Huyền thoại cá đồng U Minh Hạ

GD&TĐ - Cà Mau mang đậm nét đặc trưng của vùng đất có 2 hệ sinh thái mặn và ngọt song hành.

Vườn quốc gia U Minh Hạ nơi từng được xem là 'thủ phủ' cá đồng.
Vườn quốc gia U Minh Hạ nơi từng được xem là 'thủ phủ' cá đồng.

Cà Mau mang đậm nét đặc trưng của vùng đất có 2 hệ sinh thái mặn và ngọt song hành. Nếu hệ sinh thái mặn nổi tiếng với các loài hải sản thì hệ sinh thái ngọt lại được biết đến như “thủ phủ” của các loại cá đồng.

Một thời trù phú

Ông Tô Văn Chuối, tên thường gọi là Năm Chuối về vùng đất U Minh Hạ (Cà Mau) sinh sống đã được hơn 50 năm. Ông là một trong những cư dân đầu tiên về đây khẩn hoang, lập nghiệp.

Dù năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng ông Năm Chuối vẫn còn minh mẫn. Những chuyện liên quan đến đất rừng U Minh Hạ ông biết rất rành, trong đó có chuyện về con cá đồng.

Ông Năm Chuối hoài niệm, xưa kia vùng đất U Minh Hạ nguồn lợi cá đồng rất nhiều, chỉ cần đi nhấp hoặc đi câu một buổi là xách cá về không nổi. Những con cá lóc tầm 2 - 3kg không phải hiếm ở vùng đất này, còn cá rô, cá sặc bổi thì to tầm bàn tay người.

Có khi chống xuồng ra những con kênh trong rừng, cá lóc phóng lên be xuồng bắt ăn không hết. Sáng giăng lưới chiều đi thăm cá dính gỡ mỏi tay, còn đặt lờ một buổi thì cá chui vào gần nửa lờ, nặng trĩu.

Ông Đặng Văn Nhãn, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời năm nay hơn 90 tuổi. Gia đình ông Nhãn từng một thời là chủ đìa ở vùng đất U Minh Hạ. Theo lời kể của ông Nhãn, ngày xưa một đìa tát cạn, chủ đìa có thể thu hoạch hàng chục tấn cá, tùy theo diện tích đìa lớn hay nhỏ.

Đìa nào thất lắm cũng tầm vài tấn với đủ loại cá đồng. Mỗi khi tát đìa, chụp đìa, gia đình ông Nhãn phải huy động từ 7 - 10 người để bắt, khiêng, phân loại và làm cá... Xưa cách thức bắt cá rất đơn giản, là dùng vợt, rổ hoặc bắt bằng tay.

Thông thường người dân chỉ bắt cá có trọng lượng lớn, còn những loại cá nhỏ không bắt hoặc nếu bắt được cũng thả lại để chúng có thể phát triển đủ kích cỡ, sinh sản, mùa đìa sau mới khai thác.

“Có những đìa tát gần cạn chờ sáng hôm sau bắt cá, buổi tối canh đìa chủ đìa thường không thể nào ngủ được bởi âm thanh tiếng “cá táp um trời”, tiếng “cá thở như cơm sôi” luôn rì rào bên tai. Có lẽ chỉ có những bậc cao niên sống ở vùng U Minh Hạ như tôi mới biết chuyện cá thở, bởi chỉ khi cá nhiều người ta mới nghe được âm thanh đó”, ông Đặng Văn Nhãn hào hứng hồi tưởng.

Cạn kiệt vì khai thác tận diệt

Cá đồng bày bán tại chợ Phường 8, TP Cà Mau.

Cá đồng bày bán tại chợ Phường 8, TP Cà Mau.

Giờ đây, sản lượng cá đồng khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện đã suy giảm từ 80 - 90% so với cách đây vài chục năm, một số loài cá như: Cá lóc bông, cá trê trắng... gần như bị tiệt chủng.

Ông Lê Thanh Dũng - Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ lý giải: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản lượng cá đồng bị suy giảm. Thứ nhất, dân cư ngày càng đông đúc, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, cá đồng ngày càng có giá trị nên một bộ phận người dân đã tiến hành khai thác một cách triệt để nguồn cá.

Thay vì bắt cá bằng những dụng cụ truyền thống, thô sơ như trước đây, nhiều người bắt cá bằng cách đặt lú bát quái, dùng lưới có mắt lưới nhỏ, dùng lưới mành kéo cá non, cá lòng ròng... Đó đều là những cách bắt không bỏ sót loại cá nào.

Đáng lên án, một bộ phận người dân còn sử dụng cả xung điện để bắt cá. “Một con cá khi bị trúng luồng điện xiệt khó có khả năng trốn thoát, nếu trốn thoát thì con cá đó cũng thường chậm lớn, bị dị tật và mất khả năng sinh sản”, ông Lê Thanh Dũng cho biết.

Một nguyên nhân nữa khiến nguồn lợi cá đồng suy giảm là do ngày nay trong quá trình sản xuất lúa, người dân thường lạm dụng quá mức việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thời điểm bắt đầu mùa lúa, cá đồng thường tập trung lên ruộng để tìm kiếm thức ăn, không may trúng phải thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây ngộ độc dẫn đến chết hoặc giảm khả năng sinh sản, phát triển.

Tuy nhiên, hành vi khai thác cá đồng theo kiểu tận diệt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức chưa phải là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi cá đồng suy giảm như hiện nay.

Theo ông Lê Thanh Dũng, nguyên nhân cốt lõi chính là việc người dân tự phát chuyển dịch làm kinh tế, đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm khiến cho môi trường sống của các loại cá đồng dần càng bị thu hẹp.

Một thực tế đáng buồn đang diễn ra là phần lớn diện tích vùng sản xuất ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đều đang bị nhiễm mặn. Ngay tại khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ, một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, “thủ phủ” của các loại cá đồng, nơi vốn được bảo vệ nghiêm ngặt cũng đang bị nước mặn tấn công.

Có thời điểm ngành chức năng đo được độ mặn thẩm thấu đến Vườn quốc gia U Minh Hạ từ 4 - 6 phần ngàn. Với độ mặn thế này về lâu dài có thể gây chết cây rừng và cá đồng. “Có thể xem, việc chuyển dịch tự phát ồ ạt sang nuôi tôm chính là “chiến dịch” tàn sát cá đồng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay”, ông Lê Thanh Dũng nhận định.

Cảnh bắt cá đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Cảnh bắt cá đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Một buổi chụp đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Một buổi chụp đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Người dân sử dụng xung điện tận diệt cá.

Người dân sử dụng xung điện tận diệt cá.

Ráo riết tìm giải pháp bảo tồn

Liên quan đến việc nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Hạ ngày càng suy giảm nghiêm trọng, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian qua ngành Nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng công an, chính quyền các địa phương triển khai rất nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá đồng.

Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ, gìn giữ nguồn lợi cá đồng, không khai thác theo hình thức tận diệt và vận động người dân tự giác giao nộp dụng cụ bình xiệt cá và tham gia cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.

Song song đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm. “Công tác này sẽ được duy trì đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, cùng với đó là việc quy hoạch lại khu vực nuôi, tái tạo, bảo tồn nguồn cá đồng hợp lý”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung, cá đồng nói riêng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Xác định nhiệm vụ ngăn chặn khai thác thủy sản có tính hủy diệt là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt tình trạng này, nhằm bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản.

“Từ một vùng đất giàu nguồn lợi cá đồng được thế giới biết đến, cả nước ngưỡng mộ, ngày nay, thực khách đến các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau tìm mua một con cá đồng đúng nghĩa trong tự nhiên có trọng lượng lớn đã là chuyện khó, dù có thì giá cả cũng rất cao, bởi cá đồng đã thuộc dạng quý hiếm. Hy vọng sự quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ giúp vùng đất U Minh Hạ phần nào phục hồi được nguồn lợi cá đồng, một loại đặc sản nổi tiếng mà khách du lịch đều mong được thưởng thức khi đến vùng đất tận cùng Tổ quốc” - ông Đặng Văn Nhãn mong mỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động

Bể cá mini tròn Bể cá mini