn bản giữ ổn định như năm 2018, đảm bảo nhẹ nhàng, đề thi bám sát chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp để các trường ĐH, CĐ có thể tham khảo kết quả làm điều kiện xét tuyển. Nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường các giải pháp kỹ thuật, bảo mật ở tất cả các khâu của quá trình thi, đặc biệt là quá trình chấm thi; sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực.

Năm qua, cũng đã xuất hiện những sự việc liên quan đến bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo. Tất cả những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí phải ra khỏi ngành, về mặt pháp luật cũng đã có những trường hợp khởi tố.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết bảo vệ các GV có đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đồng thời cũng kiên quyết đưa ra khỏi ngành những GV không đủ phẩm chất đạo đức. Ngành GD sẽ không chấp nhận bất cứ cách hành xử phi GD, phi đạo đức nào của nhà giáo.

Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề đạo đức nhà giáo cần phân tích, nắm bắt được những nguyên nhân gốc rễ, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, áp lực của GV.

Về việc này, Bộ đang làm thông qua các cuộc tọa đàm, trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo; thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp với GV tại các địa phương, cơ sở GD. Để từ đó có những điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến đội ngũ GV, cán bộ quản lý (CBQL) GD.

Những đổi mới trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm, trong đó chú trọng đào tạo phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống, lòng yêu nghề được thực hiện thời gian qua cũng cho thấy quyết tâm của ngành GD trong việc giải quyết vấn đề “từ gốc”. Hàng loạt chuẩn mới về GV, hiệu trưởng với yêu cầu cao hơn được ban hành trong năm 2018 sẽ là cơ sở để đánh giá sát thực hơn chất lượng đội ngũ.

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” được ban hành tháng 10/2018 và được triển khai từ năm 2019 sẽ tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của CBQL, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên.

Về SGK độc quyền, lãng phí, đây cũng là những tồn tại đã được ngành GD thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua và có giải pháp để khắc phục. Chương trình GD phổ thông mới với chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK”, trong đó Bộ khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền. Bộ GD&ĐT cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để sử dụng SGK tránh lãng phí.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để GD chuyển biến tích cực

Dư luận xã hội cho rằng, những vụ việc nổi cộm trong năm nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của xã hội với ngành GD. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đúng là ngành GD đã có một năm với nhiều sự việc làm “nóng” dư luận, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội với GD. Nhưng nếu nhìn nhận GD hoàn toàn với gam màu xám sẽ không công bằng với hàng triệu GV, CBQL GD, hàng triệu HSSV đang nỗ lực dạy tốt và học tốt.

GD được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng GD cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội. Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đổi mới dựa trên những nghiên cứu căn cơ, có học tập kinh nghiệm nước ngoài và cân nhắc các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, thành quả của đổi mới căn bản ngày hôm nay sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp GD của đất nước phát triển mạnh trong tương lai.

Yêu cầu đặt ra của xã hội với GD là phải ổn định, bằng chứng là nhiều người không hài lòng khi nhắc đến cụm từ “đổi mới GD”. Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày thì sự ổn định của GD phải được xem xét trong “thế cân bằng động”. Những gì đã tốt chúng ta sẽ giữ ổn định, những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới. Nếu chúng ta vẫn giữ sự “ổn định” của những điều chưa hợp lý, thì đó là sự thụt lùi, bởi xã hội tiến lên từng ngày.

Tôi nói như vậy để mong rằng, xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho GD - vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành GD chuyển biến tích cực.

Năm 2019 ưu tiên giảm áp lực cho GV

Năm 2019, ngành GD sẽ tập trung vào những chương trình/vấn đề lớn nào nhằm đáp ứng mong đợi đổi mới, tích cực của người dân, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2019, ngành GD sẽ tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, trong đó, phải tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong từng việc cụ thể.

Năm 2019 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất để triển khai Chương trình GD phổ thông mới - điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29. Vì vậy, ngành GD sẽ tập trung cao độ cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL GD đáp ứng yêu cầu mới; đảm bảo đủ trường lớp, trang thiết bị tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học; thực hiện biên soạn 1 bộ SGK theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Năm 2019, tôi cũng muốn dành sự quan tâm, ưu tiên cho việc giảm áp lực cho GV, tạo động lực cho họ yên tâm công tác. Áp lực với GV hiện nay đến từ hồ sơ, sổ sách nặng nề; từ các cuộc thi, hội thi, hoạt động thi đua mang tính hình thức; từ chế độ chính sách về thu nhập, đãi ngộ; từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ của phụ huynh, của CBQL, của xã hội…

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo cắt giảm hồ sơ, sổ sách cho GV, đã rà soát cắt giảm các cuộc thi, hội thi nhưng qua thực tế cho thấy, thế là chưa đủ. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa, trả lại cho GV thời gian làm chuyên môn. Hoạt động thi đua trong mỗi nhà trường phải thực sự thiết thực và hiệu quả.

Tôi cũng đã nhiều lần nói về thu nhập của GV cũng như sự tôn trọng xứng đáng dành cho họ, những việc này vẫn cần tiếp tục phải cải thiện trong thời gian tới bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội.

Đội ngũ GV là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới GD. Vì vậy, dành sự quan tâm cho GV, tạo động lực cho họ chính là chúng ta đã đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Quan trọng là phải tạo ra được khát vọng, niềm tin cống hiến cho đội ngũ GV và khát vọng ấy phải được hòa vào khát vọng xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng khác như đẩy mạnh tự chủ ĐH để năm 2019 GDĐH sẽ có bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước; tăng cường GD đạo đức lối sống cho đội ngũ GV, CBQL GD, HSSV để hình thành lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ GD miền núi để tạo điều kiện cho các vùng khó khăn được hưởng những chính sách GD ngày càng tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.