Thông tin nói trên đã được công bố bởi nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell - người chuyên theo dõi số liệu thống kê về các vụ phóng và quan sát những vật thể trong quỹ đạo gần Trái đất.
Kosmos-2560 được phóng vào ngày 15/10/2022 từ sân bay quân sự Plesetsk bằng tên lửa hạng nhẹ Angara-1.2. Sau đó Tập đoàn Roskosmos và Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng kết nối ổn định đã được thiết lập và duy trì với thiết bị, đồng thời các hệ thống trên vệ tinh hoạt động bình thường.
Tuy nhiên theo ông McDowell, Kosmos-2560 đã không thực hiện một thao tác nào trong suốt thời gian nó ở trên không gian. Quỹ đạo của vệ tinh giảm hàng ngày, cuối cùng nó bắt đầu rơi. Vào ngày 10/12, nó đi vào bầu khí quyển của trái đất và bốc cháy trên bầu trời Thái Bình Dương gần đảo Guam.
Mục đích của Nga khi chế tạo vê tinh Kosmos-2560 đã khơi dậy sự quan tâm ngày càng tăng ở phương Tây. Theo các chuyên gia, đó là một vệ tinh trinh sát quang điện tử thuộc lớp EO MKA.
Đáng chú ý là Kosmos-2560 chịu chung số phận với hai người tiền nhiệm của nó (Kosmos-2555 và Kosmos-2551). Sau khi đi vào quỹ đạo, chúng cũng không thực hiện một thao tác nào và bốc cháy trong bầu khí quyển lần lượt sau 19 và 41 ngày kể từ khi được phóng.
Dựa trên điều này, ông McDowell cho rằng việc thiếu cơ động có thể không phải do tai nạn mà là đặc tính thiết kế ban đầu của những phương tiện này - cho dù vị chuyên gia coi điều này là "rất kỳ lạ".
Giả định như vậy được chứng minh bằng thực tế là vệ tinh đầu tiên của loạt - chiếc Kosmos-2525 đã dành 3 năm trên quỹ đạo và tích cực cơ động để duy trì độ cao cần thiết.
Ngoài ra giới phân tích rất nghi ngờ rằng những lần phóng vệ tinh gián điệp thực sự "dùng một lần" hiếm hoi sẽ có tác động đáng kể (trừ khi chúng ta xem xét đến yếu tố lợi ích tài chính đặc biệt của ai đó).
Ngoài ra trong số các giả định, có ý kiến về sự phát triển của một số "công nghệ mới", được liên kết với một loạt vệ tinh trinh sát quang học quỹ đạo thấp, kích thước nhỏ gọn đầy hứa hẹn mang tên Razbeg.
Đây có thể là một lời biện minh hợp lý, nhưng việc hoàn toàn không có bất kỳ "thông báo thành công" nào như vẫn thường được tuyên bố rộng rãi, ngay cả trong những dịp ít quan trọng là điều gây nghi vấn.
Không chỉ có vậy, nhiều người tin rằng 3 vệ tinh Kosmos cuối cùng của dòng EO MKA đã hư hỏng rất đơn giản do một số kiểu kết nối hoặc lỗi, khiến chúng không thể sử dụng công cụ hiệu chỉnh.
Vệ tinh Kosmos-2560 của Nga đã bị mất quỹ đạo một cách kỳ lạ. |
Trong những năm gần đây, Nga đã phải đối mặt với "lời nguyền" phóng vệ tinh do thám quân sự, dẫn đến thất bại và tai nạn với tần suất cao, cổng thông tin Sohu của Trung Quốc lưu ý và trích dẫn dữ liệu rất đáng thất vọng:
"Nga hiện chỉ có 12 vệ tinh viễn thám Trái đất (ERS) trên quỹ đạo cho mục đích quân sự và dân sự, trong đó 2 vệ tinh (Kosmos-2486 và Kosmos-2506) đã vượt quá tuổi thọ thiết kế... Tỷ lệ các lần phóng không thành công và sự cố trên quỹ đạo đối với vệ tinh do thám được Nga phóng từ năm 2015 đã vượt quá 70%".
Tờ báo Trung Quốc cũng tuyên bố rằng vào tháng 8/2022, Nga đã phóng vệ tinh viễn thám Khayyam cho Iran với độ phân giải các vật thể trên mặt đất là 1,2 m, nhưng sau đó nó được "Quân đội Nga mượn để sử dụng trên chiến trường Ukraine".
Còn vệ tinh Kosmos-2560 nói trên có độ phân giải khoảng 0,9 m - cao nhất trong số các vệ tinh trinh sát quân sự cỡ nhỏ của Nga. Để so sánh, vệ tinh nhỏ thuộc dòng Cát Lâm-1 mà Trung Quốc bắt đầu phóng cách đây vài năm có chỉ số 0,7 m.
Trong "chòm sao" của Trung Quốc, chỉ riêng loại này đã bao gồm hàng chục vệ tinh, và chúng có thể giám sát ở bất cứ đâu trên thế giới tới 30 lần một ngày, tức là chụp ảnh một lần trong vòng chưa đầy một giờ.
Trước thực tế trên, tờ Sohu kết luận, hầu như không có biểu hiện thực sự nào về sự hỗ trợ dành cho Quân đội Nga từ các vệ tinh trinh sát hiện đang ở trên quỹ đạo.
Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, Moskva rõ ràng đã thiếu khả năng trinh sát vệ tinh, trong khi các nước phương Tây huy động khoảng 200 vệ tinh viễn thám thương mại với khả năng chụp ảnh quang học độ phân giải rất cao (0,3 - 0,5 m) để hỗ trợ Ukraine.