Hoàng giáp Ngô Như Ngọc không chỉ là vị đại khoa khởi đầu cho huyền thoại “Ngũ đại liên trúng” (5 đời liên tiếp đỗ Tiến sĩ), mà nền móng sự học do ông đặt ra đã khiến cho con cháu không ngừng phấn đấu, lấy giáo dục làm nền tảng lập thân, báo quốc.
Mở nền khoa bảng dòng tộc
Theo “Ngô lệnh tộc phả”, Hoàng giáp Ngô Như Ngọc, hiệu Tiềm Xuyên, sinh năm 1455 tại làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong - Bắc Ninh).
Vào đời vua Lê Thái Tông (1433 - 1442), cụ Ngô Nguyên vốn quê gốc ở Tam Sơn, huyện Đông Ngàn di cư về Vọng Nguyệt, được họ Chu giúp đỡ và gả con gái là Chu Thị Bột. Cụ Ngô Nguyên và Chu Thị Bột sinh hạ được 2 người con trai là Ngô Như Ngọc và Ngô Định.
Từ nhỏ Ngô Như Ngọc đã nổi tiếng thông minh, sớm thể hiện được tài năng thiên bẩm. Sau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông ngoại và gia đình bên ngoại giúp đỡ nên cậu bé tiếp tục con đường học hành.
Khoa thi năm Đinh Mùi (1487) Ngô Như Ngọc tham dự kỳ thi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng: “Mùa Hạ, tháng Tư, ngày mồng 7, vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Xem quyển xong lại cho gọi các Tiến sĩ hạng ưu vào cửa Nhật Quang, thân hành giám định. Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ thứ nhất, rồi đến Nguyễn Đức Huấn, Thân Cảnh Vân đều ban Tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người đỗ Tiến sĩ xuất thân (trong đó có Ngô Như Ngọc); bọn Phạm Trân 27 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân”.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) do Đông các Đại học sĩ Tư chính Thượng khanh Thân Nhân Trung vâng sắc soạn, có đoạn: “Nhân tài đông đảo hơn thuở trước, kén được người giỏi nhiều gấp mấy ngày xưa, đủ sáng soi cho những thành tựu của nền giáo hóa, là biểu hiện tốt đẹp của nước nhà.
Kẻ sĩ được đề danh vào bia đá này, thật may mắn biết bao! Cho nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc hợp sở học để làm nên sự nghiệp to lớn quang minh, khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết...
Thảng hoặc có người ngoài có vẻ văn chương mà trong đức hạnh thiếu phần tu dưỡng, khiến cho cái mà người ta đọc được trên bia không giống như dư luận mà họ nghe biết, việc làm trái với sở học, làm hủy hoại hạnh kiểm, điếm lụy danh giáo thì là vết nhơ cho tấm đá này. Thế chẳng phải ý nguyện triều đình trông mong ở kẻ sĩ, cũng chẳng phải là cách kẻ sĩ dùng để tự đối đãi mình”.
Ngô Như Ngọc chính là người đầu tiên mở con đường khoa bảng vẻ vang cho con cháu họ Ngô Vọng Nguyệt về sau này. Bởi vậy, ngày nay ở xã Tam Giang vẫn còn truyền tụng câu ca: Đất thiêng phát phúc chẳng lâu/ Tiềm Xuyên là cụ con đầu nhất trai/ Khoa danh cao chiếm bảng trời/ Đinh Mùi Tiến sĩ khoa thời Lễ khoa.
Sau khi thi đỗ, Hoàng giáp Ngô Như Ngọc được bổ làm Tổng đốc Kinh Bắc, rồi thăng Lễ khoa đô cấp sự trung - Một chức quan đứng đầu Lễ khoa, được dự thiết triều.
Chức năng của Lễ khoa là thanh tra, giám sát Lễ bộ, nếu Lễ bộ nghi chế không hợp lệ hoặc sai phạm thì Lễ khoa có quyền đàn hặc, tâu vua. Sau khi qua đời, ông được triều đình vinh phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu.
Bức hoành phi tại nhà thờ họ Ngô có niên đại thế kỷ 19. |
Hổ phụ sinh hổ tử
Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh - cho hay, các nguồn tư liệu ghi chép rằng, Hoàng giáp Ngô Như Ngọc có 3 người con trai là Ngô Nhân Lan, Ngô Nhân Hải và Ngô Nhân Tổng đều là những người đỗ đạt khoa danh. Trong đó, Ngô Nhân Hải chính là người có công cứu cả gia đình - gia tộc thoát khỏi họa tru di.
Ngô Nhân Hải là con thứ hai của Ngô Như Ngọc, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục. Ông làm quan đến chức Án sát ngự sử, Thừa chính sứ.
Vào năm 1511, em ruột của ông là Ngô Nhân Tổng cùng với Thân Duy Nhạc dấy quân ở vùng Quế Võ - Yên Phong, khởi nghĩa chống lại triều đình. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, cả hai thủ lĩnh đều bị bắt và xử tử.
Có kẻ tố giác Ngô Văn Tổng chính là con trai Ngô Như Ngọc đang làm quan Lễ khoa Đô cấp sự trung và là em của Giám sát ngự sử Ngô Nhân Hải. Giữa triều đình, Ngô Nhân Hải dùng lý lẽ triết tự để bác bỏ lời cáo buộc về mối quan hệ đó, ông nói rằng: Xét về bản quán, Ngô Nhân Tổng là hàng xóm của thần nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục.
Tổng họ Ngô, chữ Ngô họ của Tổng được kết tự chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới. Thần cũng họ Ngô, nhưng chữ Ngô họ của thần được kết tự chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới. Như vậy là đồng âm mà dị nghĩa.
Bởi sự sắc sảo trong biện bạch chữ nghĩa mà gia đình Hoàng giáp Ngô Như Ngọc thoát án tru di tam tộc. Bản thân Ngô Như Hải tiếp tục làm quan cho đến cuối đời và được vinh thăng Đặc Tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Bá.
Cháu đích tôn của Hoàng giáp Ngô Như Ngọc là Ngô Nhân Trừng được đánh giá là người tài hoa, giỏi thi thư và binh pháp. Năm 42 tuổi ông đi thi và đỗ Hội nguyên, vào thi Đình lại đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành 3 (1580) đời Mạc Mậu Hợp. Ông làm quan tới chức Tự khanh.
Truyện ký trong gia phả họ Ngô Vọng Nguyệt chép rằng: Ngô Nhân Trừng làm quan cho nhà Mạc 13 năm (1580 - 1593), được tin dùng như nội tướng - ngang hàng với các thân vương; là thành viên trong Hội đồng tham chính. Chức quan cao nhất dưới triều Mạc là Đốc đồng kiêm tư Nam Bắc; Nhị đạo trung quân, đề lĩnh tứ thành, kiêm thập tam đạo, trí mưu tiên sát hậu tấu, Thái úy sùng quốc công.
Năm 1593, ông chỉ huy quân Mạc phòng thủ Thăng Long. Trước sức tấn công áp đảo của quân nhà Lê do Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng chỉ huy, quân Mạc vỡ trận thua to. Thành Thăng Long thất thủ, Mạc Mậu Hợp phải vượt sông Hồng chạy về Hải Dương, Ngô Nhân Trừng bị bắt ở Lâm Tiêu.
Biết ông là tướng giỏi, Trịnh Tùng đích thân cởi trói và mời ông hợp tác với nhà Lê nhưng ông khảng khái từ chối rằng: “Phận con kiến còn có một tổ, cây cối còn có gốc rễ, tôi là tướng cầm quân, không được chết vì vua đã là bạc phận. Nay trời bỏ nhà Mạc, tôi đã bị bắt như cá chậu chim lồng. Nếu nguyên soái có chút nào nghĩ đến tôi, xin cho được tự xử”.
Trịnh Tùng cho Ngô Nhân Trừng được như ý nguyện. Ngô Nhân Trừng liền uống thuốc độc tự tử để bảo toàn khí tiết trung với nhà Mạc.
Lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất - 535 năm đăng khoa của Hoàng giáp Ngô Như Ngọc diễn ra vào năm 2022. |
Con cháu theo gương tiên tổ
Ngô Nhân Trừng có 6 người con trai, trong đó 4 người đỗ Cử nhân và một người (Ngô Nhân Triệt) đỗ Tiến sĩ. Ngô Nhân Triệt là con trưởng của Ngô Nhân Trừng, ông nổi tiếng thông minh, có tài hùng biện, học giỏi nhưng cả 3 kỳ thi đều không được tham dự vì lý lịch bố làm quan nhà Mạc. Mãi tới khi triều đình Lê - Trịnh có chính sách cởi mở thì Ngô Nhân Triệt mới được đi thi.
Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi: “Ngô Nhân Triệt xuất thân Nho sinh trúng thức; thi Hội đỗ Hội nguyên, thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng đầu) khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 8, đời vua Lê Kính Tông (1607)”.
Truyện ký trong gia phả còn ghi rằng, Ngô Nhân Triệt làm quan dưới triều Lê - Trịnh hơn 30 năm, từ năm 1607 đến năm 1638. Năm 1608 ông giữ chức Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn, sau đó về triều và năm 1620 làm Phó sứ cùng Chánh sứ Nguyễn Thế Tiêu sang Trung Hoa.
Do đi sứ lập được công về mặt ngoại giao, ông được phong chức Thái thường tự khanh, hàm Đặc Tiến kim tử quang lộc đại phu. Khoảng năm 1630, Ngô Nhân Triệt chuyển sang làm việc ở phủ chúa Trịnh.
Năm 1633 ông cùng Nguyễn Quang Minh và Thái bảo Trịnh Hằng được giao tổng kiểm tra và chiếu bổ các hạng quân các phủ đệ. Khi hưu trí, Ngô Nhân Triệt được tặng Hữu thị lang bộ Lễ, tước bá.
Ngô Nhân Triệt có 9 người con trai, 1 con đỗ Tiến sĩ, 7 con đỗ Cử nhân và Tú tài, người con còn lại được hưởng tước ấm quan. Người con đỗ Tiến sĩ chính là Ngô Nhân Tuấn (tên gọi khác là Ngô Nhân Duệ). Khoa thi Canh Thìn năm 1640, ở tuổi 45 ông đỗ đồng Tiến sĩ, là thế hệ thứ 5 của họ Ngô Vọng Nguyệt đỗ đại khoa. Ông làm quan chức Đô chỉ huy sứ rồi thăng Bồi tụng, Lễ bộ Tả thị lang, về sau được thăng Công bộ Thượng thư.
Năm 1664, ông được chúa Trịnh cử cùng với Trịnh Hoành tổ chức thi lại sinh đồ toàn quốc ở bãi sông Nhị Hà, đánh trượt quá nửa bọn con cháu nhà quan và phú hộ bất tài, được sĩ tử cả nước ca ngợi hết lời. Ngô Nhân Tuấn về trí sĩ năm 70 tuổi, được triều đình tặng Hộ bộ Thượng thư, tước Hầu.
Về sau này, con cháu họ Ngô Vọng Nguyệt vẫn không ngừng theo nghiệp khoa cử. Sang triều Nguyễn, truyền thống ấy vẫn được tiếp nối với nhiều người đỗ Cử nhân, Tú tài.
Trong dịp hội thảo tại Văn miếu Quốc Tử Giám và đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia nhà thờ 5 Tiến sĩ họ Ngô cũng như lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất - 535 năm đăng khoa của Hoàng giáp Ngô Như Ngọc diễn ra vào năm 2022 – giới nghiên cứu lịch sử đánh giá cao về trường hợp hiếm “ngũ đại liên trúng” cũng như vai trò quan trọng của người khai khoa mở đường công danh khoa cử cho dòng họ.
Di văn của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt tại làng Vọng Nguyệt. |
Ngoài 5 vị Tiến sĩ của 5 đời trong suốt 153 năm, tính đến khoa thi cuối cùng của Nho học, họ Ngô làng Vọng Nguyệt mà khởi phát từ người khai khoa là Hoàng giáp Ngô Như Ngọc đã có 58 người đỗ Cử nhân và Tú tài. Nổi bật hơn cả là Cử nhân Ngô Trung Hòa, làm quan đến chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp, được phong tước Bảo thành Hầu dưới triều nhà Nguyễn.