Về Tam Đường nghe tiếng khèn Mông

GD&TĐ - Với người Mông, tiếng Khèn là sợi dây tâm linh nối người sống và người đã khuất. Khèn còn là “cây cầu” bắc lời tỏ tình đôi lứa.

Tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt văn hóa dân tộc Mông. Ảnh: Hà Thuận.
Tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt văn hóa dân tộc Mông. Ảnh: Hà Thuận.

Xã hội ngày càng phát triển, đồng bào Mông ở Tam Đường đang ra sức gìn giữ trước nguy cơ mai một…

“Món ăn” tinh thần không thể thiếu…

Đồng bào Mông ở Lai Châu quan niệm rằng: Tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt, được hình thành và phát triển cùng với những thăng trầm của lịch sử. Từ bao đời nay, cây khèn đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con. Trải qua năm tháng, khèn vẫn được giữ gìn, lưu truyền trong cộng đồng người Mông.

Tiếng khèn của người Mông không chỉ được sử dụng tại gia đình vào những ngày đặc biệt, mà nó còn cất lên trong những dịp hội hè, trong những buổi giao lưu thắm tình bè bạn.

Trong đời sống văn hóa, tâm linh, tiếng khèn, cây khèn đi theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông, hiện diện trong lúc vui nhất. Nó cũng xuất hiện khi mỗi gia đình có việc đau buồn nhất, đó là khi có tang tóc.

Trước kia, khèn của người Mông hầu như chỉ được sử dụng tại gia đình. Giờ đây, tiếng khèn được dùng trong nhiều hoàn cảnh, sự kiện của đời sống, sinh hoạt. Thanh niên người Mông xuống chợ, mang theo cây khèn. Thích cô gái nào, chàng trai mang khèn ra thổi và múa vòng quanh người ấy. Nếu cô gái yêu thích chàng trai, sẽ đáp lại bằng cách xòe ô múa theo điệu khèn của chàng. Điệu múa dập dìu theo tiếng khèn.

Những chàng trai mới lớn đã được cha, ông hay những thợ khèn lão luyện ở bản dạy truyền kỹ năng, kỹ thuật thổi và múa. Trước tiên, thầy dạy cách lấy hơi, uốn lưỡi thổi khèn. Học thuộc các bài khèn rồi mới học đến múa khèn, kết hợp thổi và múa khèn.

Theo lý giải của các nghệ nhân, điệu múa khèn còn là động tác múa võ thể hiện ý chí, sức mạnh của đấng nam nhi. Khi múa khèn, có lúc người múa ngậm miệng thổi khèn. Đôi lúc họ lại giơ khèn múa ra phía trước giống như đang tấn công ai đó.

Có lúc lại rụt khèn về ép vào nách như ở thế phòng thủ. Người múa khèn thực hiện các động tác rất điêu luyện, mang tính nghệ thuật. Lúc nhẹ nhàng, uyển chuyển, khi thì mạnh mẽ, khỏe khoắn.

Các thế hệ người Mông vẫn truyền tai nhau giai thoại mới về chiếc khèn và tiếng khèn Mông. Chuyện kể rằng, ở một bản nọ, có cô giáo miền xuôi rất xinh đẹp lên bản dạy chữ. Cứ mỗi khi cuộc khèn vang lên là cô có mặt, mê mẩn, say sưa theo tiếng khèn.

Người già trong bản bảo: Cô giáo mê tiếng khèn mất rồi, chẳng về xuôi nữa mà gắn bó hẳn với đất, với người vùng cao này. Biết bao cô giáo trẻ đã mê mẩn bởi tiếng khèn mà tình nguyện lên những bản vùng cao dạy chữ. Và cũng biết bao cô gái, chàng trai đã nên vợ, thành chồng nhờ tiếng khèn Mông dặt dìu ấy.

Một buổi sinh hoạt của CLB khèn Mông xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Một buổi sinh hoạt của CLB khèn Mông xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Gìn giữ “hồn cốt” của đồng bào…

Đầu năm 2021, Câu lạc bộ (CLB) khèn Mông xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) được thành lập với 17 thành viên. Họ sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Mỗi thành viên ở các lứa tuổi khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê với tiếng khèn và những điệu múa của dân tộc mình. Tại đây, thành viên được thể hiện, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Họ cùng nhau gìn giữ những làn điệu khèn còn được lưu truyền trong dân gian.

Anh Giàng A Hà, Bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng là thành viên có tuổi đời còn rất trẻ mới tham gia CLB. Anh Hà cho biết: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi được tham gia CLB khèn Mông của xã. Ở đây, tôi được giao lưu, học hỏi về bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Qua đó, góp phần gìn giữ những nét văn hóa ấy không bị mai một”.

Anh Lý A Nủ - Chủ nhiệm CLB - chia sẻ: “Thông thường, chúng tôi sinh hoạt mỗi tháng một lần. Những lúc nông nhàn, có thể sinh hoạt 1 lần/tuần. Người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm sẽ truyền dạy cho các thành viên.

Kể từ khi được thành lập, chúng tôi cũng đã được mời đi diễn tại các sự kiện ở nhà hàng, hội chợ. Ngoài ra còn biểu diễn ở các dịp lễ, hội của xã, huyện. Qua đó, đã thu hút ngày càng nhiều các bạn trẻ tham gia”.

Thực hiện kế hoạch bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Tam Đường đã thành lập được 3 CLB khèn Mông tại các xã với 47 thành viên.

Các CLB có nhiệm vụ sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục. Mục đích là để lưu giữ lời ca, điệu múa, nhạc cụ, các trò chơi truyền thống. Việc làm này thể hiện trong những dịp lễ, Tết, ngày hội, chào mừng các sự kiện lớn của địa phương.

Dù mới đi vào hoạt động, nhưng các CLB đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền dạy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua các hoạt động giao lưu biểu diễn đã góp phần quảng bá văn hóa, vẻ đẹp con người Tam Đường tới du khách.

Ông Lù Văn Trân – Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tam Đường - cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa để các CLB khèn Mông đã thành lập được giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Từ đó duy trì và phát huy được hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú trọng phát triển thêm CLB, thành viên mới với địa bàn các xã trong huyện. Đối tượng mà chúng tôi muốn hướng tới, đó là thế hệ trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ