Ở huyện vùng biên Ngọc Hồi (Kon Tum) dù cuộc sống còn nhiều cơ cực, nhưng dòng họ Xiêng Var và Xiêng Thanh luôn quan tâm, chú trọng đến việc học của con em mình. Nhiều người trong dòng họ này đã và đang giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan, ban ngành.
Quyết tâm học chữ
Ông Vũ Việt Thắng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Đăk Dục và Đăk Nông là hai xã giàu truyền thống cách mạng, yêu nước. Mặc dù ở huyện vùng biên, điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng hai xã này luôn được các cấp chính quyền quan tâm, ưu tiên nguồn lực nhằm phát triển kinh tế và giáo dục. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, Hội Khuyến học cũng như ngành Giáo dục cũng rất chú trọng đến việc học tập, đặc biệt là đối với con em người dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây cũng rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho con cái được học tập. Nhờ vậy nhiều trường hợp hoàn thành chương trình cao đẳng và đại học rồi quay trở về làm cán bộ để giúp quê hương ngày càng phát triển.
Chiều nắng cháy ở huyện vùng biên, dưới căn nhà khang trang cuối thôn Đăk Si (xã Đăk Dục) ông Xiêng Var Nùng (65 tuổi) đang tỉ mẩn lau chùi hàng chục tấm Giấy khen, Bằng khen mà bản thân và gia đình vinh dự nhận được.
“Đây có lẽ là tài sản quý báu và vô giá nhất của mình. Mình rất trân trọng, vinh dự nhận được nên treo khắp nhà để lưu giữ kỉ niệm. Nhưng đặc biệt hơn cả, thông qua đó mình muốn giáo dục con cháu cố gắng học tập và làm người có ích cho xã hội…”, ông Nùng chia sẻ.
Mời khách chén trà đặc, ông Xiêng Var Nùng nhớ lại thời gian khó khăn của gia đình vào hàng chục năm trước. Trước kia, gia đình ông sinh sống ở khu vực rừng giáp ranh với nước bạn Lào.
Hàng ngày cả nhà canh tác, làm lụng trong rừng cách xa những tiện ích xã hội. Đồ ăn, thức uống đa phần đều tự cung, tự cấp và những đứa trẻ cũng chẳng được đến trường học chữ.
Năm 15 tuổi, Xiêng Var Nùng đi bộ đội và được tạo điều kiện học tập. Khi biết con chữ, cậu học trò lúc bấy giờ không còn muốn ở rừng mà hy vọng được tiếp tục đến trường để cuộc sống được tốt hơn. Sau đó, ông Xiêng Var Nùng học bổ túc 4 năm ở Kon Tum rồi về làm giáo viên tiểu học tại địa phương.
Đến năm 1977 khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện, gia đình ông quyết ra huyện Ngọc Hồi sinh sống. Tại đây, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đất dựng nhà, canh tác và có nhiều chính sách hỗ trợ nên cuộc sống của gia đình ông dần ổn định.
Từ năm 1992 đến năm 2000, nhờ sự nỗ lực, cố gắng và năng lực của bản thân, ông Nùng lần lượt giữ các chức vụ quan trong như: Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng uỷ xã Dục Nông (huyện Đăk Glei - lúc bấy giờ), Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Huyện uỷ Ngọc Hồi.
“Xưa kia, đời sống khó khăn và thiếu thốn trăm bề nhưng mình vẫn cố gắng học tập để có tri thức giúp phát triển quê hương. Do đó, đến đời con cháu mình luôn tạo mọi điều kiện và truyền cảm hứng để mọi người vượt khó học chữ”, ông Nùng bộc bạch.
Ông Xiêng Var Nùng có 6 người con, tất cả đều học hết lớp 12, trong đó có nhiều người hiện giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương. Người con đầu của ông Nùng đang làm bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 13 (Quân khu 5 - đóng ở tỉnh Quảng Ngãi) và con thứ 2 làm cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ngọc Hồi. Người con thứ 4 và con út lần lượt là Phó Trưởng Công an xã Pô Cô (huyện Đăk Tô), cán bộ tại Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi).
“Có những thời điểm gia đình chỉ nuôi vài con lợn, bò và canh tác ít lúa nên đời sống vô cùng khó khăn. Tuy thiếu thốn nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn tiết kiệm, dồn hết sức lo cho con cái ăn học. May mắn các con hiếu học, thương cha mẹ nên rất cố gắng và nỗ lực.
Không chỉ các con, hiện tại con dâu, con rể và 11 người cháu đều học tập đủ đầy. Bản thân tôi và gia đình rất tự hào, hãnh diện khi con cháu ngoan ngoãn, trưởng thành và trở thành người có ích. Nhà mình cũng rất vinh dự khi được Hội Khuyến học huyện Ngọc Hồi công nhận là gia đình hiếu học”, ông Nùng tâm sự.
Cách nhà ông Xiêng Var Nùng không xa, ông Xiêng Var Lư (80 tuổi, ở thôn Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục) cũng là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học tại địa phương. Mặc dù trước kia đời sống còn nhiều khó khăn nhưng 3 người con của ông Lư đều học hết Trung học phổ thông.
Trong đó, có 2 người con tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở các cơ quan ban ngành tại tỉnh Kon Tum. Trong đó, anh Xiêng Var Phước hiện công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Y Thấu làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi).
“Với tôi việc học là vô cùng quan trọng và cần thiết. Do đó những người lớn, đặc biệt là bậc cha, mẹ phải luôn cố gắng, nỗ lực và gương mẫu trong tất cả mọi việc để con cháu học tập, noi theo.
May mắn, con cháu nghe lời và rất hiếu học. Đó là điều hạnh phúc nhất của những người đang làm cha, mẹ. Giờ đây, con cháu luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp phát triển quê hương tôi thấy rất vui và tự hào”, ông Lư nói.
Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết, toàn xã có tất cả 9 thôn làng. Hiện nay, dòng họ Xiêng Var có trên 40 hộ với hơn 100 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở thôn Đăk Si và Dục Nhầy 1, Dục Nhầy 3.
Mặc dù dòng họ Xiêng Var có số nhân khẩu không nhiều nhưng tinh thần học tập rất cao. Bên cạnh đó, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn quan tâm và chú trọng đến việc học của con, cháu.
Năm 2015, dòng họ Xiêng Var ở xã Đăk Dục vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
“Dòng họ Xiêng Var có truyền thống hiếu học nên luôn quan tâm, nhắc nhở và tạo điều kiện cho con, cháu được học tập. Hiện nay, nhiều người của dòng họ Xiêng Var học đại học, cao đẳng và có công việc làm ổn định.
Đặc biệt, có những trường hợp giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị, góp sức phát triển quê hương, đất nước. Tinh thần hiếu học của dòng họ Xiêng Var rất đáng tuyên dương để nhiều người học tập và noi theo”, ông Bloong Hâm cho hay.
Ông Xiêng Var Nùng tỉ mẩn lau chùi hàng chục tấm Giấy khen, Bằng khen mà bản thân và gia đình vinh dự nhận được. |
Học, học nữa, học mãi
Cũng ở huyện biên giới Ngọc Hồi, Xiêng Thanh - dân tộc Giẻ Triêng ở thôn Nông Nội (xã Đăk Nông) là một trong những dòng họ lớn và đi đầu về phong trào học tập. Đơn cử như gia đình ông Xiêng Thanh Tý có 4 người con thì tất cả đều học hết đại học và đang công tác trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh, huyện.
Trong đó, người con trai Xiêng Thanh Phúc - Tỉnh ủy viên - Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum; Xiêng Thanh Phú đang là Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi); Xiêng Thanh Trà đang công tác tại Công an huyện Ngọc Hồi và Y Phiên là cán bộ xã Đăk Nông.
Theo ông Xiêng Thanh Tý - người lớn tuổi nhất trong dòng họ Xiêng Thanh, dòng họ đã gắn bó ở huyện vùng biên nhiều năm nay với hàng trăm nhân khẩu. Trước kia, đời sống của bà con rất khó khăn, quanh năm chỉ làm nương rẫy nên đói - nghèo mãi đeo bám.
Nhận thấy chỉ dùng sức lực tay chân mà thiếu kiến thức và áp dụng biện pháp khoa học - kĩ thuật tiên tiến thì người dân mãi không thể thoát nghèo. Do đó, mọi người nghĩ đến việc học chữ vì có tri thức thì mới mong cuộc sống đủ đầy hơn. Kể từ đó, dòng họ Xiêng Thanh luôn động viên, khuyến khích và đầu tư cho con cháu học tập nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết.
“Với những gia đình khó khăn, dòng họ luôn động viên, hỗ trợ để con cháu cố gắng học tập. Những dịp lễ Tết hay cuối năm dòng họ lại tổ chức liên hoan, khen thưởng những cháu đạt thành tích cao trong học tập để động viên tinh thần. Qua đó, khích lệ những cháu khác cố gắng học tập, noi theo”, Xiêng Thanh Tý chia sẻ.
Không chỉ có gia đình ông Xiêng Thanh Tý giàu truyền thống hiếu học mà ông Xiêng Thanh Thành cũng có 2 con đều tốt nghiệp đại học. Hiện nay, người con Y Sâm đã tốt nghiệp Đại học Luật và công tác tại TPHCM. Cùng với đó, Y Sân cũng tốt nghiệp đại học và đang là cán bộ địa chính của xã.
Ông Xiêng Thanh Thiên - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nông chia sẻ, ở làng Nông Nội những cháu trong độ tuổi đến trường đều được đi học đủ đầy. Tuy còn khó khăn nhưng nguời dân không để con em mình nghỉ học giữa chừng. Cũng nhờ học tập đến nơi, đến chốn mà kinh tế tại địa phương ngày càng được nâng lên.
Ông Xiêng Thanh Tý (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ về truyền thống hiếu học của gia đình. |
“Với truyền thống hiếu học, dòng họ Xiêng Thanh của chúng tôi cũng đã nhận được sự tuyên dương, khen thưởng, động viên của tỉnh, huyện. Dù vậy, dòng họ Xiêng Thanh vẫn luôn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để học nữa, học mãi. Bởi chúng tôi biết rằng kiến thức là vô tận và có học mới giúp đời sống của người dân thoát khỏi đói nghèo.
Đồng thời, địa phương luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, làng quan tâm, giáo dục con em mình cố gắng học tập để trở thành những người cán bộ, công dân có ích cho xã hội và đất nước”, ông Xiêng Thanh Thiên bộc bạch.