Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.

Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

“Ăn ong” - hình thức lấy mật ong - đã trở thành đặc sản du lịch vùng U Minh Hạ (Cà Mau). “Ăn ong” như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, chắc có lẽ chỉ có những người thợ rừng lâu năm ở vùng U Minh Hạ mới biết rõ.

Đặc sản của nghề truyền thống

Rừng U Minh Hạ có tổng diện tích khoảng 35.000 ha, nơi đây thuộc hệ sinh thái rừng ngập ngọt của tỉnh Cà Mau với loại cây đặc trưng là cây tràm. Mùa hoa tràm nở cũng là mùa con ong quy tụ về đây hút mật, nhiều nhất là các loài ong ruồi, ong mật.

Tổ ong thường đóng trên thân hoặc nhánh các loại cây, lau sậy trong rừng và hằng ngày khi đã bay đi hút no mật, chúng lại quay về tổ tích trữ lượng mật vào đó. Để có thể lấy nhiều tổ ong, sản lượng mật cao, người dân U Minh Hạ đã nghĩ ra cách gác kèo để chiêu dụ ong làm tổ, từ đó xuất hiện nghề gác kèo ong.

Mùa hoa tràm nở cũng là mùa con ong quy tụ về hút mật. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Mùa hoa tràm nở cũng là mùa con ong quy tụ về hút mật. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Nghề gác kèo ong ra đời từ khi nào không ai biết, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh. Nơi đây, hiện có hàng trăm người hành nghề gác kèo ong trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, chịu sự quản lý của Nhà nước, trong đó có nhiều gia đình hai, ba thế hệ làm nghề này. Nghề gác kèo ong còn được người dân quen gọi là nghề “ăn ong”, hay gọi với cái tên hoa mỹ là “phong ngạn”.

Ông Trần Út Nhì năm nay 65 tuổi, là người đã có thâm niên gần 50 năm hành nghề “ăn ong” ở xứ rừng U Minh Hạ. Với bề dày kinh nghiệm, nhìn hoa tràm nở ông có thể biết năm đó trúng hay thất mùa, nhìn đàn ong bay có thể biết chúng chọn nơi làm tổ gần hay xa; nhìn địa thế gác kèo ông có thể xác định được đàn ong có về làm tổ hay không... Thế hệ con, cháu trong gia đình ông Nhì từ khi hơn 10 tuổi cũng đã được truyền dạy nghề này.

Ông Trần Út Nhì chia sẻ, nghề ăn ong thấy dễ mà không dễ. Nghề này bao gồm nhiều công đoạn: Chuẩn bị kèo, chọn điểm gác kèo, gác kèo, kiểm tra kèo, lấy mật, vắt mật và bảo quản mật.

Mỗi công đoạn sẽ có những quy tắc riêng, chẳng hạn chuẩn bị bộ kèo phải lựa chọn những loại cây chắc, nhẹ, lâu mục, đúng kích thước, dáng thẳng. Khi chọn điểm gác kèo phải biết chọn đúng hướng, tốt nhất là chọn nơi cây tràm thấp có nhiều bông và là những trảng trống, có ánh nắng Mặt trời chiếu xuống thân kèo.

“Khi gác kèo, thời gian gác tốt nhất là từ lúc Mặt trời mọc đến 9 giờ sáng, vì thời điểm này sẽ xác định đúng hướng Mặt trời mọc. Kèo được gác theo hình mái nhà, tùy theo trảng cao hay thấp mà người thợ rừng sẽ chọn độ dài của cây nống và nạng sao cho đảm bảo kèo bắt được ánh nắng Mặt trời”, ông Nhì chia sẻ kinh nghiệm.

Giải thích lý do vì sao phải kiểm tra kèo, ông Nhì cho biết: Kiểm tra kèo thường xuyên để xem kèo nào có ong về và kèo nào không. Ngoài ra, kiểm tra để tránh trường hợp kèo bị cây cối đâm vào, bị mạng nhện đóng, bị ong bầu đục hoặc bị mối ăn, bị gió thổi oặt thân kèo... Những kèo có ong thì kiểm tra để biết thời điểm ăn ong.

“Sau khi gác kèo, thời gian ong làm tổ khoảng 20 - 30 ngày nhưng cũng có người sáng gác, chiều đã có ong đóng tổ. Bí quyết và kinh nghiệm hơn nhau là ở chỗ này”, ông Nhì cho biết thêm.

Cũng theo ông Trần Út Nhì, công đoạn khó và nguy hiểm nhất đối với thợ rừng là ăn ong. Thời điểm ăn ong tốt nhất là từ 6 - 8 giờ sáng, bởi lúc này trời còn sương mù, ít bị ong đốt.

Dụng cụ trang bị cho chuyến ăn ong thường gồm: Bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa (thường chỉ sử dụng mùa nước nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng), lưới trùm đầu, bao tay, dao cắt mật, thau nhôm, thùng chứa mật… Ngoài ra, đi vào rừng ăn ong cũng phải mặc quần dài, áo dài tay.

Khi đến kèo, người thợ rừng sẽ dùng bình phun khói hoặc đuốc con cúi thổi khói từ phía trên gió vào tổ ong, sao cho khói bao phủ cả tổ ong khiến ong say khói bay đi. Tiếp đến dùng dao chặn giữa phần mật và phần tàng ong (nơi ong ở) cắt lấy phần mật (khúc mứt).

Đối với những tổ ong có khúc mật dài thì cắt thành 2 - 3 đoạn. Sau khi lấy mật xong, cắt bớt phần tàng có màu đen để tàng ong thừa bảo vệ tổ ong không bị gió thổi ngã. Việc làm này nhằm giúp ong tiếp tục sinh sống không tách đàn và phát triển sinh sản cho mật mới.

“Các thao tác trên phải được tiến hành nhanh gọn, đúng kỹ thuật để lượng mật không bị hao hụt và hạn chế nguy cơ bị ong đánh. Nếu biết cách lấy, một tổ ong có thể lấy mật được 3 - 4 lần, còn nếu không biết cách chỉ lấy một lần là ong bỏ đi”, ông Nhì lưu ý.

Trong quá trình ăn ong bị ong đốt là chuyện thường xảy ra, thậm chí vào rừng có thể gặp rắn, rết tấn công. “Khi bị ong đốt không nên giết chúng và phải chạy ngược hướng gió, vào rừng ăn ong nên đi thành nhóm 3 - 4 người để có thể kịp thời hỗ trợ nhau”, ông Nhì căn dặn.

Một tổ ong đóng trên kèo.

Một tổ ong đóng trên kèo.

Người dân đang thu hoạch mật ong.

Người dân đang thu hoạch mật ong.

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Với những nét độc đáo, ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống - Nghề gác kèo ong, huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Hiện nay, nghề gác kèo ong được tỉnh Cà Mau tổ chức thành 2 hợp tác xã nghề (19/5 và Vồ Dơi) và các hộ kinh doanh khác theo định hướng phát triển bền vững: Vừa khai thác thực hành nghề gác kèo ong, vừa thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ rừng.

Chỉ riêng tại 2 hợp tác xã 19/5 và Vồ Dơi, sản lượng mật hiện nay đạt khoảng 4.500 lít/năm. Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy mật ong ngoài giá trị dinh dưỡng cao còn có nhiều công dụng trong y học, làm đẹp, chế biến món ăn...

Vì vậy, mật ong rừng U Minh Hạ được đa số người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá trị sản phẩm mật ong cũng không ngừng tăng cao trên thị trường, góp phần cải thiện thu nhập của những người làm nghề gác kèo ong.

Khách du lịch trải nghiệm nghề ăn ong.

Khách du lịch trải nghiệm nghề ăn ong.

Năm 2021, sản phẩm mật ong rừng U Minh Hạ được Hội kỷ lục Việt Nam thuộc Liên minh kỷ lục thế giới xếp vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xây dựng các mô hình gác kèo ong, ăn ong… cho du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: Sản phẩm đặc trưng, đặc biệt của khu du lịch là đưa khách đi trải nghiệm ăn ong.

“Hầu hết khách du lịch khi trải nghiệm ăn ong đều tỏ ra thích thú, nhất là khách nước ngoài, bởi thông qua đó họ biết thêm về một nghề truyền thống ở địa phương, một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đây cũng là cách chúng tôi góp phần quảng bá du lịch địa phương, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông, cha”, anh Khanh chia sẻ.

Gác kèo ong là nghề truyền thống đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ. Nó không chỉ tạo ra các sản phẩm vật chất, mà còn lưu lại dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo; để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần đặc sắc về cuộc sống nơi “xứ sở lạ kỳ”.

Đó là những kinh nghiệm, những tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện tính sáng tạo và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi, để ngày nay, mỗi khi về U Minh Hạ, du khách lại muốn được một lần trải nghiệm “ăn ong”, thưởng thức vị ngọt, thơm từ hoa tràm trong từng giọt mật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.