Vẻ vang dòng họ nối đời ghi danh bảng vàng ở làng Kẻ Vẽ

GD&TĐ - Trong 4 họ gốc ở làng Kẻ Vẽ (Đỗ, Nguyễn, Phạm, Phan), họ Phạm được xếp hàng đầu với 9 vị đại khoa trong tổng số 22 tiến sĩ của làng.

Các vị tiên hiền và nhà khoa bảng họ Phạm để lại nhiều dấu ấn trong việc hiến đất, dựng đình Đông Ngạc.
Các vị tiên hiền và nhà khoa bảng họ Phạm để lại nhiều dấu ấn trong việc hiến đất, dựng đình Đông Ngạc.

Trong số 9 tiến sĩ nho học, họ Phạm làng Đông Ngạc vào thời Lê có 1 bảng nhãn, 1 hoàng giáp, 5 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân; thời Nguyễn có 2 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ngoài ra còn 2 sĩ vọng và khoảng 50 hương cống, cử nhân.

Dòng họ có 9 vị đại khoa

Trong lịch sử khoa bảng nước ta, họ Phạm làng Đông Ngạc (tục gọi là làng Vẽ, hoặc Kẻ Vẽ) thuộc phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là dòng họ danh tiếng bậc nhất về truyền thống khoa bảng, hiếu học, nhiều người đỗ đạt, làm quan. Cùng với các dòng họ khác trong làng, họ Phạm đã góp công đầu làm thành tên tuổi làng khoa bảng Đông Ngạc.

Tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến nhà Nguyễn (1802 - 1945), nước ta có khoảng 20 làng khoa bảng. Tuy không có Trạng nguyên nhưng Đông Ngạc vẫn là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu vì có tới 22 tiến sĩ. Các dòng họ trong làng đều có người ghi danh bảng vàng, dòng họ nào ít thì cũng có một người, riêng họ Phạm có tới 9 vị đại khoa.

Họ Phạm làng Đông Ngạc có đến 9 tiến sĩ nho học, 2 sĩ vọng và khoảng 50 hương cống, cử nhân.

Họ Phạm làng Đông Ngạc có đến 9 tiến sĩ nho học, 2 sĩ vọng và khoảng 50 hương cống, cử nhân.

Theo những thư tịch Hán Nôm hiện còn lưu giữ được như: Phạm tộc phả ký, Phạm tộc gia phả, Đông Ngạc Phạm tộc gia tiên… thì tổ tiên họ Phạm gốc ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Do những biến cố lịch sử, có ba anh em họ Phạm đầu tiên rời Ái Châu ra sinh cơ lập nghiệp ở các nơi thuộc đất Hà Nội ngày nay: Một người về Đôn Thư (Thanh Oai), một người về Bát Tràng (Gia Lâm) và một người về Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm).

Họ Phạm làng Đông Ngạc hình thành từ cuối thời nhà Trần (thế kỷ thứ 14), thủy tổ là cụ Phạm Húng (khoảng năm 1345). Trải qua trên 600 năm, dòng họ Phạm nơi đây đã phát triển tới 16 chi (Đại tôn), thuộc hai hàng Giáp, Ất và qua 22 thế hệ con cháu.

Trong cuốn “Phạm thị gia phả” do Hương cống Phạm Phúc Cơ (chi Giáp - đời 7) có viết: Ngã hệ xuất Ái Châu, tính tòng Phạm phái, huynh đệ tam nhân, các cư nhất phương, nhất cư Đôn Thư, nhất cư Bát Tràng, nhất cư Đông Ngạc xã. (Nghĩa là: Dòng dõi nhà ta ra đi từ Ái Châu, họ theo phái Phạm, có ba anh em, mỗi người ở một phương, 1 người ở xã Đôn Thư, 1 người ở xã Bát Tràng, 1 người ở xã Đông Ngạc...).

Làng Vẽ từ xưa vốn nổi danh là đất văn học, có nhiều người đỗ đạt làm quan. Trong 4 họ gốc ở làng (Đỗ, Nguyễn, Phạm, Phan) thì thành đạt nhất là họ Phạm có 9 tiến sĩ, trong đó thời Lê có 1 bảng nhãn, 1 hoàng giáp, 5 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, thời Nguyễn có 2 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ngoài ra còn 2 sĩ vọng, khoảng 50 hương cống, cử nhân.

Đặc biệt có một gia đình với 7 người đỗ tiến sĩ, người đỗ cao nhất làng là Phạm Quang Trạch (đời thứ 8) đỗ Bảng nhãn khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa 4 (1683). Ông là cháu viễn Phạm Lân Đính, chắt ruột Phạm Thọ Chỉ, cháu (gọi bằng bác) Phạm Hiển Danh - ba cụ đều đỗ tiến sĩ. Ông cũng lại là chú ruột các Tiến sĩ Phạm Quang Hoàn, Phạm Quang Dung và bố của Tiến sĩ Phạm Gia Ninh.

Họ Phạm làng Đông Ngạc cũng được sử đăng khoa ghi danh khi có từ 2 đến 4 anh em chú cháu đỗ Hương cống trong cùng khoa thi như: Khoa Giáp Ngọ (1714) có 3 anh em: Phạm Gia Vũ (Ất nhị 2 - đời 9), Phạm Gia Thẩm (Ất nhị 2 - đời 9), Phạm Công Vận (Ất nhị 3 - đời 9)...

Nhiều bức cổng cổ ở Đông Ngạc với hình 2 chiếc bút 2 bên và chiếc khánh chính giữa với ý nghĩa sự học vẻ vang như chuông như khánh.

Nhiều bức cổng cổ ở Đông Ngạc với hình 2 chiếc bút 2 bên và chiếc khánh chính giữa với ý nghĩa sự học vẻ vang như chuông như khánh.

Đời nối đời ghi danh bảng vàng

Theo gia phả họ Phạm thì vào đời thứ ba, người khai khoa mở đầu cho sự đỗ đạt là Phạm Tân, sinh năm 1449. Dù chỉ đỗ Thư toán, làm chức huyện thừa ở Yên Lập, song cụ Phạm Tân đã đặt nền tảng thi thư rất vững chắc cho các thế hệ sau.

Người con trai thứ hai của cụ Phạm Tân là Phạm Lân Định đỗ tiến sĩ năm 1514, làm Tham chính xứ Thuận Hóa. Con trai cả của Phạm Lân Định là Phạm Thọ Chỉ đỗ tiến sĩ năm 1577, làm quan tới Giám sát Ngự sử xứ Kinh Bắc.

Cháu nội Phạm Thọ Chỉ là Phạm Hiển Danh đỗ tiến sĩ năm 1646, làm quan tới Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam. Con trai cả của Tiến sĩ Hiển Danh là Phạm Quang Trạch đỗ đầu khoa thi Hội, khi vào thi Đình đỗ Bảng nhãn năm 1683, làm quan tới Hộ bộ Thượng thư, là tác giả sách “Nam chưởng kỷ lược”, có nội dung ghi chép khái quát lịch sử và nước Nam Chưởng là một nước thuộc vùng Trung nước Lào ngày nay. Phạm Quang Trạch cũng là thầy dạy của Cống Quỳnh, nguyên mẫu của Trạng Quỳnh.

Về việc này, gia phả họ Phạm Đông Ngạc ghi việc Hương cống Nguyễn Quỳnh có tới thụ giáo Bảng nhãn Phạm Quang Trạch và được ra vế đối để thử sức: “Thằng quỷ mang cái đấu, đứng cửa Khôi nguyên” (chữ “quỷ” ghép với chữ “đấu” thành chữ “Khôi”). Cống Quỳnh đối lại: “Con mộc tựa cây bàng, dồn nhà Bảng nhãn” (chữ “mộc” ghép với chữ “bàng” là chữ “Bảng”).

Gia phả còn ghi lời thầy khen trò xin vào học là “đối mẫn tiệp”, nhưng “dòm nhà” thì không đỗ, phải “vào nhà” thì mới đỗ. Quả nhiên Cống Quỳnh thi Hội nhiều lần đều hỏng, tuy năm 41 tuổi mới đỗ Á nguyên khoa Sĩ vọng.

Không rõ Nguyễn Quỳnh có biết câu nói trên đoán trước sự thất bại của mình về mặt khoa danh hay không, hoặc giả có biết nhưng ông vẫn theo học trường quan Bảng.

Có thể vì không tin lời tiên đoán, cũng có thể vì muốn học cốt nhằm trau dồi kiến thức hơn là đạt danh vọng. Cống Quỳnh đã thành môn sinh của trường Bảng nhãn Phạm Quang Trạch và trở thành học trò xuất sắc bậc nhất, vì đã lưu lại trong gia phả mấy câu của bài văn tế, bài văn trên bức trướng và một câu đối, ca ngợi tài đức và công ơn của thầy dạy: “Hổ bảng tranh khôi thì cự phách/ Ly đình hợp đức quốc lương quăng” (Trên bảng hổ giành vị trí đứng đầu, trang lỗi lạc của thời đại/ Nơi sân rồng hòa hợp đức lớn đất trời, bậc tôi hiền trong nước).

Tiếp theo Bảng nhãn Phạm Quang Trạch có Phạm Quang Hoán đỗ tiến sĩ năm 1694. Ông là nhà khoa bảng rất giỏi về văn sách, cho nên đương thời mới có câu “thơ Mỗ, phú Cách, sách Vẽ” (tức là về thơ thì làng Mỗ có người giỏi, phú làng Cách (Thượng Tri) còn văn sách làng Vẽ).

Dòng họ Phạm Đông Ngạc còn có 3 tiến sĩ nữa là Phạm Gia Ninh đỗ năm 1731, là con trai Phạm Quang Trạch, giỏi cả văn lẫn võ, ông từng làm Giám khảo trường thi Hương Phụng Thiên và Giám khảo trường võ bị. Phạm Gia Chuyên đỗ tiến sĩ năm 1832 và Phạm Quang Man đỗ tiến sĩ năm 1849.

Thầy giáo Phạm Quang Đại - nhà nghiên cứu lịch sử làng Đông Ngạc.

Thầy giáo Phạm Quang Đại - nhà nghiên cứu lịch sử làng Đông Ngạc.

Sự học và đạo lý làm người

Theo thầy giáo Phạm Quang Đại - người được mệnh danh là “pho sử sống” làng Đông Ngạc - Đông Ngạc còn có một cái tên khác là làng Đống Ếch. Cái tên làng đầy lạ lẫm này gắn với giai thoại học trò đọc sách râm ran như tiếng ếch kêu. Thậm chí, tất cả gốc cau ở vườn nhà đều nhẵn bóng do học trò vịn tay vào gốc mà học.

Truyền thống khoa bảng, văn hiến của người họ Phạm luôn được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Những câu chuyện như Bảng nhãn Phạm Quang Trạch ham học tới mức đêm đông, lúc ngồi học đã lấy khăn vải tẩm nước đặt lên đùi để không thể ngủ gật.

Không những thế, sự học ở Đông Ngạc luôn đi cùng với rèn giũa đạo làm người. Các cụ Phạm Thọ Lý (1610 - 1685) và Phạm Quang Dung (1675 - 1739) được thờ là Hậu thần tại bái đường đình làng Đông Ngạc vì đã có nhiều công lao với nước, với dân, với làng. Tiến sĩ Phạm Quang Dung từng làm Chánh sứ sang Trung Quốc, sau làm quan trải tới chức Công bộ Thượng thư, tước Lệ Quận công.

Năm 1732, ông phụng mệnh làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang vua Lê Dụ Tông và xin sắc phong vua mới, được vua Thanh ban thưởng. Có đôi câu đối thờ ông nói về việc đó: Phủ phất lịch triều, kinh văn vĩ vũ, quang tiền hậu/ Khanh tướng lưỡng quốc, nghĩa phủ trung can, chấn sóc nam (Áo lễ một triều, văn vũ dọc ngang, sáng lòa sau trước/ Tiếng vang hai nước, lòng gan trung nghĩa, vang dậy Bắc Nam).

Sau khi đi sứ về, Tiến sĩ Phạm Quang Dung đã cống hiến toàn bộ số gỗ quý, gạch ngói để xây đình. Đồng thời, mua 3 bộ áo chầu long cổn và hai đôi quạt vuông bằng gấm thêu rất đẹp để dâng cúng ba vị tôn thần, đến nay vẫn còn lưu giữ ở đình Đông Ngạc.

Cụ Phạm Gia Chuyên (1791 - 1862), cháu 5 đời của Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, cháu 4 đời của Tiến sĩ Phạm Gia Ninh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1832 làm quan nhà Nguyễn, đã từng giữ các chức Tri phủ Kiến Xương (Thái Bình), Lễ bộ Viên ngoại lang, Đốc học tỉnh Ninh Bình, Tu nghiệp Quốc Tử Giám, tham gia soạn cuốn “Quốc sử lược biên”.

Tiến sĩ Phạm Công Hoàn khi làm quan Thừa chính sứ Sơn Nam đã lấy tiền riêng để làm một cây cầu ở xã Cầu Tu, huyện Đông An nhằm chấm dứt việc đánh nhau đổ máu để tranh chiếm đất đai của dân trong xã.

Cụ Phạm Thọ Lý đã hiến cho làng Đông Ngạc khu đất ở đầu xóm ngõ Ngác để dựng đình, khi có thầy địa lý khen ngôi đất ấy đẹp nhất làng. Nhớ ơn cụ dân làng đã thờ cụ ở gian giữa nhà tả mạc, hiện nay ở đó vẫn còn treo đôi câu đối: Miếu mạo cố chiêm, nhất ấp tụ ca đồng tẩu cộng/Giản mao chi tiến, ức niên hưởng tự địa thiên trường (Trông lại miếu đình, già trẻ một làng cùng ca ngợi/ Tiến dâng lễ mọn, đất trời muôn thuở mãi phụng thờ).

Về việc đóng góp cho văn học phải kể tới Phạm Quang Sán (1874 - 1932), đỗ Tú tài năm 1897, đỗ Cử nhân năm 1900. Ông từng làm Huấn đạo, Trợ tá ở huyện Hưng Nhân (Thái Bình), Tri huyện các huyện Hải An (Kiến An), Tiên Lãng, Thương tá ở tỉnh Phú Thọ.

Ông viết nhiều sách chữ Hán và Quốc ngữ: Phổ thông thuyết ước, Văn sách, Đạo đức luận, Phú cờ bạc, Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn... Song, kiệt tác của ông là bài phú “Phương ngôn”, một bài phú 100 vần ghép trên 1.000 câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao lại mà thành, đều tập trung vào chủ đề khuyến thiện.

Thời Pháp thuộc, họ Phạm Đông Ngạc còn có Phạm Quang Bách du học Pháp đỗ Tiến sĩ luật, Phạm Tịnh Quát cũng du học Pháp đỗ Tiến sĩ toán, Phạm Gia Huynh đỗ Tiến sĩ dược. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người họ Phạm là các giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ và quan chức xuất thân từ Đông Ngạc. Bởi vậy, từ xa xưa người Thăng Long đã có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, ý nói đất rộng và phì nhiêu như làng Kẻ Giàn, học giỏi và làm quan nhiều như người Kẻ Vẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ