Các lệnh trừng phạt chống Nga có thực sự vô dụng như Moskva tuyên bố?

GD&TĐ - Các biện pháp trừng phạt chống Nga có tác dụng đáng chú ý nào đối với Điện Kremlin hay không là câu hỏi Phương Tây luôn đi tìm lời giải.

Các lệnh trừng phạt chống Nga có thực sự vô dụng như Moskva tuyên bố?

Theo các chuyên gia phân tích của trang 19FortyFive, trong trường hợp các lệnh trừng phạt tỏ ra kém tác dụng thì phương Tây có thể phải xem xét lại ý tưởng “sự phụ thuộc lẫn nhau được vũ khí hóa” mang lại cho Mỹ và đồng minh những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất định, ít nhất là để giải thích tại sao Nga rất cố gắng thoát khỏi tác động tồi tệ nhất của sự tẩy chay.

Câu hỏi làm thế nào để sử dụng tốt nhất lĩnh vực tài chính nhằm cắt giảm sức mạnh của Nga, về cơ bản chính là Mỹ và các đồng minh của họ có thể sử dụng những công cụ tài chính ở mức độ nào để khiến Moskva không còn duy trì được khả năng phát động cuộc chiến.

Hãy bắt đầu với những gì công cụ tài chính chưa làm được. Nhiều biện pháp trừng phạt chưa thể "đóng băng" nền kinh tế Nga, cũng như không ngăn cản Moskva tiếp tục xuất khẩu năng lượng.

Bước đi trên cũng không khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga bị đình trệ, mặc dù đã góp phần gây khó khăn cho Moskva trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện công nghệ cao.

Bao vây kinh tế chưa thể buộc Nga từ bỏ cuộc chiến hoặc làm giảm đáng kể khả năng chi trả cho xung đột. Hơn nữa, chiến dịch trừng phạt đã làm gián đoạn dòng chảy toàn cầu của hàng hóa và vốn, góp phần đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên cao.

Nga đang hứng chịu những lệnh trừng phạt nặng nề

Nga đang hứng chịu những lệnh trừng phạt nặng nề

Tuy nhiên chúng ta nên cân nhắc trước khi kết luận rằng các công cụ tài chính của Mỹ không có tác động gì. Thực tế chúng đã cắt giảm một phần lớn tài sản quốc tế của Nga.

Moskva có thể không bao giờ nhận lại những tài sản đó nữa và khả năng giữ tiền ở nước ngoài của họ đã bị hạn chế đáng kể. Xuất nhập khẩu đã giảm nghiêm trọng, nếu chưa muốn nói là gần bằng không. Những công dân Nga giàu có đã mất quyền kiểm soát tài sản mà họ nắm giữ ở nước ngoài.

Về dài hạn, những dự đoán về tăng trưởng của nền kinh tế Nga trở nên ảm đạm. Điều này chưa có tác động tức thì nhưng đã khiến Điện Kremlin khó chịu và sẽ còn tiếp tục như vậy trong một thời gian nữa.

Cuối cùng, sự ủng hộ trong nước dành cho Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ không còn, và từ đó khiến Nga khó lòng phát động một cuộc chiến tương tự trong tương lai.

Một phần của vấn đề là Nga rất quan trọng đối với thế giới, cho nên không thể đơn giản bị cắt đứt khỏi kinh tế toàn cầu. Một số so sánh có thể hữu ích: Triều Tiên đại diện cho khoảng 0,01% thương mại thế giới những năm 2000 khi nước này bắt đầu bị trừng phạt. Iran ở mức 0,1% - 0,2% trước đợt trừng phạt mới nhất.

Cả hai đều bị cắt khỏi các nguồn tài chính với rất ít thiệt hại về tài sản thế chấp, mặc dù việc cô lập tài sản của Iran chắc chắn ảnh hưởng đến giá năng lượng, và trong khi cả hai đều không sụp đổ thì nhìn chung chúng không được coi là động lực kinh tế.

Nền kinh tế Nga chiếm khoảng 1 - 2% quy mô toàn cầu, đang phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính, tuy nhiên có những tác động thứ cấp đáng kể đối với lạm phát và dòng chảy thương mại thế giới.

Ở mức gần với “Tiêu chuẩn Nga”, lệnh trừng phạt kinh tế bắt đầu gây tổn hại cho tất cả mọi người, kể cả quốc gia tung ra chúng. Hãy xem xét vào năm 1914, 9,3% thị phần thương mại toàn cầu của Đức đủ để ngăn cản người Anh tuyên bố chiến tranh tài chính toàn diện do lo ngại sẽ gây ra tác động trên toàn cầu.

Điều đáng chú ý trong bối cảnh này là Trung Quốc chiếm khoảng 15% thương mại thế giới, khiến chiến tranh kinh tế trở thành một viễn cảnh cực kỳ nhạy cảm để dự tính.

Lĩnh vực tài chính là một khái niệm hữu ích để suy nghĩ về cạnh tranh quốc tế. Cấm vận chưa mang lại chiến thắng trong cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống lại Nga, nhưng nó đã cung cấp một bộ công cụ để gây thiệt hại cho Moskva và giúp Ukraine có thể đứng vững.

Việc có nhiều quốc gia tham gia trừng phạt đã yêu cầu những nước đó phát triển năng lực hành chính để thực thi, nghĩa là những nỗ lực trong tương lai có thể còn nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng không phải là công cụ này chưa đủ gây hại; có thể việc trừng phạt nhằm vào Nga, Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác mà Mỹ cảm thấy là nguy cơ sẽ trở nên quá nguy hiểm đối với Washington và đồng minh của họ.

Theo 19FortyFive

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ