Về vùng thủy tổ cây chè Shan tuyết

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, chè Shan tuyết bám núi rồi trở thành cây cổ thụ trên các sườn núi quanh năm mây phủ. Suối Giàng thành vùng chè cổ thụ lớn nhất cả nước.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận cây chè Suối Giàng là một trong những thủy tổ của cây chè trên thế giới. Trong đó, nhiều cây trên 300 năm tuổi, tán rộng, phải bắc thang leo ra các cành mới hái được...

Từ truyền thuyết...

Những gốc chè xù xì, trắng mốc trên những sườn núi trong bồng bềnh mù sương cùng với tiếng khèn, tiếng sáo, lời hát trao duyên của những chàng trai, cô gái Mông đã làm nên bản sắc văn hóa vùng chè Suối Giàng khác biệt với nhiều vùng chè khác.

Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: “Cây chè Shan tuyết và đồng bào Mông ở Suối Giàng đời đời gắn bó như cây với rừng, như cá với nước.

Thế nên, chè Shan tuyết cổ thụ đã đi vào đời sống tâm linh, hình thành nên quy tắc ứng xử của tộc người Mông nơi đây thông qua nghi lễ thờ cúng “Thần chè” với tư cách là thần thuốc - vị thần phù trợ cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, “Thần chè” cũng là thần cây cổ thụ bảo hộ cho mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào”.

Người Mông ở đây cũng có truyền thuyết về cây chè Shan tuyết, được kể rằng: Do chiến tranh, một nhóm người Mông từ phương Bắc phải di cư về phương Nam. Vì đường xa, thiếu lương thực, nước uống, bệnh sốt rét hoành hành nên đoàn người không thể đi tiếp và dừng chân tại đây.

Trong lúc đi tìm nước và thuốc, họ thấy một con suối rất trong chảy qua và phát hiện một loài cây rất lạ mọc xanh tốt cả một vùng. Họ đã hái lấy búp cây để ăn và thấy người khỏe khoắn, tỉnh táo rồi lấy lá cây về đun nước tắm, uống thì khỏi sốt rét.

Đoàn người Mông quyết định dừng chân định cư ở đây và đặt tên cho đất này là Suối Giàng (tức suối của họ Giàng - dòng họ cư trú đầu tiên tại đây). Dưới tán chè cổ thụ, cùng với tiếng khèn, biết bao thế hệ người Mông đã nên vợ thành chồng.

Với khí hậu mát mẻ quanh năm, nên bao du khách đã đến với Suối Giàng và không chỉ được đắm mình trong phong cảnh rừng chè cổ thụ, mà còn cùng được hái chè, sao chè, uống trà với đồng bào Mông mến khách hoặc tự hái những búp chè non xanh ngắt về pha và thưởng thức hương vị chè tươi.

Viện sĩ K.M. Djemmukhatze thuộc Viện Sinh hóa A. Ba Cu (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây) khi đến Suối Giàng những năm 60 của thế kỷ XX phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới”. Lời nhận xét này còn ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng. 

Cây chè Shan tuyết còn gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

Cây chè Shan tuyết còn gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

...Đến khát vọng vươn xa

Sinh ra ở Thủ đô Hà Nội, trước khi chọn Suối Giàng làm điểm dừng chân, Đào Đức Hiếu từng là chuyên gia marketing thương hiệu, một kiến trúc sư có tiếng ở Hà Nội. Sau gần 5 năm lập nghiệp ở Suối Giàng, giờ đây anh được đồng bào tin tưởng, yêu quý và thường gọi thân mật là A Hiếu.

Không yêu quý sao được, khi Hiếu là tác giả sáng lập nên “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” và hệ thống homestay đón 100 - 120 người/ngày cùng “Ngôi làng hạnh phúc” với mong muốn phát triển giá trị của chè Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu  nhập cho người dân bản địa.

- Vì sao Hiếu lại xây dựng “Không gian văn hóa trà Suối Giàng?” - tôi hỏi.

- Đây chính là điểm đến du lịch, là nơi quy tụ những người làm trà của Việt Nam ngồi lại với nhau. Trong đó, Suối Giàng là tâm điểm để bàn và đưa chè cổ thụ nơi đây ra thế giới, đặc biệt là tìm lại giá trị đích thực của chè Shan tuyết cổ thụ Việt Nam. Từ đó, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép là xóa đói giảm nghèo và giúp người dân ở đây không phải đi làm ăn xa nữa - Hiếu bộc bạch.

Nói là làm. Tháng 9/2019, anh Hiếu bắt tay xây dựng “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” với những vật liệu địa phương như: Tường đá, ván lợp bằng pơ mu, cột chống và bàn ghế bằng gỗ tạp theo lối mộc mạc, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và thư thái.

Sau 2 tháng thi công, công trình được thiết kế 2 tầng, với không gian thoáng đãng, giới thiệu, trưng bày các đặc sản trà Shan tuyết; mở các lớp dạy pha trà, thưởng trà đã được hoàn thành.

Đến với không gian huyền ảo, du khách sẽ được thưởng thức tách trà nóng của chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mang tính đặc trưng, riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có.

Đó là, Diệp trà, Hồng trà, Hoàng trà, Bạch trà… tất cả đều được khai thác và chế biến từ chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Đặc biệt, những bộ dụng cụ pha trà đến từng chén trà đều được chủ nhân chuẩn bị công phu, toát lên vẻ hiện đại nhưng cũng rất cổ kính.

Hiếu chia sẻ: “Muốn thưởng thức trà ngon phải đảm bảo 5 yếu tố: Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”.

Với niềm đam mê thưởng thức trà và ấp ủ khát vọng đưa chè Shan tuyết Suối Giàng ra thế giới, anh Hiếu đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để học tập, nghiên cứu về trà ở 30 quốc gia trên thế giới.

Theo đó, một mặt, Hiếu đã lấy cách người dân bản địa trong việc xây dựng, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc Mông trong phát triển không gian văn hóa trà. Mặt khác, mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách làm trà phù hợp với yêu cầu của nhiều nước, nhất là các bạn hàng khó tính trên thế giới.

“Chúng tôi đã mời các nghệ nhân, chuyên gia về trà đến để giới thiệu đặc sản trà Shan tuyết đến với du khách để họ hiểu hơn về loại trà đặc biệt và thưởng trà nhằm cảm nhận hương vị tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản có một không hai ở mảnh đất bốn mùa giao thoa này” - anh Hiếu chia sẻ.

Với thông điệp: “Hãy cho đi một phần những gì mình đang có”, anh Hiếu không những xây dựng thành công “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách, mà còn xây dựng được lớp học miễn phí cho trẻ em về cách làm trà, cách bảo tồn, trân trọng cây chè cổ, dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống… được học sinh và người dân bản địa tin tưởng, đánh giá cao.

Em Giàng A Vàng ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng tâm sự: “Anh Hiếu đã tổ chức được những lớp học miễn phí mà ở đó em và các bạn được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng sống, đặc biệt là gìn giữ văn hóa đặc trưng của dân tộc mình cũng như bảo vệ, chăm sóc quần thể chè Shan tuyết cổ thụ”.

Cùng với học miễn phí, Hiếu còn tiếp tục đưa ra mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Hiếu vận động, tuyên truyền thành công cho 10 hộ ở cạnh nhau cùng dỡ bỏ hàng rào và cùng làm du lịch theo cách cho du khách cắm trại trải nghiệm trong vườn chè cổ thụ.

Hiếu phấn khởi: “Bây giờ, người Mông đã bắt đầu thay đổi tư duy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch. Nhiều hộ biết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chỉnh trang nhà cửa và tổ chức các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nên việc liên kết các hộ với nhau để làm du lịch là một cách làm mới.

Qua đó, giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và đẩy mạnh quảng bá giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đến với bạn bè quốc tế”.

Ông Lường Công Tâm - Chủ tịch UBND xã cho biết: Suối Giàng hiện có 674 ha (521 ha chè kinh doanh; 153 ha chè kiến thiết cơ bản); trong đó, có 193 ha đất chè cổ thụ tập trung chủ yếu tại 4 thôn: Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A, Giàng B; mật độ bình quân của diện tích chè cổ thụ từ 600 - 800 cây/ha; năng suất bình quân đạt 1,2 - 1,3 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 600 tấn; hàng năm người làm chè thu về trên 12 tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về chè ở trong, ngoài nước, chè Suối Giàng rất đặc biệt bởi hương vị của nó nhờ khí hậu, thổ nhưỡng nên hương vị chè nơi đây khác hẳn so với nhiều nơi.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam khẳng định: “Chè Suối Giàng có sự chăm sóc đặc biệt của cộng đồng, dân cư trong vùng; do đó, quần thể chè cổ thụ hiện nay được đánh giá rất cao về giá trị nguồn gen, giá trị du lịch, giá trị tâm linh; trong đó, có giá trị bản sắc văn hóa, nhất là kiến thức bản địa của đồng bào Mông đã gìn giữ cho đến hôm nay”.

Những cây chè cổ thụ đang là biểu tượng, là tài sản vô giá của đồng bào Mông nơi đây. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua, cây chè Suối Giàng là nguồn sống chính của đồng bào Mông.

Vì thế, việc được công nhận là Cây di sản Việt Nam và trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến, sản xuất chè; đặc biệt là “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” và đồng bào cùng dỡ bỏ hàng rào cùng làm du lịch… đã mở ra cơ hội mới rõ ràng hơn về mặt phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

Ông Lường Công Tâm - Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: “Hiện, chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng là cây chủ lực mũi nhọn, cây du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương”.

Du khách thưởng trà trong “Không gian văn hóa trà Suối Giàng”.

Du khách thưởng trà trong “Không gian văn hóa trà Suối Giàng”.

Còn nhiều trăn trở

Tuy vậy, cùng với niềm tự hào đó, cũng đặt ra nhiều trăn trở cho chính quyền, người dân nơi đây trong việc bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế du lịch của quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng. Theo bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: “Những năm gần đây, vùng chè Shan tuyết Suối Giàng ngày càng được quan tâm đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển.

Các ban quản lý vùng chè Shan tuyết Suối Giàng được thành lập từ cấp huyện đến xã để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển cây chè cổ thụ ra khỏi địa bàn xã và tình trạng thu hái chè kém chất lượng. Đặc biệt, quản lý, sử dụng, phát triển có hiệu quả 100 cây đầu dòng, 400 cây chè di sản và nhãn hiệu chè Shan Suối Giàng”.

Đến nay, những cây chè cổ thụ đã được vinh danh, không chỉ nhằm trực tiếp bảo vệ nguồn gen tiêu biểu, quý hiếm của cây chè Shan tuyết ở nước ta, mà còn giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới; quảng bá du lịch sinh thái Suối Giàng nói riêng cũng như các khu du lịch khác trên địa bàn huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái nói chung.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, để phát huy và bảo tồn các giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch của quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn và xã Suối Giàng cùng với việc tập trung xây dựng phương án quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã Suối Giàng. Trong đó, nên quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch khám phá, kết hợp các sản phẩm du lịch, lấy trọng tâm là quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Để thực hiện thành công mục tiêu, huyện Văn Chấn cùng với việc tăng cường  chỉ đạo trong quản lý, sử dụng và phát triển có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng - Văn Chấn và tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng; thành lập Ban Quản lý vùng chè Shan tuyết Suối Giàng nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển cây chè thì cần làm tốt công tác quy hoạch trong chế biến, sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết Suối Giàng, đặc biệt là đối với các cơ sở quy mô hộ gia đình để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Lò Thị Thúy Nga cho biết thêm: “Hiện tại, huyện đang tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho người trồng chè; xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Đồng thời, xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Chỉ đạo xã Suối Giàng phối hợp và tạo điều kiện trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng để “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” vừa là điểm đến thưởng thức trà và giới thiệu các sản phẩm được làm ra từ vùng chè cổ Shan tuyết Suối Giàng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ